leftcenterrightdel
Hoạt động kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Việt Nam của lãnh tụ Fidel Castro (Ảnh CUBADEBATE). 

Tháng 9/1973, Chủ tịch Fidel Castro đã tới Việt Nam, trở thành người đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng mới giải phóng ở miền nam Việt Nam. Chuyến thăm lịch sử ấy trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó giữa hai dân tộc cùng lý tưởng cao đẹp vì hòa bình, độc lập tự do, dân chủ và tiến bộ.

Những ngày qua, truyền thông Cuba, gồm Báo điện tử Juventud Rebelde, hãng Thông tấn Quốc gia Cuba (ACN) cùng nhiều trang thông tin khác, đã thuật lại ngắn gọn hành trình năm 1973 của vị Tổng Tư lệnh Cuba đến với mảnh đất của những người Việt Nam cần cù và anh dũng, đúng như lời mô tả của anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti. Chủ tịch Fidel Castro bày tỏ: Chưa từng đến nơi nào với nhiều tình cảm trìu mến đến thế, Việt Nam là tấm gương và nguồn khích lệ lớn lao cho cuộc đấu tranh của Cuba. Trong tất cả các bài phát biểu và những cuộc đối thoại với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Việt Nam trong chuyến thăm này, Fidel đều nêu bật vai trò phi thường của Việt Nam đối với phong trào cách mạng và giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Nhắc lại chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Fidel tới Việt Nam năm 1973, trong sự kiện kỷ niệm vào cuối tháng 4 vừa qua tại Cuba, Chủ tịch Viện Cuba Hữu nghị với các dân tộc (ICAP) Fernando Gonzalez khẳng định, thời điểm ấy, dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa, song tư tưởng của Người luôn gắn liền với tinh thần đoàn kết, là nền móng vững chắc để nhân dân Cuba và Việt Nam tiếp tục xây dựng, phát triển hơn nữa mối quan hệ truyền thống, mẫu mực này. Cũng trong phát biểu mới đây nhân dịp kỷ niệm tròn 50 năm chuyến thăm Việt Nam của lãnh tụ Fidel Castro, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Ðảng Cộng sản Cuba Roberto Morales Ojeda nêu bật tầm quan trọng của sự kiện, không chỉ góp phần xây dựng mối quan hệ anh em đoàn kết truyền thống giữa hai quốc gia, mà còn viết nên một trang anh hùng ca, khẳng định quyết tâm của cả hai dân tộc tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội, phù hợp đặc điểm của mỗi nước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại châu Á-Thái Bình Dương lớn thứ 2 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực này tại Cuba. Các mối quan hệ kinh tế và thương mại góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ anh em truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Cũng vào một ngày thu tháng 9 tròn 60 năm trước đã chứng kiến dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Cuba. Ngày 25/9/1963, Ủy ban Cuba đoàn kết với miền nam Việt Nam, tiền thân của Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, ra đời theo chỉ thị của Tổng Tư lệnh Fidel Castro, với Chủ tịch đầu tiên là nữ anh hùng của Moncada, Melba Hernandez. Ủy ban đã tổ chức nhiều hoạt động chia lửa với Việt Nam, phát động toàn quốc phong trào quần chúng nhằm lan tỏa sự đoàn kết với Việt Nam. Xuyên suốt chặng đường đã qua, Việt Nam và Cuba luôn kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, giữ vững thành quả cách mạng, kiên định với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi đất nước, vun đắp không ngừng cho mối quan hệ đồng chí anh em mẫu mực thủy chung, trong sáng giữa hai quốc gia ở hai nửa bán cầu.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Cuba duy trì đà phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác kinh tế và khoa học-kỹ thuật thông qua cơ chế Ủy ban liên Chính phủ được hai nước triển khai đều đặn với những thành quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, hợp tác thương mại song phương được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều chương trình, dự án hợp tác và đầu tư. Việt Nam tiếp nhận công nghệ sinh học, nhập khẩu vắc-xin và dược phẩm từ Cuba; trong khi đảo quốc Caribe chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cà-phê, gạo, giày dép, sản phẩm dệt may, hóa chất, máy tính, linh kiện điện tử… Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều những năm qua đạt mức 250-350 triệu USD/năm.

Những hoạt động kỷ niệm đặc biệt vào tháng 9 hằng năm luôn đong đầy ý nghĩa cả với nhân dân Việt Nam và Cuba, là lời nhắc nhở thiết thực với thế hệ trẻ hai nước về những nỗ lực không mệt mỏi của cha ông trong quá trình gây dựng và vun đắp tình hữu nghị bền chặt vượt thời gian, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo thoidai