Trong nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm khuyến khích người trẻ kết hôn, đẻ con.

Mới đây, nhà kinh tế Ren Zeping đề xuất Ngân hàng Trung ương in 2.000 tỷ nhân dân tệ (tức 313 tỷ USD) nhằm “khuyến khích sinh thêm 50 triệu trẻ sơ sinh trong vòng 10 năm tới”. Đề xuất của ông đã được thảo luận rộng rãi và nhận nhiều ý kiến trái chiều, theo SCMP.

Tuy nhiên, ông Zeping cũng lưu ý rằng số tiền trên chủ yếu nên dùng để hỗ trợ nhóm phụ nữ sinh năm 1975-1985, những người vẫn muốn có con, bởi người trẻ sinh sau năm 1990 thường không có ý định lập gia đình.

 
nguoi tre Trung Quoc khong ket hon anh 1

Nhà kinh tế Ren Zeping đề xuất chi 313 tỷ USD để cải thiện tình hình dân số của Trung Quốc. Ảnh:SCMP.

Theo số liệu từ Bộ Dân chính, vào năm 2020, Trung Quốc chỉ có 8,13 triệu cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, giảm 40% so với năm 2013 và thấp nhất trong vòng 17 năm trở lại. Năm 2019, trong những người đã kết hôn, số ở độ tuổi ngoài 30 chiếm gần một nửa.

Tháng 5/2021, Trung Quốc công bố kết quả khảo sát về tỷ lệ sinh: mỗi phụ nữ sẽ chỉ có trung bình 1,3 đứa trẻ. Đây gần như là mức thấp nhất thế giới.

Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nổi bật là áp lực kinh tế - xã hội sau khi áp dụng chính sách một con trong thời gian dài và sự thay đổi về nhận thức của người trẻ về hôn nhân, gia đình.

Ảnh hưởng từ chính sách một con

Năm 1980, chính quyền Trung Quốc áp dụng chính sách chỉ cho phép mỗi gia đình có một con nhằm kìm hãm sự bùng nổ dân số. Suốt 3 thập kỷ rưỡi sau đó, mô hình gia đình một con trở thành tiêu chuẩn xã hội, gắn liền với hình ảnh cuộc sống đô thị giàu sang.

 
nguoi tre Trung Quoc khong ket hon anh 2
Người trẻ Trung Quốc đang chọn không kết hôn, đẻ con vì nhiều lý do. Ảnh:SCMP.

Những người trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z được sinh ra trong thời kỳ này hầu hết là con một.

Mọi nguồn lực và sự chú ý của gia đình đều được tập trung vào họ. Với trải nghiệm đó, họ cũng mong muốn sự ổn định, sung túc tương tự cho gia đình mình bằng cách tránh đẻ nhiều con.

Với những người chưa có gia đình, sự ngần ngại đến từ chi phí nuôi dạy con rất đắt đỏ, có thể lên đến gần 2 triệu nhân dân tệ (hơn 300.000 USD), theo The Paper.

Ngoài đến trường, những đứa trẻ ở thành thị phải tham gia rất nhiều lớp học thêm, hoạt động ngoại khóa và câu lạc bộ. Cha mẹ cũng cần đầu tư khoản tiền lớn nếu muốn cho con đi du học và hỗ trợ chúng kết hôn, ổn định cuộc sống.

Hơn nữa, nhiều người trẻ ngày nay đã từ bỏ ước mơ mua nhà khi giá bất động sản tăng vọt. Dù có sự giúp sức của cha mẹ, nhiều người vẫn không thể sở hữu nhà tại các thành phố lớn. Đây cũng là yếu tố ngăn chặn việc kết hôn, lập gia đình.

 
nguoi tre Trung Quoc khong ket hon anh 3

Do hệ lụy của chính sách một con kéo dài hơn 3 thập kỷ, nhiều người trẻ Trung Quốc nay không muốn kết hôn, đẻ con. Ảnh:Getty Images.

Phụ nữ ngày càng độc lập

Ở tuổi 32, Joanne Su (sống tại Quảng Châu) có công việc ổn định, thu nhập khá và vẫn độc thân. Cô thường dành cuối tuần vui chơi cùng bạn bè và tận hưởng cuộc sống.

“Tại sao phải chấp nhận ở bên một người mình không thích rồi lại ly dị sau vài năm? Việc đó chỉ phí thời gian”, cô nói với CNN.

Joanne Su là một trong những người trẻ thuộc thế hệ Millennials tại xứ tỷ dân đang trì hoãn việc kết hôn vô thời hạn.

Những phụ nữ như Su e ngại hôn nhân vì vấn đề bất bình đẳng giới vẫn phổ biến ở Trung Quốc, trong khi các cô gái đã có học thức và tư duy tiến bộ hơn.

Trong những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã đẩy nhanh việc triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm, đưa trẻ em gái ở khu vực khó khăn đến trường. Năm 1999, chính phủ mở rộng giáo dục đại học và thúc đẩy việc tuyển sinh.

Đến năm 2016, phụ nữ bắt đầu đông hơn nam giới trong các chương trình giáo dục bậc cao, chiếm 52,5% sinh viên đại học và 50,6% sau đại học.

 
nguoi tre Trung Quoc khong ket hon anh 4

Nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn kết hôn vì tình trạng bất bình đẳng giới. Ảnh:Reuters.

