Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế Maimonides ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 sáng 18/10, trên thế giới có tổng cộng 39.945.224 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1.114.578 ca tử vong, số ca bình phục là 29.884.463 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, với 8.342.665 ca mắc, trong đó có 224.282 người tử vong.
Trong thời gian gần đây, số ca mắc bệnh và nhập viện vì COVID-19 đang gia tăng trở lại tại Mỹ, làm dấy lên lo ngại về khả năng làn sóng dịch thứ ba đang diễn ra như các chuyên gia đã cảnh báo trước đó.
Theo tờ New York Times, tính riêng tuần qua, Mỹ đã ghi nhận trung bình 54.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, tăng 25% so với hai tuần trước.
Số ca mắc bệnh tăng cao không chỉ do gia tăng số lượng xét nghiệm. Có tới 19 bang, trong đó có Bắc Dakota, Wisconsin, Nebraska, Kansas và Indiana, đang chứng kiến số ca mắc bệnh cao nhất trong khu vực.
Ngoài ra, các bang dường như đã kiểm soát được đại dịch trong những tháng gần đây như Florida, New York, New Jersey, Arizona và một số bang khác cũng ghi nhận sự gia tăng trở lại.
Giới chuyên gia cảnh báo nước Mỹ có thể phải chứng kiến số ca mắc cao tương tự như châu Âu hiện nay trong khoảng hai hoặc ba tuần tới. Trước sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền New York đã yêu cầu hủy việc tổ chức đám cưới, dự kiến có hơn 10.000 người tham dự tại Brooklyn do vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 7.492.727 ca mắc và 114.064 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 5.224.362 ca mắc và 153.690 ca tử vong, Nga với 1.384.235 ca mắc và 24.002 trường hợp tử vong.
Dịch COVID-19 tại châu Âu vẫn đang diễn biến phức tạp. Hai ngoại trưởng của Áo và Bỉ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, sau khi tham dự một cuộc họp với những người đồng cấp trong Liên minh châu Âu (EU). Điều này làm dấy lên quan ngại rằng cuộc họp trên có thể được gọi là một sự kiện "siêu lây nhiễm."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Áo cho hay Ngoại trưởng nước này Alexander Schallenberg và Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes đã ngồi cạnh nhau trong cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU hôm 12/10 ở Luxembourg.
Trong khi đó, Pháp và Cyprus đều thông báo số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày từ trước tới nay. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận thêm 32.427 trường hợp mắc COVID-19 và 90 ca tử vong, đưa tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt là 867.197 và 33.392.
Hiện lệnh giới nghiêm ban đêm, kéo dài ít nhất một tháng, tại Paris và các thành phố lớn khác trên khắp nước Pháp đã bắt đầu có hiệu lực từ đêm 17/10.
Khoảng 20 triệu người, chiếm 1/3 dân số Pháp, sẽ phải ở nhà từ 21h00 đến 6h00, nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới hơn 140 USD. Tại Cyprus, số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 203 trường hợp, đưa tổng số người mắc lên 2.581, trong đó có 25 ca tử vong.
Chính phủ Cyprus đã hối thúc người dân tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng dịch, đồng thời yêu cầu các nhà hàng, quán bar và càphê tại quận đông dân Limassolphari đóng cửa trước 22h30 (theo giờ địa phương) từ ngày 18/10 cho đến ít nhất là ngày 26/10.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Rome, Italy ngày 12/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Italy cũng đang cân nhắc thắt chặt các biện pháp hạn chế trên toàn quốc để ứng phó với đợt tăng mạnh các ca mắc COVID-19.
Theo người đứng đầu vùng Liguria, Tây Bắc Italy, ông Giovanni Toti, Bộ trưởng Y tế nước này Roberto Speranza đã gặp giới chức địa phương để thảo luận những bước đi nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Nhiều khả năng Chính phủ Italy sẽ hối thúc các trường học luân phiên các tiết học trực tuyến và trực tiếp, yêu cầu các doanh nghiệp tăng thời gian làm việc từ xa. Tuy nhiên, hiện chính phủ sẽ không ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm hoặc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đối với quán rượu và nhà hàng.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại các quốc gia thành viên EU đang tăng mạnh, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo Berlin sẵn sàng hỗ trợ và tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 từ các nước láng giềng gặp khó khăn trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Ông cho biết với hệ thống cảnh báo sớm mới tốt hơn so với hồi đầu năm, Đức hiện có thể ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này hiệu quả hơn so với nhiều nước trong khu vực châu Âu. Trước đó, nhiều bang ở Đức đã đồng ý tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ các nước láng giềng EU, trong đó có Hà Lan.
Tại châu Phi, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC), tổng số trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận trên khắp châu lục đã lên tới 1.622.455 người, trong đó 39.584 người đã tử vong và 1.337.964 người đã được điều trị khỏi.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất tại châu lục này lần lượt là Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Ethiopia và Nigeria. Khu vực miền Nam và miền Bắc châu Phi là hai tiểu vùng ghi nhận cả số trường hợp nhiễm bệnh cũng như số người tử vong cao nhất.
Liên minh châu Phi (AU) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ đại dịch có thể bùng phát trở lại tại châu lục, đồng thời kêu gọi các nước cần tăng cường hơp nữa nỗ lực để vượt qua các thách thức về y tế cũng như kinh tế và hiện tại là thời điểm để các nước thành viên đoàn kết thành một mặt trận thống nhất để hành động.
Cơ quan Kiểm soát dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cho phép thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga tại quốc gia Nam Á này.
Theo quyết định của DCGI, công ty dược phẩm toàn cầu có trụ sở tại Ấn Độ Dr Reddy sẽ được tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn hai và ba loại vắcxin trên.
Theo Vietnamplus