Philippines sẽ được ưu tiên tiếp cận vaccine Covid-19 của Trung Quốc. Các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe sẽ nhận được khoản vay một tỷ USD để mua vaccine. Bangladesh sẽ nhận hơn 100.000 liều vaccine miễn phí từ một công ty Trung Quốc. Dù có thể còn vài tháng nữa mới sản xuất hàng loạt được một loại vaccine Covid-19 đảm bảo an toàn, Trung Quốc đã đưa ra nhiều cam kết để thúc đẩy chiến lược "ngoại giao vaccine" của mình.

Một ví dụ là Indonesia, quốc gia đang là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đảm bảo với Tổng thống Joko Widodo trong một cuộc điện đàm tuần trước rằng "Trung Quốc rất coi trọng các mối quan ngại cũng như nhu cầu của Indonesia trong hợp tác vaccine".

Ông Tập ca ngợi hợp tác của hai nước trong phát triển vaccine là "điểm sáng mới" trong quan hệ, theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc. "Cùng nhau, Trung Quốc và Indonesia sẽ tiếp tục đoàn kết chống lại Covid-19", ông nói.

                                       Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận về tiến độ nghiên cứu vaccine tại Học viện Quân y ở Bắc Kinh hồi tháng ba. Ảnh: Xinhua.

Các cam kết vaccine của Trung Quốc, cùng với việc hỗ trợ và xuất khẩu khẩu trang, máy thở khắp thế giới trước đó, giúp nước này thể hiện mình như một cường quốc có trách nhiệm khi Mỹ rút khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu. Các động thái của Bắc Kinh cũng có thể giúp họ đẩy lùi các cáo buộc rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những sai lầm ban đầu khi Covid-19 khởi phát tại nước này tháng 12/2019.

Khả năng phát triển và cung cấp vaccine cho các nước nghèo hơn cũng sẽ là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc đang vươn lên như quốc gia dẫn đầu về khoa học trong một trật tự toàn cầu mới sau đại dịch.

"Mọi người rất sẵn lòng sử dụng vaccine của Trung Quốc. Thực tế, chúng tôi được mọi người yêu cầu chuẩn bị vaccine càng sớm càng tốt", Ghazala Parveen, quan chức cấp cao tại Viện Y tế Quốc gia Pakistan, nơi hai nhà sản xuất vaccine Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm, cho biết.

Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về vaccine Covid-19. Họ có 4 vaccine tiềm năng đang thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Mỹ có ba vaccine tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm, trong đó Pfizer cho biết họ có thể xin phê duyệt khẩn cấp sớm nhất là vào tháng 10 và Moderna hy vọng sẽ có vaccine vào cuối năm nay. AstraZeneca, công ty Anh -Thụy Điển nhận tài trợ của chính phủ Mỹ, đã dừng thử nghiệm Giai đoạn ba trong tuần này vì hai tình nguyện viên tiêm vaccine xuất hiện phản ứng lạ.

Trung Quốc đã phê duyệt ít nhất hai loại vaccine đang thử nghiệm trong một chương trình sử dụng khẩn cấp bắt đầu vào tháng 7 với binh sĩ, công chức, viên chức, nhân viên y tế và hàng không. Các nhà sản xuất vaccine đã xây dựng các nhà máy có thể sản xuất hàng trăm nghìn liều.

Ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ biến vaccine sản xuất trong nước trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu, mặc dù Bắc Kinh chưa cung cấp nhiều thông tin.

Trung Quốc từ lâu đã coi việc đóng góp vào y tế toàn cầu là cơ hội để xây dựng quyền lực mềm. "Trung Quốc rất muốn sản xuất vaccine thành công và nhiều quốc gia muốn có nó", Jennifer Huang Bouey, nhà dịch tễ học là chuyên gia về Trung Quốc tại RAND Corporation, cho biết. "Điều đó có lợi cho họ về mặt ngoại giao và giúp thay đổi câu chuyện về Covid-19".

Nhưng các công ty vaccine Trung Quốc tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài cũng gây ra tranh cãi rằng cư dân nước sở tại bị đối xử như "chuột bạch". Vì nhân loại còn nhiều điều chưa biết đến về Covid-19, các loại vaccine đã đi đến giai đoạn thử nghiệm cuối cũng có thể thất bại.


                                                                 Kỹ thuật viên làm việc với một vaccine tiềm năng tại công ty Sinovac Biotech ở Bắc Kinh hồi tháng 4. Ảnh: AFP.

Mặc dù không thực sự chắc chắn về khả năng thành công, Bắc Kinh đã tự tin thúc đẩy vaccine tiềm năng của mình và sử dụng chúng để giúp xoa dịu căng thẳng trong các mối quan hệ đối ngoại.

Tại Philippines, nơi Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, Tổng thống Rodrigo Duterte nói với các nhà lập pháp vào tháng 7 rằng ông đã đề nghị ông Tập giúp đỡ về vaccine. Ông cũng cho biết sẽ không đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh ngoại giao là cách tiếp cận tốt nhất vì ông không thể để chiến tranh xảy ra. Một ngày sau, Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng ưu tiên Philippines tiếp cận vaccine Covid-19.

