|
|
Hậu đại dịch, nhiều công ty cho phép nhân viên kết hợp làm từ xa và tới văn phòng. Ảnh: Bloomberg. |
Ah Pan đang làm việc cho công ty dịch vụ du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Bà mẹ trẻ cảm thấy thoải mái khi công ty mới đưa ra chính sách cho phép nhân viên làm việc từ xa tối đa 2 ngày/tuần.
"Lịch trình làm việc linh hoạt này là thứ tôi thực sự coi trọng", Ah Pan nói với Shanghai Daily.
Như vậy, mỗi tuần cô sẽ có 2 ngày không cần phải tốn 3 tiếng đồng hồ để đi từ nhà ở phía đông sông Hoàng Phố đến văn phòng công ty gần sân bay Hồng Kiều ở phía tây.
Trong 2 ngày đó, cô sẽ chọn quán cà phê hay hiệu sách gần nhà để làm việc, có thể thoải mái ăn trưa với cả gia đình.
Công ty của Ah Pan có trụ sở tại Thượng Hải, từng thử nghiệm mô hình làm việc hỗn hợp vào giai đoạn năm 2020-2021, vào thời điểm dịch Covid-19 khiến mọi người buộc phải ở trong nhà. Từ ngày 1/3 sắp tới, công ty sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này.
Phương pháp kết hợp làm việc từ xa và tới văn phòng truyền thống hậu đại dịch có thể bắt đầu thiết lập lại môi trường lao động ở Trung Quốc. Nó sẽ tăng cường cân bằng giữa công việc và cuộc sống, phá vỡ văn hóa làm việc 996 (làm từ 9 giờ sáng tới 9h tối, 6 ngày/tuần) - vốn thống trị trong ngành công nghệ suốt thời gian dài.
Cái chết của văn hóa làm việc khắc nghiệt
James Liang, chủ tịch của Trip.com nơi Ah Pan đang làm việc, cho biết: "Việc thúc đẩy chính sách làm việc hỗn hợp mang đến lợi ích nhiều mặt cho công ty, nhân viên và xã hội".
Mô hình linh hoạt giúp Trip phá vỡ văn hóa làm việc 996 khắc nghiệt, vốn là luật bất thành văn ngành công nghiệp công nghệ của đất nước tỷ dân.
Làm việc quá sức cũng được cho là nguyên nhân tử vong của nhiều nhân viên trong ngành này.
Ngay cả Tòa án Nhân dân Trung Quốc cũng từng tuyên bố văn hóa "996" là bất hợp pháp.
Liang cho biết áp dụng chính sách mới khiến mức độ hài lòng của nhân viên tăng lên, giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và giúp phụ nữ có con vẫn duy trì được sự nghiệp.
Với quy tắc chuyển đổi kỹ thuật số và phòng chống dịch bệnh quốc gia, ước tính 45% công ty Trung Quốc đang bắt đầu các cơ hội làm việc từ xa, cao hơn mức trung bình 41% ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo trang web LinkedIn, khoảng 70% nhân viên hoan nghênh chính sách này ở Trung Quốc.
Động thái này của Trip diễn ra sau khi các ông lớn ngành công nghệ nước ngoài như Amazon, Apple, Google, Facebook và Microsoft áp dụng mô hình làm việc kết hợp.
|
|
Văn hóa "996" bị chỉ trích khi tạo áp lực quá lớn đối với người lao động. Ảnh:Aly Song/Reuters. |
Các nhà nghiên cứu tại công ty tư vấn đa quốc gia Accenture có trụ sở tại Ireland cho biết, mô hình làm việc kết hợp bao gồm 20% nhân viên trở lên tới văn phòng sẽ mang lại lợi ích xã hội rõ ràng và cải thiện về giao thông, môi trường, bình đẳng giới, giáo dục và ổn định giá nhà.
Đợt thử nghiệm mô hình hỗn hợp gần đây nhất của Trip đã bắt đầu vào tháng 8 năm 2021 và có sự tham gia của 1.600 nhân viên. Trong một cuộc khảo sát của công ty liên quan, 93% nhân viên cho biết họ cảm thấy mô hình này mang lại hiệu quả công việc cao hơn và trên 75% báo cáo có sự cải thiện về sức khỏe tổng thể của họ.
Ah Pan là trưởng nhóm 3 người. Ban đầu, cô lo lắng về sự mất kết nối trực tiếp giữa các thành viên. Nhưng cô nhận thấy các cuộc họp trực tiếp đã góp phần giúp mọi người gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau.
