TikTok đối mặt cáo buộc thu thập thông tin cá nhân của hàng triệu trẻ em tại Anh
Cập nhật lúc 23:07, Thứ hai, 26/04/2021 (GMT+7)
Cựu Ủy viên phụ trách trẻ em và một công ty luật tại Anh đứng ra đại diện cho giới thanh thiếu niên đã đệ đơn kiện TikTok do bán thông tin cá nhân trẻ em cho bên thứ 3.
Nếu thắng vụ kiện, mỗi người dùng trẻ em tại Anh sẽ nhận được khoản bồi thường lên đến vài nghìn bảng Anh, đồng thời TikTok phải xoá toàn bộ thông tin của trẻ. (Nguồn: Reuters)
TikTok và công ty mẹ ByteDance hiện đang phải đối mặt với đơn kiện của công ty luật Scott + Scott và cựu chuyên viên phụ trách trẻ em độ tuổi 13 - 16 tại Anh, bà Anne Longfield, với cáo buộc vi phạm dữ liệu của trẻ em (GDPR) của Anh và Liên minh châu Âu (EU) về mức độ rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng trẻ em khi chúng sử dụng ứng dụng này.
Bà Anne chỉ ra rằng, mọi đứa trẻ sử dụng TikTok dù đã cài đặt bảo mật thông tin đều đã bị ByteDance thu thập và bán lại thông tin cá nhân một cách bất hợp pháp cho các bên thứ 3 chưa xác định. Nếu thắng vụ kiện, mỗi người dùng trẻ em tại Anh sẽ nhận được khoản bồi thường lên đến vài nghìn bảng Anh, đồng thời TikTok phải xoá toàn bộ thông tin của trẻ.
Sau cáo buộc trên, đại diện của TikTok cũng đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc và khẳng định ưu tiên hàng đầu của công ty là bảo vệ dữ liệu của người dùng, đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, TikTok cho biết, công ty đã luôn có "chính sách, quy trình và công nghệ phát triển mạnh mẽ" nhằm bảo vệ người dùng thông tin cá nhân của người dùng ở mức tối đa.
Trong phần chính sách và điều khoản của mình, TikTok cam kết hạn chế tối đa các hành vi ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng bao gồm thu thập sinh trắc học, dữ liệu định vị...
Hiện tại, TikTok chưa có các hành động cụ thể nào nhằm giải quyết vụ việc sau phát biểu phủ nhận cáo buộc. (Nguồn: Reuters)
Đây không phải lần đầu tiên TikTok và ByteDance đón nhận nhiều chỉ trích gay gắt và các đơn kiện do lo ngại của các nước trên thế giới về sự an toàn của người dùng khi sử dụng app. Năm ngoái, Mỹ cũng đã ghi nhận một vụ kiện tập thể tại California và Illinois với cáo buộc ứng dụng TikTok xâm nhập vào thiết bị người dùng tự lấy đi các dữ liệu thông tin cá nhân và bán nó cho các bên thứ 3.
Bên cạnh các vấn đề về thông tin cá nhân bị đánh cắp, giới chức chính phủ và phụ huynh tại nhiều nơi cũng phản đối ứng dụng này với nguyên nhân nằm ở các thử thách trên mạng xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cộng đồng.
Mới đây nhất, Mỹ ghi nhận một vụ việc thương tâm khi một bé trai 12 tuổi tử vong sau 2 tuần bị hôn mê do học theo một thử thách nguy hiểm "Blackout challenge" trên mạng xã hội TikTok. Thử thách này người tham gia sẽ phải sử dụng một sợi dây bất kì tự siết cổ mình cho đến khi rơi vào trạng thái mất ý thức tạm thời. Đây cũng không phải trường hợp đầu tiên khi năm ngoái Philippines cũng đã có một bé gái 4 tuổi suýt mất mạng khi cố thực hiện thử thách tương tự.
TikTok hiện đang là một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt trong giới thanh thiếu niên. Theo báo cáo, chỉ riêng tại châu Âu, có đến hơn 100 triệu tài khoản đăng ký người dùng.
TikTok đã nhiều lần chi hàng triệu USD nhằm dàn xếp các vụ bê bối liên quan đến vấn đề rò rỉ thông tin của người dùng. Hiện tại, công ty cũng chưa có các hành động cụ thể nào nhằm giải quyết vụ việc sau phát biểu phủ nhận cáo buộc.
Vụ việc đang tạm hoãn lại trong khi chờ phán quyết của Toà án Anh. Trong khi đó, gã khổng lồ tìm kiếm Google cũng đang phải đối mặt với vụ việc tương tự do cáo buộc công ty theo dõi người dùng iPhone bất hợp pháp trong năm 2011 - 2012.
Theo vtv