Các lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra đề nghị tương tự với các nước châu Phi, Mỹ Latin, Caribe, Trung Đông và Nam Á - những khu vực mà Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng.

"Chúng tôi cam kết rằng một khi việc phát triển và triển khai vaccine Covid-19 được hoàn thành ở Trung Quốc, các nước châu Phi sẽ là những nước đầu tiên được hưởng lợi", ông Tập nói trong một cuộc họp với các lãnh đạo châu Phi vào tháng 6. Theo chính phủ Mexico, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 7 hứa rằng Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay một tỷ USD cho các nước Mỹ Latin và Caribe để mua vaccine.

Mặc dù nhấn mạnh sẽ cung cấp vaccine như hàng hóa công cộng, Trung Quốc dường như định làm vậy theo cách riêng của mình. Họ chưa bày tỏ rõ ràng liệu họ có tham gia Covax, cơ chế được WHO hậu thuẫn nhằm giúp các quốc gia phân phối vaccine một cách công bằng hay không. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thẳng thừng bác bỏ sáng kiến toàn cầu này.

"Thực tế, chúng tôi đã hợp tác với một số quốc gia", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên vào tuần trước. "Trung Quốc luôn giữ lời".

Nếu Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc đua vaccine, thành công họ đạt được có một phần công lao từ những quốc gia đã cho phép các nhà sản xuất Trung Quốc thử nghiệm Giai đoạn ba trên người. Các công ty Trung Quốc tiến hành nghiên cứu ở nước ngoài vì tình hình Covid-19 trong nước về cơ bản đã được kiểm soát trong nhiều tháng, số ca nhiễm nCoV còn rất ít.

Tại Bangladesh, Sinovac Biotech, nhà sản xuất vaccine có trụ sở tại Bắc Kinh, đang thử nghiệm với 4.200 nhân viên y tế ở thủ đô Dhaka. Theo tiến sĩ John D. Clemens, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Bệnh tiêu chảy Quốc tế của Bangladesh - bên đang hỗ trợ thử nghiệm - công ty Trung Quốc đã đồng ý cung cấp hơn 110.000 liều vaccine miễn phí cho nước này.

Đó là một phần nhỏ so với dân số 170 triệu dân của Bangladesh, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á. Dù tham gia vào thử nghiệm lâm sàng của Trung Quốc, người Bangladesh lo sợ giá vaccine có thể ngoài tầm với của hầu hết người dân nước này.

Bắc Kinh nhấn mạnh rằng họ sẽ không tìm cách thiết lập thế độc quyền cung cấp vaccine. Truyền thông nhà nước bác bỏ lập luận rằng Trung Quốc đang sử dụng vaccine như một công cụ ngoại giao, các học giả được chính phủ hậu thuẫn khẳng định việc cung cấp vaccine xuất phát từ "lòng vị tha".

"Chắc chắn sẽ không có ràng buộc nào", Ruan Zongze, phó chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho biết. "Vì nó sẽ trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu, nên việc thêm bất kỳ điều kiện nào sẽ khơi dậy nghi ngờ từ bên kia".

                                                                                Y tá tiêm vaccine tiềm năng Sinovac cho tình nguyện viên ở Brazil hồi tháng 8. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, một số quốc gia mà Trung Quốc muốn hợp tác và các cường quốc khu vực đang lo ngại. Tại Nepal, nơi Trung Quốc muốn thử nghiệm lâm sàng trên 500 công nhân trong một công ty xi măng, các chính trị gia đặt ra câu hỏi về tính an toàn của vaccine.

"Chúng ta có nên lo lắng về tác dụng phụ không?" Prakash Sharan Mahat, cựu ngoại trưởng Nepal và là lãnh đạo đảng đối lập của đất nước, nói trong một cuộc phỏng vấn.

Sau khi Trung Quốc đề nghị cung cấp vaccine cho Bangladesh và Nepal, Ấn Độ, vốn cảnh giác với tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Nam Á, đã đáp lại bằng việc cũng cam kết cung cấp vaccine cho các đồng minh.

Một số quốc gia không có nhiều sự lựa chọn ngoài Trung Quốc. Indonesia đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vaccine tiềm năng của Sinovac trên 1.620 tình nguyện viên và đã ký thỏa thuận mua 50 triệu liều vaccine Covid-19 cô đặc, cho phép công ty nhà nước PT Bio Farma của Indonesia sản xuất vaccine tại địa phương.

Một số chuyên gia chính trị ở Indonesia lo lắng về đòn bẩy mà Trung Quốc đạt được với nước này, nhưng họ thừa nhận Indonesia có rất ít lựa chọn.

"Chúng ta nên nghi ngờ hay chúng ta nên biết ơn?" Muhammad Zulfikar Rakhmat, học giả tại Đại học Hồi giáo Indonesia, nói. "Tôi nghĩ là cả hai".

Theo vnexpress