leftcenterrightdel
 Nữ giáo sư, kỹ sư Frances Arnold thắng giải Công nghệ thiên niên kỷ năm 2016 nhờ công trình nghiên cứu mang tính đột phá về tiến hóa - Nguồn ảnh: Caltech

Giải thưởng Công nghệ thiên niên kỷ vừa chốt danh sách đề cử chính thức cho sự kiện trao giải sẽ diễn ra năm 2024, với số tiền thưởng lên đến 1 triệu euro (tương đương hơn 26 tỉ đồng). Người chiến thắng giải thưởng này năm 2016 là giáo sư, kỹ sư Frances Arnold, cũng là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới từng nhận giải thưởng danh giá này. 

Giải thưởng của Học viện Công nghệ Phần Lan (TAF) bắt đầu từ năm 2004, tổ chức 2 năm 1 lần, được ví như “giải Nobel” của ngành công nghệ. Thế nhưng suốt 2 thập niên vừa qua, các nhà khoa học nữ có tên trong danh sách đề cử chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Mùa giải năm 2024 được ghi nhận có nhiều nhà khoa học nữ nhất được đề cử nhưng tỉ lệ đó cũng chỉ là 16%. 

“Những người làm khoa học như chúng tôi muốn nhìn thấy sự đa dạng hơn nữa trong danh sách đề cử các giải thưởng uy tín. Chúng ta cần nhiều nhà khoa học nữ hơn” - Arnold bày tỏ. 

Giải thưởng Công nghệ thiên niên kỷ đã ghi nhận nhiều dự án, sáng tạo hữu ích cho đời sống xã hội. Năm 2004 (mùa giải đầu tiên), Tim Berners Lee - nhà phát minh mạng World Wide Web - đã giành chiến thắng. Về sau, loạt công trình nghiên cứu nổi bật khác được vinh danh bao gồm: xét nghiệm vân tay DNA, phát minh sợi quang học và nghiên cứu tế bào gốc. Tuy nhiên, Arnold tin rằng, cần nhiều thời gian hơn để các nhà khoa học nữ khẳng định chỗ đứng của mình. “Khi phụ nữ ngày càng tích cực góp mặt trong cộng đồng khoa học, đề cử giải thưởng dành cho họ cũng sẽ ngày một nhiều hơn” - bà nói.

Năm 2016, Arnold đạt giải nhờ công trình nghiên cứu tiến hóa có định hướng của enzym. Kỹ thuật nghiên cứu này giúp mô phỏng tiến trình tiến hóa tự nhiên của enzym, cho phép giới nghiên cứu tạo ra protein chất lượng tốt hơn ngay trong phòng thí nghiệm, vì một mục đích cụ thể. Dự án của Arnold đem lại lợi ích vô cùng thiết thực trong lĩnh vực năng lượng, bào chế thuốc và nông nghiệp bền vững. Công trình đồng thời giúp bà giành giải Nobel hóa học 2 năm sau đó. 

“Chiến thắng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực” - Arnold chia sẻ - “Bạn phải chuẩn bị cho việc “vấp ngã” không ngừng, nhưng vẫn kiên trì đứng lên và làm lại. Bạn cũng phải sẵn sàng đối diện chỉ trích, tự mình vượt khó. Nhưng tôi cũng yêu những thử thách. Tôi yêu trải nghiệm nghiên cứu, phát triển những thứ có ích”. 

Bên cạnh công tác nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Công nghệ California (bang California, Mỹ), Arnold là đồng chủ tịch điều hành Hội đồng Cố vấn khoa học và công nghệ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dưới góc nhìn một nhà giáo, bà nhận xét: “Phân nửa sinh viên ở trường chúng tôi hiện là nữ, thế nên chúng tôi có cơ sở để đặt kỳ vọng. Nhưng trong tương lai, còn phải xem các nữ sinh viên có ý định cống hiến lâu dài cho hoạt động nghiên cứu học thuật hay không”. Trong nhiều ngành nghề, phụ nữ thường được xem là “có tầm nhìn xa trông rộng” nên thích hợp cho vị trí lãnh đạo, theo Arnold. Ngược lại, ở các ngành khoa học công nghệ, “có thể tiềm năng của họ về nghiên cứu, khám phá không được đánh giá cao như vậy”. 

Tiến sĩ Markku Ellilä - Giám đốc điều hành TAF - cho biết: “Phụ nữ hiện được khích lệ làm việc từ sớm trong lĩnh vực khoa học. Chúng tôi cũng muốn hỗ trợ giới trẻ rèn luyện nhiều hơn bằng cách cộng tác với những trường đại học. Chẳng hạn, chúng tôi tổ chức hoạt động thi biện luận dành cho nghiên cứu sinh và mới đây, TAF đề cử ứng viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh của các nhà khoa học trẻ toàn cầu lần thứ 12 sẽ tổ chức ở Singapore đầu năm sau”.

Nữ giáo sư ngành vật lý thiên văn Minna Palmroth - Chủ tịch Hội đồng quản trị TAF - tin rằng “một số vấn đề đang được cải thiện. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là lý do vì sao chúng tôi hy vọng có thể đón nhận nhiều gương mặt phụ nữ hơn nữa cho những mùa giải trong tương lai”. 

Theo Thanh niên