Trẻ lớn lên trong chiến tranh và những tổn thương chồng chất
Cập nhật lúc 07:04, Thứ năm, 15/06/2023 (GMT+7)
Theo Hội Chữ thập đỏ quốc tế, ước tính cứ 6 trẻ em trên thế giới thì sẽ có 1 trẻ phải đối mặt với chiến tranh.
Trong sự kiện về bảo vệ trẻ em trong chiến tranh đô thị (Urban war) do Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) tổ chức mới đây, Marwa - một nhà hoạt động ủng hộ các cộng đồng dễ bị tổn thương - mô tả nỗi kinh hoàng khi lớn lên trong chiến tranh ở Yemen, phải sống dưới các cuộc không kích và đến trường cùng những nỗi bất an.
|
|
Trẻ em lắng nghe giải thích về sự nguy hiểm của bom mìn chưa nổ ở Moli, bang Đông Xích đạo, Nam Sudan hồi tháng 5/2023 - Ảnh: Sam Mednick (AP) |
Trong một báo cáo được công bố vào cuối tháng trước, ICRC nêu ra vấn đề về lỗ hổng kiến thức, một trong những tác hại cụ thể đối với trẻ em do các cuộc xung đột ngày càng tăng.
Nhóm viện trợ cho biết báo cáo này là nghiên cứu toàn diện đầu tiên dành riêng cho trẻ em phải sống trong các cuộc chiến tranh đô thị, bên cạnh các tài liệu hiện có và rất nhiều cuộc phỏng vấn với các chuyên gia và nhân chứng. Đây được coi là báo cáo cần thiết và đáng báo động, kêu gọi Hội Chữ thập đỏ phải làm nhiều việc hơn nữa để giải quyết vấn đề này.
Bài báo cáo cũng chỉ ra rằng, trẻ em cần được phân loại thiệt hại khác so với người lớn, vì chúng sẽ là đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất về mặt sức khỏe cũng như tâm sinh lý. Khi chiến tranh diễn ra, việc học hành bị gián đoạn, trẻ em bị tách khỏi gia đình, phải đối mặt với việc di dời, bị giam giữ hoặc thậm chí tuyển dụng vào các nhóm vũ trang.
Báo cáo của ICRC cũng trình bày chi tiết mức độ suy thoái kinh tế do chiến tranh đô thị gây ra khiến trẻ em và gia đình của chúng áp dụng các kế hoạch sinh tồn có phần “cực đoan”, chẳng hạn như lao động trẻ em, kết hôn sớm hoặc sử dụng con cái trong những việc như trốn trạm kiểm soát, tìm đường trốn qua biên giới…
Cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra hồi tháng 4 ở Sudan gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng với hơn 1,2 triệu người phải di dời trong nước và 400.000 người khác chạy sang các quốc gia láng giềng. Một số đã được đưa vào các trại do Liên Hợp Quốc tổ chức, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục sống trong điều kiện tồi tệ, mờ mịt về tương lai của họ phía trước.
|
|
Trẻ em đi dọc một con phố ở Khartoum (Sudan) vào ngày 4/6/2023 - Ảnh: AFP |
Phóng viên Zein Basravi của trang thông tin điện tử Al Jazeera, người tận mắt chứng kiến cảnh di cư ở Adre, Chad - quốc gia láng giềng ở phía tây Sudan, kể lại cảnh tượng một người mẹ chạy trốn trên đôi chân trần. Bà bế theo đứa con khoảng 1 tuổi với nhiều vấn đề về phát triển và cơ thể bị biến dạng nghiêm trọng.
“Thiệt hại cứ chồng chất và lặp lại, mọi thứ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Cho đến khi chiến tranh kết thúc, thì những đứa trẻ này vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề tồi tệ, kể cả cái chết - anh chia sẻ.
Báo cáo của ICRC cho biết trẻ em ở những khu chiến sự thường xuyên bị mất ngủ, căng thẳng, lo lắng, hoảng loạn, đau buồn, đái dầm, sợ âm thanh lớn và thường xuyên gặp ác mộng.
Một nghiên cứu năm 2022 ở Gaza cho thấy trẻ em luôn sống trong “trạng thái sợ hãi, lo lắng và đau buồn” và hơn một nửa số trẻ em ở Gaza đã nghĩ đến việc tự tử trong khi 3/5 trẻ em cho biết đã thực hiện hành vi tự làm hại bản thân.
Để cải thiện tình hình, ICRC đưa ra các khuyến nghị cho các nhóm chiến đấu, các tổ chức nhân đạo phải chú tâm hơn trong việc thu thập và phân tích các trường hợp liên quan đến trẻ em trong bối cảnh chiến tranh. Đặc biệt các quốc gia cần đưa ra các khung pháp lý mạnh mẽ trong nước và thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn như một vấn đề chính sách trong khi đưa ra các khuyến nghị về sơ tán, dịch vụ y tế và giáo dục… và luật lệ liên quan đến việc giam giữ trẻ em.
Theo phụ nữ TPHCM