|
|
“Vòng eo hoạt hình” nằm trong số thử thách về cơ thể độc hại được mạng xã hội lan truyền. Ảnh:Weibo. |
Vài năm trở lại đây, Jillian Lau (19 tuổi), sinh viên ngành Truyền thông và Quản lý phương tiện truyền thông tại Đại học Bách khoa Temasek (Singapore), tham gia thử thách “vòng eo A4”.
Theo đó, các cô gái đặt tờ giấy khổ A4 trước vòng 2 của mình. Nếu tờ giấy che đi toàn bộ phần eo, họ sẽ “chiến thắng”. Được bắt nguồn từ Trung Quốc, trào lưu này từng gây bão mạng xã hội thế giới, thu hút hàng nghìn người chơi, theo Today.
Lần đầu tiên tham gia thử thách vào năm 13 tuổi, Lau còn nhớ cảm giác hạnh phúc khi đạt tiêu chuẩn. Giống nhiều người khác, cô chụp hình và khoe “chiến tích” lên trang cá nhân với đầy sự hãnh diện.
Vài năm sau, Lau thử lại khi 16 tuổi.
Cảm giác thất vọng chiếm lấy Lau vì thất bại. Vòng eo của cô lấp ló sau tờ giấy A4 có chiều rộng 21 cm. Lần này, cô gái không chụp bất kỳ bức ảnh nào.
“Khi đó, tôi cố gắng trong tuyệt vọng để hòa nhập với các bạn đồng trang lứa và bắt kịp những xu hướng thú vị”, cô kể.
|
|
Jillian Lau từng bị ảnh hưởng xấu bởi những trào lưu trên mạng xã hội. Ảnh:Nuria Ling/Today. |
Gây hại
Do ảnh hưởng của mạng xã hội, những xu hướng như “vòng eo A4” có tác động lớn tới giới trẻ, khiến họ tin rằng phải có vóc dáng thon thả, vòng eo nhỏ mới là đẹp.
Lau cảm thấy xấu hổ khi biết rằng mình không còn có được vòng eo như năm 13 tuổi. Trong thời gian dài sau đó, cô ép mình phải giảm cân để phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp này vì rất nhiều người khác trên mạng xã hội có thể đạt được.
Nhiều thanh thiếu niên như Lau không nhận ra rằng việc phấn đấu để có vòng eo dưới 21 cm là không lành mạnh và có khả năng dẫn đến các vấn đề sức khỏe như chán ăn hay rối loạn ăn uống.
Tuy nhiên, “vòng eo A4” không phải là trào lưu đầu tiên hoặc cuối cùng áp đặt lý tưởng “càng gầy càng đẹp” cho những người trẻ tuổi.
Lau từng xem mạng xã hội là nền tảng mà cô và bạn bè tuổi teen sử dụng để cập nhật cho nhau những điều thú vị. Nhưng bằng cách nào đó, nó đã biến thành cuộc thi được xây dựng trên các tiêu chuẩn và sự lừa dối có hại.
Cần có sự đa dạng hơn trong các mạng xã hội mà con nười sử dụng. Tuy nhiên, một số nền tảng lại hoạt động bằng cách để những người được coi là “hấp dẫn” vào trung tâm.
|
|
Thử thách “vòng eo A4” từng được cảnh báo là dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe ở người trẻ. Ảnh:CEN, Weibo. |
Lau thấy TikTok được đồng nghiệp sử dụng rộng rãi như thế nào trong đại dịch năm 2020 và nâng tầm sự nghiệp của nhiều người có ảnh hưởng như Charli d'Amelio, Bella Poarch và Addison Rae.
3 cô gái đều có điểm chung là trẻ, trắng và gầy - vốn được Internet cho là tiêu chuẩn sắc đẹp.
Các nền tảng mạng xã hội dựa trên sự thu hút của những người có ảnh hưởng như vậy để lôi kéo nhiều người sử dụng dịch vụ của họ hơn. Tuy nhiên, điều này là sáo rỗng vì thật khó để đánh giá cao vẻ ngoài của bản thân khi tất cả nhân vật “hoàn hảo” trên mạng đều trông hoàn toàn khác.
Không có gì lạ khi mạng xã hội quá xa rời thực tế khi bộ lọc được sử dụng để che đi khuyết điểm trên cơ thể, loại bỏ mụn hoặc chỉnh sửa cơ thể.
Chưa có giải pháp triệt để
Một số bậc phụ huynh nói với con cái rằng chỉ cần đăng xuất hoặc xóa tài khoản Instagram hoặc TikTok là ổn. Đây cũng là điều mà một số bạn bè của Lau đã làm hoặc ít nhất là để hạn chế tiếp xúc với các nền tảng có thể trở nên độc hại đối với sức khỏe của họ.
Tuy nhiên, đây có phải giải pháp khả thi trong xã hội hiện đại ngày càng chuyển dịch sang trực tuyến hay không còn là câu hỏi lớn.
Bản thân chuyện trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội có thể là công việc, với những người có ảnh hưởng thậm chí có thu nhập nhiều hơn hầu hết công việc 9-to-5.
Những người trẻ cùng thế hệ với Lau cũng dựa vào mạng xã hội như cách quan trọng để tương tác xã hội, đặc biệt trong đại dịch Covid-19.
“Tôi hy vọng các nền tảng mạng xã hội sẽ đưa ra giải pháp có thể giải tỏa sự lo lắng về cơ thể của thanh thiếu niên. Tuy nhiên, tôi thất vọng khi xem các báo cáo cho thấy rằng các công ty truyền thông xã hội nhận thức được tác động tiêu cực mà dịch vụ của họ gây ra đối với người dùng trẻ tuổi nhưng không làm gì cả”, cô nói.
|
|
Mạng xã hội ngày càng trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống người trẻ. Ảnh:AFP. |
Năm ngoái, Wall Street Journal đưa tin nhóm nghiên cứu từ Instagram phát hiện các vấn đề nghiêm trọng về cách nền tảng này làm trầm trọng thêm các vấn đề về hình ảnh cơ thể. Trong số những thanh thiếu niên có ý định tự tử, có 13% người dùng ở Anh và 6% tại Mỹ.
Một nghiên cứu tại Singapore của Milieu Insight vào tháng 8 cũng kết luận rằng cứ 6 người trưởng thành ở đảo quốc sư tử thì có một cá nhâ có nguy cơ lo lắng về hình ảnh cơ thể của họ. Những người dành hơn 3 giờ mỗi ngày lướt TikTok và Instagram có nguy cơ cao nhất.
“Tôi tin rằng các công ty này phải có trách nhiệm can thiệp. Cách họ lựa chọn hành động cũng rất quan trọng. Họ không thể chỉ đơn giản lan truyền những hashtag khuyến khích yêu bản thân và chấp nhận cơ thể là xong”, Lau nói.
Thực tế, mạng xã hội đã nhấn chìm thế hệ thanh thiếu niên vào một bể chứa hỗn độn của các vấn đề về sự thiếu tự tin và lòng tự trọng, trong khi các công ty thu lợi từ sự bất an của họ.
Theo Lau, cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp thanh thiếu niên phục hồi sự tự tin của bản thân và phá vỡ vòng luẩn quẩn để thế hệ tương lai không bị ảnh hưởng xấu bởi mạng xã hội.
Theo zingnews