Nữ sinh trên tàu điện ngầm ở Nhật Bản. Ảnh: Aljazeera.
Nạn nhân có thể kích hoạt ứng dụng Cảnh sát Digi để điện thoại phát ra tiếng kêu "dừng lại" với âm lượng mức cao nhất, hay tạo ra tin nhắn cầu cứu SOS trên màn hình để đưa cho hành khách khác xem với nội dung: "Tôi đang bị sàm sỡ, làm ơn giúp tôi".
Ứng dụng đã có hơn 237.000 lượt tải về và "đây là con số cao bất thường" cho một ứng dụng dịch vụ công cộng, theo đánh giá của sĩ quan Keiko Toyamine.
"Ứng dụng này đang rất phổ biến, số lượt tải về tăng thêm khoảng 10.000 mỗi tháng", Toyamine cho biết hôm 21/5.
Cô cho hay nạn nhân thường quá sợ hãi, không dám cầu cứu nhưng bằng cách sử dụng chế độ tin nhắn SOS, "họ có thể thông báo cho người khác về hành vi bị sàm sỡ trong lúc vẫn giữ im lặng".
Có gần 900 vụ sờ mó và quấy rối trên tàu và tàu điện ngầm ở Tokyo năm 2017, theo dữ liệu của Sở cảnh sát Thủ đô Tokyo.
"Đó chỉ là đỉnh của tảng băng trôi", Toyamine cho hay, đa số nạn nhân thường do dự không dám trình báo.
Người phạm tội đối mặt án tù lên tới 6 tháng hoặc tiền phạt 500.000 yen (5.500 USD). Án tù có thể tăng lên 10 năm nếu sử dụng hoặc đe dọa sử dung bạo lực. Sở cảnh sát Tokyo ra mắt ứng dụng này miễn phí vào ba năm trước.
Ban đầu, nó nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người lớn tuổi cũng như các bậc phụ huynh và trẻ em về các trò gian dối hoặc rình mò. Chức năng "đẩy lùi kẻ quấy rối" được thêm vào vài tháng sau khi ra mắt.
Cuối năm ngoái, một nữ thần tượng nhạc pop bị tấn công đã nhắc tới ứng dụng khi trả lời phỏng vấn trực tuyến, khiến nó bất ngờ nổi tiếng.
Một toa tàu dành riêng cho phụ nữ ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Yui Kimura, một nhân viên cửa hàng bán bia 27 tuổi tại đảo Hokkaido, cho biết luôn lo lắng chuyện bị sờ mó mỗi lần lên chơi thủ đô.
"Tôi lúc nào cũng căng thẳng mỗi khi lên tàu ở Tokyo vì những tay đàn ông ranh mãnh luôn có thể bất ngờ xuất hiện trước mặt bất kỳ lúc nào", Kimura nói.
Reina Oishi, 21 tuổi, sinh viên đại học ở Tokyo, cho hay "muốn tải ứng dụng vì bị sờ mó trên tàu rất nhiều lần".
Các chuyên gia đều đồng ý rằng ứng dụng này rất hữu ích cho những nạn nhân không dám lên tiếng.
"Những kẻ quấy rối có xu hướng nhằm vào những người hay xấu hổ và ngại không dám báo cảnh sát", Akiyoshi Saito, một nhân viên xã hội, người đã hỗ trợ khoảng 800 nạn nhân bị quấy rối trong một chương trình phục hồi tâm lý, cho biết.
Sàm sỡ trên tàu có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào, nơi tàu luôn đông người sử dụng. "Nhưng thiên kiến kiểu truyền thống Nhật Bản cho rằng đàn ông ưu việt hơn phụ nữ có thể cổ vũ hành vi quấy rối tình dục trên tàu", ông nói.
Nhận thức về vấn đề này đang được chú ý ở Nhật Bản trong những năm gần đây. Trên mạng Internet, phụ nữ trao đổi các mẹo tránh thu hút chú ý không mong muốn.
Hệ thống đường sắt Đông Nhật Bản đã áp dụng các toa dành riêng cho phụ nữ vào giờ cao điểm, lắp đặt camera an ninh trên một số tuyến có tỷ lệ quấy rối cao.
Theo
vnexpress