Một tình nguyện viên ở Johannesburg, Nam Phi, được tiêm vắc-xin COVID-19 thử nghiệm do Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu phát triển - Ảnh: AP

Một tình nguyện viên ở Johannesburg, Nam Phi, được tiêm vắc-xin COVID-19 thử nghiệm do Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu phát triển - Ảnh: AP

Các nhà hoạt động cảnh báo rằng nếu không nỗ lực mạnh mẽ hơn để giữ cho các lãnh đạo chính trị, dược phẩm và y tế “có trách nhiệm”, vắc-xin sẽ được các nước giàu tích trữ trong một cuộc đua ưu tiên tiêm chủng cho người dân nước họ.

Theo hãng tin AP, hàng chục loại vắc-xin đang được nghiên cứu và một số quốc gia, trong đó có Anh, Pháp, Đức và Mỹ, đã đặt hàng trăm triệu liều thậm chí trước khi vắc-xin được chứng minh là có hiệu quả. Mặc dù không quốc gia nào đủ khả năng mua thuốc của tất cả các ứng cử viên vắc-xin tiềm năng, các nước nghèo lại càng thua thiệt trong cuộc chơi này.

Sáng kiến then chốt giúp đỡ cho người nghèo được tiến hành nhờ Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng (Gavi) – quan hệ đối tác công - tư do Quỹ Bill & Melinda Gates thiết lập – thông qua việc mua vắc-xin cho khoảng 60% trẻ em toàn thế giới.

Trong một tài liệu gửi cho các nhà tài trợ tiềm năng vào tháng trước, Gavi cho biết những người đóng tiền cho Cơ sở Covax mới của họ sẽ có cơ hội được hưởng lợi từ danh mục vắc-xin COVID-19 lớn hơn. Gavi nói với các chính phủ tài trợ rằng khi một loại vắc-xin hiệu quả được tìm thấy sau khi thử nghiệm, những quốc gia đó sẽ nhận được số liều cho 20% dân số của mình và được sử dụng theo nhu cầu của quốc gia.

Điều đó có nghĩa là các nước giàu có thể tự ký các thỏa thuận với các nhà bào chế vắc-xin và sau đó cũng nhận được phân bổ không có ràng buộc từ Gavi. Các nước nghèo hơn, khi đăng ký sáng kiến về mặt lý thuyết sẽ nhận được vắc-xin cùng lúc để tiêm chủng cho 20% dân số, nhưng họ có nghĩa vụ phải tiêm chủng cho người dân theo khuôn khổ phân phối do LHQ quy định.

Tài liệu cho biết, các quốc gia tài trợ được khuyến khích (nhưng không bắt buộc) quyên góp vắc-xin nếu họ có nhiều hơn mức cần thiết.

Anna Marriott của tổ chức Oxfam Quốc tế cho biết, khi trao cho các nước giàu kế hoạch dự phòng này, họ sẽ ăn chiếc bánh của mình và ăn cả phần dự trữ. Có thể, họ sẽ mua hết nguồn cung trước, điều này sẽ hạn chế những gì Gavi có thể phân phối cho phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành Gavi, cho biết những lời chỉ trích như vậy “chẳng ích lợi gì", vì lúc này, không có vắc-xin cho bất cứ ai, và họ đang cố gắng giải quyết vấn đề này.

Tháng trước, Gavi và CEPI (Liên minh Sáng chế đối phó với đại dịch) đã ký một hợp đồng trị giá 750 triệu USD với AstraZeneca để cung cấp cho các nước đang phát triển 300 triệu liều thuốc tiêm được Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển.

Tổ chức Y tế Thế giới trước đây cho biết họ hy vọng sẽ bảo đảm 2 tỷ liều cho người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp vào cuối năm 2021, bao gồm cả thông qua các sáng kiến như Gavi trong bối cảnh khoảng 85% số người trên thế giới - 7,8 tỷ người - sống ở các nước đang phát triển.

Theo phunuonline