leftcenterrightdel
 Hayley Burton (trái) đề nghị được mang thai hộ cho em gái Laura Knight

Món quà từ chị gái

Hayley Burton (33 tuổi) đề nghị được mang thai hộ cho em gái Laura Knight và chồng cô ấy, David, vì em cô mắc hội chứng Mayer Rokitansky Küster Hauser (MRKH - căn bệnh hiếm gặp ở nữ với đặc điểm điển hình là không có âm đạo và những bất thường ở cơ quan sinh dục) và không có tử cung.

Nhờ chị, Laura đã được làm mẹ. Lần đầu tiếp xúc “da kề da” với con trai Noah khi cậu bé chào đời vào ngày 10/1/2022 tại Bệnh viện Russells Hall ở Dudley, Anh. Laura chia sẻ: “Tôi không thể nói thành lời rằng chúng tôi may mắn và biết ơn như thế nào khi đón nhận Noah, cũng như trước những gì chị Hayley đã làm. Chị ấy thật tuyệt vời”.

Đứa trẻ dường như đã thay đổi cuộc đời của cả hai gia đình. Laura bộc bạch: “Chúng tôi không bao giờ biết giữa chúng tôi có một khoảng trống cho đến khi Noah lấp đầy. Giờ đây, chúng tôi không thể tưởng tượng cuộc sống mà không có Noah. Noah là một giấc mơ, một phép màu chúng tôi may mắn đón nhận”.

Cô nói thêm: “Hayley rất yêu Noah. Chị ấy đến thăm Noah hằng ngày và giúp đỡ tôi. Chị ấy đã biến chúng tôi thành một gia đình trọn vẹn. Hayley yêu Noah và sẽ luôn có một sự gắn bó đặc biệt với đứa cháu mà chị ấy mang trong mình suốt hơn chín tháng”. Về phía Hayley, cô chia sẻ: “Đứa trẻ là con của Laura và David, tôi chỉ là người mang đứa trẻ đến và giúp họ trở thành một gia đình”.

leftcenterrightdel
 Cả hai gia đình đều hạnh phúc khi chào đón Noah đến với thế giới

Laura nhớ lại những cảm xúc đặc biệt về ngày hôm đó, khi chị gái cô đang kiệt sức sau cơn vượt cạn còn gia đình cô vừa đón nhận một thiên thần nhỏ. Khi họ rời bệnh viện, tất cả thành viên trong gia đình đều rơi nước mắt. David, Rich cùng các con của Hayley đợi bên ngoài phòng hộ sinh cho đến lúc Laura và Hayley rời đi cùng Noah trên xe đẩy. Laura nói việc nhờ chị ruột mang thai hộ khiến cuộc đời cô như một giấc mơ thành hiện thực. 

Trao nhau điều kỳ diệu


Tương tự trường hợp của Laura, Niomi Allen (Wishaw, Scotland) không nghĩ rằng cô có thể làm mẹ vì cô sinh ra với hội chứng MRKH và không có tử cung. Mẹ của cô - bà Carol - nghi ngờ kết quả chẩn đoán không đúng khi Niomi phát triển thể chất bình thường. Thế nhưng, kỳ kinh nguyệt không bao giờ đến với cô gái trẻ.

Dù được sinh ra với buồng trứng có khả năng sản xuất trứng và nội tiết tố nữ, cổ tử cung và tử cung của Niomi không phát triển. Cô kể: “Tất cả chỉ là một ký ức mờ ảo, nhưng có một điều rất rõ ràng - tôi sẽ không bao giờ có thể tự mình sinh con. Tôi đối phó với sự thật đó bằng cách tự nhủ rằng mọi chuyện sẽ ổn. Bác sĩ đề nghị tôi tham gia một buổi tư vấn nhưng tôi nói rằng tôi muốn trở lại trường học và sống cuộc sống bình thường. Tôi còn quá nhỏ để hiểu điều đó có ý nghĩa gì đối với tương lai của mình. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng mình sẽ nhận con nuôi”.

leftcenterrightdel
 Niomi và Sam Allen bên cô con gái xinh đẹp Eliana

Sự công khai về chẩn đoán giúp Niomi nhận được sự ủng hộ từ bạn bè nhưng cũng khiến bạn trai cũ lợi dụng tình trạng ấy để xúc phạm cô. Vì vậy, vào năm 2015, khi Niomi chuẩn bị nói với Sam - bạn trai mới của cô về tình trạng của mình - cô rất lo lắng. Thật may, Sam lập tức trấn an Niomi, bảo rằng họ sẽ vượt qua mọi thứ cùng nhau.

