Tại buổi tọa đàm, bà Felicity Brown (trường ĐH RMIT Việt Nam) cho rằng, luôn có sự khác biệt giữa sinh viên nam và sinh viên nữ, họ luôn có cách làm khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng chúng ta cần có một môi trường giáo dục hòa đồng và những chương trình giáo dục phù hợp cho các bạn trẻ.

Thời gian gần đây, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong sự phân biệt nam và nữ. Phụ nữ đã thực sự cân bằng quyền lợi như nam giới. Theo ông Hồ Thái Bình, Giám đốc Survival Skills Việt Nam, môi trường xã hội và gia đình là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức, tư duy của mỗi người. Vì vậy, giáo dục giới tính, giáo dục sự bình đẳng ngay trong gia đình sẽ giúp chúng ta tránh được tư tưởng "trọng nam khinh nữ" trong suy nghĩ của từng người.

Cần có chương trình giáo dục hòa đồng cho học sinh nam và nữ - Ảnh 1.

Bà Felicity Brown (phải, trường ĐH RMIT Việt Nam) cho rằng, cần có một môi trường giáo dục hòa đồng và những chương trình giáo dục phù hợp cho các bạn trẻ

Theo quan điểm của bà Thái Vân Linh, giảng viên của chương trình Phát triển Kỹ năng Lãnh đạo Chuyên nghiệp, để đưa ra những giải pháp cho sự phân biệt giới tính trong công việc, có 3 điều bạn cần phải quan tâm nếu muốn xóa bỏ phân biệt giới tính. Đó là bạn phải giỏi những gì bạn làm, bạn phải hiểu những điều bạn đang làm và cuối cùng là tìm một người cố vấn". 

Bà Thái Vân Linh cũng có lời khuyên dành cho các bạn trẻ là hãy mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập cũng như trong công việc. Bà Thái Vân Linh chia sẻ: "Tuổi trẻ không nên ngại những va vấp, sai sót. Những kinh nghiệm đó sẽ giúp các bạn trẻ, nhất là các bạn nữ, trưởng thành hơn, sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Chính điều này cũng sẽ góp phần vào quá trình thu hẹp khoảng cách giới và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các bạn".

NA