Ảnh minh họa. Nguồn: Asianews
Theo một nhà hoạt động xã hội, xu hướng này bắt nguồn từ tác động kinh tế của COVID-19, đặc biệt là đối với phụ nữ. Qua dữ liệu sơ bộ của cảnh sát, tổng số vụ tự tử trong tháng 10 là 2.153 vụ, tăng hơn 300 vụ so với tháng trước và là con số cao nhất kể từ tháng 5 năm 2015.
Trong số các trường hợp tự tử ở tháng 10 đã ghi nhận 851 trường hợp là phụ nữ, tăng 82,6% so với cùng tháng vào năm 2019. Đồng thời, số vụ tự tử ở nam giới cũng tăng 21,3%.
Các nhà hoạt động cho biết những vụ tự tử đã giảm đều cho đến tháng 7, nhưng sau đó tác động kinh tế từ đợt bùng phát COVID – 19 mới lại khiến con số bắt đầu tăng lên.
Theo đó, phụ nữ thường là những người làm việc không cố định trong ngành bán lẻ và dịch vụ vốn bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch. Điều này khiến họ thường bị mất việc làm.
Qua nhiều thời đại ở Nhật Bản, tự tử là một cách để tránh cảm giác xấu hổ, nhục nhã. Trong nhiều năm, việc tìm đến hỗ trợ tâm lý đã bị kỳ thị ở quốc gia này. Theo thống kê, Nhật Bản có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước G7.
Năm 2003, khi số vụ tự tử ở Nhật Bản đạt mức cao nhất là 34.427, các nhà hoạch định chính sách đã thiết kế một chương trình phòng ngừa toàn diện, được đưa ra vào năm 2007. Thông qua nhiều nỗ lực của chính phủ và cơ quan, bao gồm xác định các nhóm có nguy cơ, giới hạn thời gian làm thêm và hỗ trợ dịch vụ tư vấn, số lượng vụ tự tử đã giảm xuống chỉ còn hơn 20.000 trường hợp vào năm ngoái.
Kim Ngọc (Theo Reuters)