Chạy trốn khỏi chiến tranh

Theo Liên hiệp quốc, năm 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất đối với phụ nữ kể từ khi thành lập Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women). Nguyên nhân là do tác động lâu dài của COVID-19, cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng cũng như số lượng lớn phụ nữ, trẻ em di tản và tị nạn do chiến tranh.

 
leftcenterrightdel
 Những người tị nạn Sudan đến nước láng giềng Chad, trong đó đa số là phụ nữ mang theo con nhỏ - ẢNH: UNHCR

Trung tâm Giám sát di dời nội bộ của Hội đồng tị nạn Na Uy cho biết: xung đột và bạo lực trên khắp thế giới đã khiến hơn 62 triệu người phải di dời trong nước, tính đến cuối năm 2022, tăng 17% so với năm 2021. Trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Ở Sudan, thiệt hại về nhân mạng không ngừng tăng trong những vụ bạo lực bùng phát gần đây. Một số phụ nữ đã trốn thoát khỏi Sudan để rồi mắc kẹt trong các trại tị nạn ở châu Phi và Trung Đông.  

Đối với phụ nữ, trại tị nạn là mối nguy hiểm tiềm tàng. Họ có nguy cơ cao bị bạo lực tình dục, quấy rối khi ra ngoài để kiếm thức ăn và rơi vào mạng lưới buôn bán người. Con cái của họ phải trải qua cuộc sống đầy căng thẳng sắc tộc, nạn đói, biến đổi khí hậu và khủng bố. Tại Afghanistan, Taliban từ chối công nhận nhiều quyền của phụ nữ, tước đoạt quyền tự do của các bà mẹ và phụ nữ trẻ. Ở biên giới Mỹ - Mexico, hàng ngàn phụ nữ và trẻ em đang chờ được tị nạn sau khi chạy trốn khỏi bạo lực, chiến tranh hoặc nghèo đói tại Honduras, Venezuela, El Salvador, Nicaragua và các quốc gia khác.

Nén nỗi đau để bước tiếp

14 năm sau khi kết thúc cuộc xung đột giữa quân đội và dân quân Tamil ở Sri Lanka vào năm 2009, hàng chục ngàn phụ nữ mất chồng, mất cha, anh em vẫn đang phải chật vật tìm cách tồn tại trong bối cảnh khó khăn ngày càng trầm trọng hơn bởi khủng hoảng kinh tế. Họ buộc phải trở thành “trụ cột gia đình”.

Theo số liệu chính thức cập nhật đến năm 2020, có 67.000 hộ gia đình ở miền Bắc và 127.000 hộ ở miền Đông do phụ nữ làm chủ. M. Najima - 49 tuổi, sống ở tỉnh miền Đông Kalmunai - mất cả cha lẫn mẹ. Ngày còn trẻ, cô buộc phải kết hôn với một người đàn ông hơn mình 30 tuổi và có một con gái. Gần đây, người chồng cũng đã qua đời và cô chỉ biết sống bằng nghề may quần áo với thu nhập ít ỏi. Najima bộc bạch: "Thay vì sự giúp đỡ tài chính không thường xuyên, chúng tôi cần được hỗ trợ bằng một chương trình giáo dục có hệ thống cho bọn trẻ".

Trong hoàn cảnh tương tự, Eman Abdul Ghani mất chồng trong trận pháo kích vào Damascus của lực lượng quân sự Syria. Cô phải rời quê đến Al-Bab ở tỉnh Aleppo, nơi cô trở thành trụ cột duy nhất cho 4 đứa con nhỏ. Đối mặt với ít sự lựa chọn, cô quyết định lấy bằng lái xe và làm tài xế taxi. Xe của cô chỉ đưa đón phụ nữ. Abdul Ghani nói: “Tôi đã phải đối mặt với sự quấy rối và chịu đựng rất nhiều, tất cả là vì lợi ích của gia đình và các con tôi”. Một số phụ nữ trong khu vực nơi Abdul Ghani làm việc cảm thấy thoải mái hơn khi có cô làm tài xế. 

Hiba Al-Mawas (25 tuổi) chia sẻ: “Ở Syria, tất cả chúng tôi đều là nạn nhân và chúng tôi sẵn sàng làm mọi việc để giúp đỡ lẫn nhau”. Chuyển đến từ tỉnh Hama, giờ đây Al-Mawas đang làm tình nguyện viên cho Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria (Lực lượng Mũ bảo hiểm trắng) ở tây bắc Syria. Cô giải thích: “Tôi đã được đào tạo và tham gia các đội cứu hộ dành cho nữ. Chúng tôi có nhiệm vụ sơ cứu nạn nhân chiến tranh, làm việc với các gia đình và phụ nữ về vấn đề an ninh". Người mẹ trẻ có 3 con bộc bạch: "Tôi chào tạm biệt các con và cha tôi mỗi sáng bởi tôi có thể sẽ không thể trở về vì một cuộc tấn công trên đường". 

Ở Vinnytsia  (Ukraine), Iryna Khanikova, chồng và 2 đứa con đang thích nghi với cuộc sống mới sau khi rời khỏi vùng chiến sự Kherson. 10 năm trước, con trai của Iryna là Artem sinh ra với hội chứng Down. Khó khăn này đã khuyến khích Iryna thành lập tổ chức công cộng “Những đứa trẻ ấm áp của vùng Kherson” để gắn kết các cha mẹ có con mắc hội chứng Down, tổ chức các buổi đào tạo cho nhân viên tại các phòng khám dành cho phụ nữ và bệnh viện phụ sản, nêu bật những câu chuyện thành công của trẻ khuyết tật và chia sẻ tài liệu cho phụ huynh kèm theo lời khuyên. Iryna nói thêm: "Chúng tôi nhận ra rằng không nên tách con cái mình ra khỏi những người khác. Chúng tôi muốn chúng cảm thấy được trao quyền trong xã hội”. 

Theo phụ nữ TPHCM