Mặc dù 2 cậu con trai 4 tuổi và 8 tuổi của anh Li Zhanguo không có smartphone riêng, thế nhưng cũng như hàng triệu đứa trẻ khác ở Trung Quốc, chúng không hề lạ lẫm gì với các trò chơi trực tuyến.
“Khi động đến điện thoại hay iPad mà bố mẹ không để ý thì con tôi sẽ có thể chơi game trực tuyến đến 4 tiếng đồng hồ liên tục mà không hề rời mắt khỏi màn hình thiết bị điện tử”, anh Li nói.
|
Trẻ em nghiện game online trên thiết bị di động là một vấn đề mà chính quyền Trung Quốc lo ngại - Ảnh: Ng Han Guan/AP |
Thế nhưng những điều này chỉ xảy ra trong thời gian trước đó. Còn giờ đây, anh Li cùng nhiều bậc phụ huynh khác đang tỏ ra vui mừng với quy định mới của chính phủ trong việc hạn chế trẻ em chơi game trực tuyến với chỉ 3 tiếng đồng hồ/tuần, cũng như chỉ được phép chơi trong thời gian từ 8 đến 9 giờ tối các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật mà thôi.
Quy định đầy khắt khe này vừa có hiệu lực từ đầu tháng 9/2021 nhằm mục đích giải quyết vấn nạn chơi game thâu đêm suốt sáng của trẻ em xảy ra một cách thường xuyên trước đó.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, vẫn chưa rõ liệu chính sách này có thể giúp ngăn ngừa tình trạng nghiện game trực tuyến của trẻ em hay không, bởi chúng vẫn dành thời gian của mình để lướt mạng xã hội như là một giải pháp thay thế cùng với những thần tượng phim ảnh, âm nhạc lẫn thời trang xuất hiện đầy rẫy trên mạng.
Theo một báo cáo của chính phủ Trung Quốc trước đó, cứ 10 trẻ em nước này thì lại có 1 em bị nghiện mạng internet. Thế nên giờ đây, trách nhiệm hạn chế vấn đề nghiện game online đang được đặt lên vai của những công ty sản xuất và phát hành game lớn của Trung Quốc như NetEase và Tencent với tựa game bom tấn “Honor of Kings” (được biết với cái tên Liên Quân Mobile ở thị trường game Việt Nam) vốn được chơi phổ biến bởi hàng chục triệu game thủ ở đất nước tỷ dân này.
|
Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng những quy định mới đầy khắt khe sẽ giúp giải quyết được vấn đề nghiện game online trong giới trẻ - Ảnh: Ng Han Guan/AP |
Theo đó, những công ty này phải thiết lập một hệ thống yêu cầu người chơi phải đăng ký bằng tên thật của mình nhằm kiểm soát giờ chơi của từng game thủ trẻ. Bên cạnh đó, công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng được áp dụng để xác định danh tính của người chơi. Ngược lại, các nhà quản lý của Trung Quốc cũng cho phép người chơi được quyền báo cáo các hành vi vi phạm của những nhà cung cấp game trực tuyến.
Mặc dù các quy định đề ra có vẻ chặt chẽ và nghiêm khắc, thế nhưng theo giáo sư Barry Ip tại Đại học Hertfordshire (Anh quốc), vốn là một chuyên gia về vấn đề nghiện game online, thì tính hiệu quả trong thực thi các chính sách này trong thực tế vẫn chưa rõ ràng bởi giới trẻ không chỉ quan tâm đến game mà thôi.
“Có nhiều hình thức và nền tảng kỹ thuật số khác nhau có thể thu hút sự chú ý của giới trẻ không hề kém trò chơi trực tuyến”, giáo sư Ip nói. “Chẳng hạn như, các bạn trẻ có thể dành thời gian trên TikTok vào buổi tối thay vì chỉ chơi game với giờ giấc bị khống chế”.
Những ứng dụng video ngắn theo kiểu TikTok vốn rất thông dụng ở Trung Quốc, và lạ thay, chúng lại không chịu sự chế tài như với game online mặc dù mức độ “gây nghiện” cho giới trẻ cũng không hề thua kém chút nào.
“Đâu phải chỉ game online mới gây hại cho trẻ em. Vẫn còn có mạng xã hội, ứng dụng phát video, và cả các chương trình giải trí trên TV nữa”, Liu Yanbin, mẹ của một cô con gái 9 tuổi ở Thượng Hải nêu ý kiến.
Tao Ran, Giám đốc Trung tâm Phát triển Tâm lý Thanh thiếu niên có trụ sở ở Bắc Kinh cho rằng, trẻ em vẫn có nhiều cách khác nhau nhằm “lách luật”, kể cả qua mặt hệ thống nhận diện khuôn mặt mà nhà sản xuất game cài đặt nhằm kiểm soát người chơi.
|
Một số nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, các biện pháp của chính quyền là chưa đủ mà cần thêm sự quan tâm của bố mẹ đối với thời gian sử dụng thiết bị thông minh của con mình - Ảnh: Andy Wong/AP |
Chính vì vậy, các chuyên gia đưa ra lời khuyên: thay vì chỉ dựa vào quy định của chính quyền thì các bậc cha mẹ cần chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc hạn chế thời gian chơi game, sử dụng mạng xã hội và lướt internet của con mình.
Theo anh Li, phụ huynh của 2 đứa trẻ, thì nhiều bậc bố mẹ mãi bận bịu với công việc nên không có thời gian để quan tâm đến con cái khiến chúng tìm đến game như là một cách giết thời gian của mình.
“Vì vậy, bố mẹ cần thể hiện sự sẵn lòng trong việc giúp con mình khai thác những sở thích của bản thân, từ đó giúp chúng phát triển các hành vi lành mạnh và phù hợp với lứa tuổi”.
Theo phunuonline