leftcenterrightdel
 Zhou Xiaoxuan, được nhiều người xem là gương mặt đại diện cho phong trào #Metoo của đất nước, đã thua trong một vụ kiện quấy rối tình dục mà cô đã đưa ra chống lại một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng vào tháng 9

Các quy định tại dự thảo luật được đưa ra trong bối cảnh #MeToo - phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục được khởi xướng tại Mỹ vào năm 2017, và sau đó lan rộng trên mạng truyền thông xã hội toàn cầu - đang phát triển mạnh tại Trung Quốc.

Hôm 20/12, nội dung chính của bản dự thảo sửa đổi luật đã được trình lên cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc để xem xét, đánh dấu bước phát triển đáng kể trong việc cải thiện quyền lợi của phụ nữ tại nước này, sau gần 30 năm kể từ khi đạo luật được thực thi.

Theo dự luật, việc đưa ra những bình luận có hàm ý tình dục, có hành vi hình thể không phù hợp, đưa ra những hình ảnh khiêu dâm, hoặc gợi ý về lợi ích để đổi lấy tình dục, đối với một phụ nữ mà không sự đồng ý của cô ấy, đều cấu thành tội danh quấy rối tình dục, Reuters cho biết.


Hãng tin này nhận định, đây là định nghĩa rõ ràng nhất, được đưa ra kể từ khi luật vì quyền lợi của phụ nữ được ban hành tại Trung Quốc cách đây gần 3 thập niên. Các điều khoản trong luật trước đây chỉ nêu chung chung rằng, hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ là điều bị cấm.

Theo dự luật được đề xuất, người sử dụng lao động cũng sẽ vi phạm các quy định nếu sa thải hoặc giảm lương của một phụ nữ khi cô ấy kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản hoặc cho con bú tại nơi làm việc. Tất cả các trường học và người sử dụng lao động cũng được khuyến khích triển khai các hệ thống ngăn chặn quấy rối tình dục.

Các quy định mới cũng mở rộng phạm vi bảo vệ lợi ích của phụ nữ trong quan hệ gia đình. Theo đó, những người phụ nữ chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình có quyền yêu cầu chồng bồi thường khi ly hôn. Điều khoản này được đưa ra sau khi một tòa án ở Bắc Kinh, trong một phiên tòa hồi tháng 2/2021, đã yêu cầu chồng cũ của một người phụ nữ làm việc nội trợ trả cho cô 50.000 nhân dân tệ, như một khoản đền bù cho công sức lao động trong thời gian sống chung. Vụ án đã gây chú ý và tranh luận trên toàn Trung Quốc.

Dự kiến, Ủy ban thường vụ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc sẽ tranh luận về các sửa đổi trong Luật Bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, sớm nhất vào ngày 24/12.

Theo phunuonline