Xiao Xiao, giám đốc phát triển kinh doanh của Trip, cho biết mô hình mới giúp cô làm việc "hiệu quả hơn" cả trên văn phòng và ở nhà. Cô có nhiều thời gian hơn để dạy con mình.
Những người trong ngành dự đoán chế độ làm việc linh hoạt hơn sẽ giúp công ty này giữ được nhân tài và vực dậy sau đại dịch.
"Chúng tôi hy vọng rằng mô hình làm việc kết hợp sẽ được áp dụng nhiều hơn trong các công ty Trung Quốc trong tương lai, điều này sẽ có tác động tích cực và sâu rộng đến xã hội và nền kinh tế", ông Liang nói.
Mô hình làm việc tương lai
Giữa những lo ngại ngày càng lan rộng trong công chúng, các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi.
Vào tháng 11/2021, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã công bố chính sách làm việc "1075", kêu gọi nhân viên làm việc từ 10h sáng đến 7h tối, 5 ngày một tuần, bao gồm cả thời gian nghỉ trưa.
Cùng tháng đó, gã khổng lồ kỹ thuật số Tencent đã công bố kế hoạch "965", để nhân viên làm việc từ 9h sáng đến 6h chiều, 5 ngày một tuần.
Tuy nhiên, một số nhân viên phàn nàn rằng chính sách mới vẫn thiếu tính linh hoạt trong tình hình hiện tại. Để so sánh, Apple, Facebook và Google, trong số những gã khổng lồ công nghệ khác, đã cho phép phần lớn nhân viên làm việc tại nhà từ 2 ngày trở lên mỗi tuần kể từ khi dịch bệnh xảy ra.
Jenny Zheng, Chủ tịch chi nhánh Trung Quốc của công ty dược phẩm Janssen có trụ sở tại Bỉ, cho biết sự chuyển đổi tại nơi làm việc là "không thể tránh khỏi" và các công ty phải áp dụng các mô hình mới với chiến lược sáng tạo.
Các công ty như Trip và Janssen đang khuyến khích nhân viên sử dụng các công cụ kỹ thuật số như họp trực tuyến để duy trì liên lạc khi mọi người không cùng ở văn phòng.
|
|
Các công ty lớn tại Trung Quốc dần chuyển sang mô hình làm việc "1075" hay "965" để giảm áp lực cho nhân viên. Ảnh: Ti Gong. |
"Theo cách thụ động hay chủ động, mọi người đều phải đối mặt với những thay đổi ở nơi làm việc và lối sống cá nhân, đặc biệt là kể từ sau khi đại dịch bùng phát", Lily Fu, Giám đốc điều hành tại Trung Quốc của Avaya có trụ sở ở Mỹ, cho biết.
Avaya phục vụ 2,5 triệu chỗ ngồi làm việc từ xa trên toàn cầu, cung cấp các dịch vụ đám mây, truyền thông kinh doanh hợp nhất và phần cứng như thiết bị hội nghị cá nhân với các tính năng giảm tiếng ồn do AI hỗ trợ.
Jade là nhân viên tiếp thị người Trung Quốc của một công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ. Cô chỉ được yêu cầu làm việc trong văn phòng 2-3 ngày/tuần.
"Chúng tôi đăng ký thời gian văn phòng trực tuyến vì thời gian làm việc có hạn. Điều đó khiến tôi hoàn toàn tập trung vào công việc và giao tiếp tốt với đồng nghiệp khi chúng tôi ở văn phòng", cô nói.
Theo nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), nhiều nhân tài từng phải đến Thượng Hải hoặc Bắc Kinh để theo đuổi sự nghiệp, nhưng giờ đây họ có thể ở lại các thành phố khác như Thành Đô, Vũ Hán, Tây An và Trùng Khánh mà không ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp.
Không có một mô hình phù hợp cho tất cả trong công việc kết hợp, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi tiếp xúc trực tiếp từ lâu đã tạo cơ sở cho các mối quan hệ kinh doanh và cá nhân.
Chen Yubo, phó hiệu trưởng cấp cao của Trường Kinh tế và Quản lý tại Đại học Thanh Hoa, cho biết mọi người có thể đón nhận mô hình làm việc hỗn hợp nhưng họ không muốn từ bỏ mô hình làm việc truyền thống, bởi rất nhiều nghề ở Trung Quốc dựa vào việc xây dựng lòng tin và các mối quan hệ trực tiếp.
"Kết nối và việc xây dựng lòng tin đôi khi quan trọng hơn việc chia sẻ thông tin và ý tưởng", ông nói thêm.
Theo zingnews