Wei-Jun Jean Yeung, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore chuyên nghiên cứu về hôn nhân và gia đình ở châu Á, cho biết: “Với trình độ học vấn được nâng cao, phụ nữ có thể tự chủ tài chính. Vì vậy hôn nhân không còn là nhu cầu thiết yếu với phụ nữ như trước đây. Họ muốn phát triển bản thân và sự nghiệp trước khi kết hôn”.

Trong khi đó, những khuôn mẫu giới và chế độ phụ hệ vẫn chưa bắt kịp xu thế này.

Ở Trung Quốc, nhiều đàn ông và bố mẹ chồng vẫn muốn người vợ đảm nhận hầu hết việc chăm sóc con cái và nội trợ sau khi kết hôn, ngay cả khi họ có công việc toàn thời gian.

Tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ tại nơi làm khá phổ biến, khiến họ khó cân bằng sự nghiệp và gia đình, con cái.

"Bất bình đẳng giới đang khiến phụ nữ trẻ Trung Quốc e ngại trước hôn nhân, làm họ suy nghĩ: Tại sao tôi phải kết hôn? Điều đó có ích gì?", Li Xuan, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học New York, Thượng Hải, cho biết.

 
 
 
nguoi tre Trung Quoc khong ket hon anh 5

Phụ nữ ở xứ tỷ dân nhận thấy cuộc sống độc thân có nhiều lợi ích hơn. Ảnh:Shutterstock.

Hơn nữa, khối lượng và áp lực lớn trong công việc khiến người trẻ không còn nhiều thời gian và năng lượng để xây dựng mối quan hệ cũng như duy trì cuộc sống gia đình, theo phó giáo sư Li.

Joanne Su thường nghe những người bạn đã kết hôn kể về gánh nặng của cuộc sống hôn nhân.

"Ngày nay, khả năng kinh tế của phụ nữ đã được cải thiện nên việc sống một mình khá ổn. Nếu tìm một người đàn ông để kết hôn và lập gia đình thì sẽ căng thẳng hơn rất nhiều, khiến chất lượng cuộc sống cũng giảm theo", cô nói.

Thay đổi quan điểm về hôn nhân

Theo CNN, trái với thế hệ của bố mẹ mình, Millennials và Gen Z ở xứ tỷ dân sinh trưởng trong thời đại Trung Quốc đổi mới, mở cửa. Bởi vậy, với họ, hôn nhân không phải việc bắt buộc mà là lựa chọn cá nhân.

Khi xã hội ngày càng cởi mở với việc sống thử và quan hệ trước hôn nhân, cùng sự phổ biến rộng rãi của các biện pháp tránh thai, người trẻ có được những trải nghiệm phong phú trong mối quan hệ lãng mạn mà không cần kết hôn.

Họ coi hôn nhân là biểu hiện của sự kết nối tình cảm chứ không phải cách để duy trì nòi giống.

 
nguoi tre Trung Quoc khong ket hon anh 6

Giới trẻ Trung Quốc có quan điểm cởi mở hơn về tình yêu và hôn nhân. Ảnh:Getty Images.

Star Tong (32 tuổi) từng tin rằng việc yêu đương, kết hôn và sinh con là điều cần làm khi ngoài 25 tuổi. Lo lắng về tình trạng độc thân, Tong đã tới khoảng 10 buổi hẹn hò giấu mặt nhưng không gặp ai hợp ý.

Tong muốn tìm được người bạn đời chia sẻ những giá trị và sở thích cùng mình thay vì chấp nhận một ai đó chỉ để kết hôn.

"Bây giờ tôi nhận ra hôn nhân không phải là lựa chọn duy nhất. Tôi vẫn rất hạnh phúc, có nhiều bạn bè, tập trung vào sự nghiệp, chăm sóc bản thân và cha mẹ", cô nói.

Tong được tiếp thêm động lực khi nhận thấy sự thay đổi trong thái độ của xã hội đối với phụ nữ độc thân.

Năm 2007, Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc sử dụng cụm từ "phụ nữ thừa" để mô tả những cô gái trên 27 tuổi chưa lập gia đình. Cuối năm đó, Bộ Giáo dục thậm chí còn thêm thuật ngữ trên vào từ điển chính thức.

Kể từ đó, từ này trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận trực tuyến, được dùng để chỉ trích những phụ nữ có học vấn cao và "quá kén chọn" trong việc tìm bạn đời.

 
nguoi tre Trung Quoc khong ket hon anh 7

Xã hội Trung Quốc đã thay đổi thái độ đối với phụ nữ độc thân. Ảnh:SCMP.

Trong những năm gần đây, các học giả và nhà hoạt động nữ quyền đã phê phán thuật ngữ này. Năm 2017, tờ báo hàng đầu của Liên đoàn Phụ nữ cho biết họ sẽ không còn sử dụng cụm từ mang tính phân biệt này khi đưa tin.

Vào những dịp sum họp gia đình, Tong thường được họ hàng khuyên nhủ không nên “quá kén chọn” khi tìm bạn đời.

"Tôi từng nghĩ 'kén chọn' là điều xấu. Nhưng bây giờ, tôi tin việc lựa chọn những gì bản thân muốn không phải chuyện sai trái", cô nói.

Theo Zing