Một năm sau đó, họ đính hôn và sau đám cưới (tháng 7/2018), họ làm thụ tinh nhân tạo để có một phôi thai khả thi trước khi tìm đến các nhóm mang thai hộ, cũng như tham dự các buổi gặp mặt trực tiếp với người mang thai hộ, nghiên cứu mọi thứ có thể về quy trình này. Thông qua đó, Niomi biết về Katie Lochrie, một bà mẹ hai con sống tại Great Yarmouth, Norfolk, cách nơi cô ở khoảng 800km.

Ngay khi Niomi và Sam bắt đầu trò chuyện trực tuyến với Katie, cả hai người phụ nữ đều cảm nhận được sự kết nối. Trong hai năm, Katie và Niomi đã xây dựng một tình bạn đẹp. Tháng 1/2020, vợ chồng Niomi quyết định gặp chồng và hai con của Katie. Tình bạn bền chặt của họ giúp quá trình mang thai hộ diễn ra suôn sẻ.

Ở Anh, người mang thai hộ không được trả tiền nhưng có thể nhận khoản bù đắp cho những chi phí như chăm sóc con cái và thu nhập bị mất trong thai kỳ. Hai bên thảo luận về tài chính một cách rất đơn giản, cũng như đồng ý về các vấn đề phức tạp tiềm ẩn. Ngày 27/7/2021, bé Eliana Katie ra đời, Sam đã cắt dây rốn và cô bé được đặt vào vòng tay của Niomi. Cô bé Eliana Katie về mặt di truyền là con của Sam và Niomi nhưng lại được Katie - một người bạn từ phương xa - mang đến cuộc đời này.

Tình yêu vượt ranh giới huyết thống

Natalie Tan và chồng cô - Florian - đã mất ba đứa trẻ cùng lúc ở tuần thứ 24 của thai kỳ, sau khi thụ thai lần đầu bằng phương pháp thụ tinh trong tử cung (IUI) vào năm 2019. Sau sự cố đau buồn, cả hai nghĩ rằng cơ thể của Natalie cần nghỉ ngơi một thời gian trước khi cố gắng sinh thêm lần nữa. Trong một đợt IUI khác, họ tiếp tục thất bại và quyết định chuyển sang thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Sau những cuộc hẹn chụp cắt lớp, bác sĩ sản khoa nói với họ rằng Natalie có những vết sẹo tử cung nghiêm trọng do hội chứng Asherman - một tình trạng gây tích tụ mô sẹo trong tử cung. Bác sĩ giải thích rằng lượng mô khỏe mạnh còn lại trong tử cung của cô rất ít. Dù không có gì là không thể, khả năng Natalie mang thai lần nữa là rất thấp. Vì vậy, trong lúc cố gắng thử mang thai bằng phương pháp IVF, Florian và Natalie đã quyết định xem xét quy trình nhận con nuôi.

leftcenterrightdel
Natalie Tan với chồng, bé Hannah tại nhà của họ ở Singapore 

Tháng 8/2021, cặp đôi nhận được cuộc gọi thông báo về đứa trẻ tiềm năng thông qua cơ quan nhận con nuôi địa phương. Hôm sau, họ nhận bức ảnh của cô bé và nghĩ đứa trẻ phù hợp với gia đình mình. Đôi vợ chồng đặt tên cô bé là Hannah, nghĩa là “phước lành”, như cách đứa trẻ đã đến với họ. Lúc ấy, Hannah chỉ mới bảy tuần tuổi và mọi thứ đều như một giấc mơ.

Khó khăn thực tế xảy đến khi Natalie trải qua chứng trầm cảm sau sinh. Cô nhớ lại: “Tôi luôn tự hỏi bản thân rằng liệu tôi có xứng đáng được làm mẹ. Tôi không trải qua quá trình vất vả khi mang thai và sinh ra con bé nhưng giờ đây tôi lại vô tư dạo chơi cùng con. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không thể kết nối với đứa trẻ?”. 

Tuy nhiên, theo thời gian, mối quan hệ giữa hai mẹ con đã phát triển. Vì việc làm mẹ đi cùng nhiều thử thách hơn Natalie dự đoán, phần thưởng cũng nhiều hơn những gì cô mong chờ. Cha mẹ và bạn bè của Natalie cũng yêu quý Hannah rất nhiều. Những điều mà do bận rộn, cha cô không thể làm cho Natalie và anh trai cô khi họ còn nhỏ, bây giờ ông đã có đủ thời gian để làm cùng với Hannah; như đọc truyện, vẽ tranh, hát...

Natalie và chồng cô không chắc về thời điểm họ sẽ nói chuyện với Hannah về việc cô bé là con nuôi. Dù vậy, Natalie mong sau này con mình có thể tự hào nói: “Con đã biết điều này từ lâu, cha mẹ đã đón nhận con vào ngôi nhà này và tất cả sẽ mãi là gia đình của con”.

Theo phunuonline