leftcenterrightdel
 Hàng ngàn phụ nữ đã bị ép triệt sản theo đạo luật ưu sinh, trước khi luật này được chính phủ Nhật Bản bãi bỏ vào năm 1996.

Phán quyết mới nhất của tòa án Nhật Bản cũng đánh dấu lần đầu tiên những nạn nhân được bồi thường trong những vụ kiện tương tự được nộp trên khắp đất nước.

Tòa án cấp cao Osaka đã lật lại quyết định của tòa án cấp thấp hơn và yêu cầu chính phủ trả 27,5 triệu yên (gần 240.000 USD) cho ba nguyên đơn bị cưỡng bức triệt sản trong quá khứ.

Ba nguyên đơn gồm một cặp vợ chồng và hai phụ nữ, một người ở độ tuổi 70, người còn lại ở độ tuổi 80.

Tòa án cấp cao ở miền Tây Nhật Bản cũng cho biết luật ưu sinh hiện không còn tồn tại, bị bãi bỏ vào năm 1996 là “vô nhân đạo”, khiến hàng chục ngàn người mất khả năng sinh con. Luật ưu sinh được Nhật Bản ban hành thời hậu chiến năm 1948 và được giữ nguyên cho đến năm 1996, nhằm mục đích ngăn chặn việc sinh ra những thế hệ con cháu kém chất lượng… đồng thời để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người mẹ.

Luật sư của nguyên đơn, Tamano Tsujikawa, cho biết khách hàng của ông - một cặp vợ chồng bị khiếm thính và một phụ nữ bị khuyết tật trí tuệ - vui mừng sau phán quyết.

“Tôi rất vui vì đơn kiện của chúng tôi đã được chấp nhận nhưng nỗi đau khi phải trải qua ca phẫu thuật vẫn theo tôi đến tận bây giờ”- người phụ nữ bị cưỡng bức triệt sản vào năm 1965, nói sau phán quyết.

Saburo Kita, đại diện của một nhóm nạn nhân và gia đình của họ, chia sẻ: “Cuộc sống của chúng tôi đã bị hủy hoại hoàn toàn. Đây không phải là về tiền bạc. Với bản án này, tôi muốn chính quyền cúi đầu xin lỗi trước toàn thể nạn nhân”.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cùng Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, cho đến khi luật ưu sinh bị xóa bỏ vào năm 1996, tổng số 25.000 người đã bị triệt sản vì lý do khuyết tật tâm thần và các bệnh khác, trong số đó khoảng 16.500 người đã bị triệt sản mà không được sự đồng ý của họ.  

Năm 2019, Quốc hội Nhật Bản cuối cùng cũng đã đồng ý trả 3,2 triệu yên tiền bồi thường cho mỗi người bị triệt sản cưỡng bức, nhưng luật sư của các nạn nhân cho biết số tiền bồi thường không phản ánh những đau khổ mà các nạn nhân phải trải qua.

Theo phunuonline