Mỗi máy bay có cảm biến đo nhiệt độ, điện tích và độ ẩm, cũng như bộ phát điện - bộ phận thực hiện quá trình phóng điện để tạo mưa. (Nguồn: BBC)

 

Với khí hậu sa mạc khắc nghiệt cùng với lượng mưa trung bình chỉ 100 mm mỗi năm, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) cần nhiều giải pháp để có thể tạo mưa.

Một trong những ý tưởng mới lạ liên quan đến việc phóng máy bay không người lái tích điện vào các đám mây. Đề xuất ban đầu đến từ nhóm các nhà khoa học của Đại học Reading, Vương Quốc Anh.

“Có rất nhiều suy đoán về điều gì sẽ xảy ra nếu phóng điện lên các giọt đám mây, nhưng hầu như không có hành động thực tế nào kiểm chứng cho suy đoán này,” nhà nghiên cứu Keri Nicoll của dự án cho biết.

Giọt đám mây là một hạt nước lỏng có đường kính từ vài micromet đến hàng chục micromet, được hình thành do sự ngưng tụ hơi nước trong bầu khí quyển và lơ lửng trong khí quyển cùng với các giọt khác tạo thành đám mây.

Nhóm của Nicoll bắt đầu tìm cách giả lập mô hình hành vi của đám mây. Họ phát hiện ra rằng những giọt đám mây nhỏ mang điện tích trái nhau (âm hoặc dương) có nhiều khả năng hợp làm một và tạo thành hạt mưa lớn.

Theo Nicoll, kích thước của hạt mưa rất quan trọng, bởi ở những nơi nóng bức và nhiều mây như UAE, các giọt nước thường bay hơi trước khi rơi xuống đất.

Hiện các máy bay không người lái được chế tạo theo yêu cầu sẽ sớm thử nghiệm tại Dubai.

Nicoll và nhóm của cô đã chế tạo được 4 chiếc máy bay sải cánh dài khoảng 2 m. Các máy bay này có hệ thống lái tự động hoàn chỉnh và có thể bay trong khoảng thời gian 40 phút.

Mỗi máy bay đều có cảm biến đo nhiệt độ, điện tích và độ ẩm, cũng như bộ phát điện - bộ phận thực hiện quá trình phóng điện.

Bản kế hoạch của nhóm đã nhận được khoản tài trợ 1,5 triệu USD phân phối trong 3 năm từ Chương trình Nghiên cứu Khoa học Tăng cường Mưa của UAE - một chương trình do Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE điều hành.

Trong tương lai, bên cạnh việc “sạc điện,” nhóm Nicoll muốn thực hiện việc “gieo hạt” cho mây. “Gieo hạt” cho mây là quá trình đưa máy bay không người lái bắn các hạt muối vào đám mây nhằm kích thích mây tạo ra tuyết hoặc mưa. 

Tuy nhiên, chưa rõ liệu những đám mây được “gieo hạt” có ảnh hưởng đến quá trình mưa ở nơi khác hay không, hoặc muối có tác động gì đến môi trường. Ngoài ra, quá trình này cũng rất tốn kém.

“Tuy nhiên khoa học đã tiến thêm một bước trong hành trình tìm hiểu mức độ hiệu quả của việc khai thác đám mây”, Nitcoll khẳng định.

Theo Vietnamplus