Ngày 27/8, Tòa án Tối cao và Bộ Tài nguyên Nhân sự Trung Quốc tuyên bố văn hóa làm việc "9-21h, 6 ngày mỗi tuần" (996) là bất hợp pháp, xâm phạm quyền lợi của người lao động. Tổng số giờ làm thêm được giới hạn tối đa 36 giờ/tháng.

Theo Jing Daily, việc thay đổi văn hóa làm việc đến kiệt sức cũng góp phần tác động vào thói quen tiêu dùng của người trẻ Trung Quốc, trong đó có sở thích mua sắm, xài đồ hàng hiệu, đắt tiền.

                                                                            Văn hóa làm việc đến kiệt sức 996 bị tẩy chay mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây. Ảnh: Reuters.Tẩy chay 996


Văn hóa 996 từng được tỷ phú Jack Ma công khai ủng hộ với quan điểm "nếu tìm thấy những thứ mình thích, cắm đầu làm việc từ sáng đến đêm, ngày qua ngày không phải là vấn đề".

Tuy nhiên, sau những cái chết liên quan đến tình trạng làm việc quá sức của người lao động tại nước này, chính phủ Trung Quốc đang gây sức ép lên các tập đoàn tư nhân, yêu cầu cải thiện điều kiện cho nhân viên.

Trước áp lực pháp lý ngày càng tăng, các công ty công nghệ Trung Quốc đang thay đổi. Tháng 7, nền tảng Kuaishou kết thúc chính sách bắt nhân viên đi làm thêm 1 ngày sau mỗi 2 tuần. Gã khổng lồ gọi xe Didi gần đây đã thành lập công đoàn cho nhân viên sau khi bị chỉ trích trả lương thấp cho tài xế.

Nhưng bất chấp những động thái mang tính bước ngoặt này, Arnold Ma, người sáng lập công ty marketing Qumin, nói rằng “chúng giống như việc khắc phục các triệu chứng hơn là giải quyết nguyên nhân”.

Theo ông Ma, vấn đề làm việc đến kiệt sức tại Trung Quốc xuất phát sâu xa hơn chỉ là những đêm khuya ở văn phòng.

“Thanh niên nhận thức được họ đang theo đuổi một văn hóa làm việc độc hại song vẫn chịu đựng vì kiếm được nhiều tiền hơn, nhờ đó có thể giảm bớt áp lực các khía cạnh khác như hôn nhân, nhà ở, nuôi dạy con cái hay chăm sóc người già”.

                                                                    Trào lưu sống "mặc kệ sự đời" mà nhóm người trẻ Trung Quốc lựa chọn thay đổi thói quen tiêu dùng của họ. Ảnh: CNN.


Trước những gánh nặng ngày càng phình to về sự nghiệp và tài chính, một phần trong thế hệ trẻ Trung Quốc chọn “nằm im”, chối bỏ mọi áp lực, chỉ muốn hưởng cuộc sống yên bình.

Theo Andrew Atkinson, giám đốc tiếp thị cấp cao tại công ty China Skinny, xu hướng “mặc kệ sự đời” không phải ngẫu nhiên sinh ra. Nó là “giọt nước tràn ly” từ thực tế thế hệ trẻ phải đối mặt trong nhiều năm nay.

Mặc dù số lượng người thuộc thế hệ Gen Z ở đất nước tỷ dân thực sự “mặc kệ tất cả” mới chỉ là số ít, sự thất vọng nói chung vẫn bao trùm. Do đó, thói quen tiêu xài hàng hiệu vốn đang thịnh hành cũng sẽ lung lay theo.

Khác với các thế hệ trước, hai thế hệ thế hệ Millennial và Gen Z của Trung Quốc không nghĩ đồ hiệu là thứ xa xôi, nằm ngoái tầm với. Họ sẵn sàng tiết kiệm hoặc thậm chí vay nợ để mua sản phẩm đắt tiền cho mình.

Xu hướng này đến từ mong muốn muốn khẳng định bản thân và khát vọng vươn lên đẳng cấp cao hơn.

“Thế hệ trẻ dường như tìm thấy lòng tự tôn, cảm giác thành tựu hay đạt tới tiêu chuẩn của những người nổi tiếng bằng cách mua những thứ giống họ”, giáo sư Hàn Quốc Kwak Keum-joo nói.

                                               Với những người trẻ không còn muốn cạnh tranh căng thẳng, việc làm việc cật lực để sở hữu hàng hiệu đã mất đi ý nghĩa. Ảnh: Jing Daily.


Thách thức


Khi giới trẻ Trung Quốc bày tỏ mong muốn sống chậm lại và giảm bớt căng thẳng, sự thay đổi xảy ra như lẽ tất yếu. Từ làm việc cật lực để sở hữu đồ hiệu, họ chuyển sang sang chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm, dịch vụ hoặc trải nghiệm an sinh.

“Thay vì tiêu hết tiền để mua một chiếc túi đắt tiền, những người trẻ tuổi có thể muốn tiêu dùng một cách khôn ngoan hơn vào những thứ mang lại cho họ sự tự do thực sự cùng cảm giác hạnh phúc và viên mãn, chẳng hạn như thực phẩm lành mạnh hoặc các dịch vụ giáo dục giúp họ phát triển cơ thể khỏe mạnh, tâm hồn”, Sally Maier-Yip, người sáng lập công ty tư vấn 11K Consulting, nói.

Để vẫn giữ sự thu hút đối với những khách hàng này, các thương hiệu đắt tiền dần phải thay đổi chiến thuật trong cuộc chơi.

                              Khi xu hướng "nằm im" xuất hiện, các nhãn hàng đắt tiền cần nghĩ đến chuyện thay đổi cách thức tiếp cận để giữ chân khách hàng trẻ tuổi. Ảnh: Sixth Tone.


“Các hãng xa xỉ cần nói nhiều hơn về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giữa tìm kiếm đam mê và sống hiệu quả hơn", Arnold Ma đánh giá.

"Các thương hiệu muốn kết nối với những tâm hồn mệt mỏi này nên tập trung vào việc mang trở lại sức sống và sự khỏe mạnh cho họ. Nói cách khác, cần truyền cảm hứng giúp họ đạt được mục tiêu cuộc sống của chính mình hơn là vươn lên trên người khác", ông nói thêm.

Theo bà Maier-Yip, những nhãn xa xỉ cần tránh phán xét và thể hiện sự đồng cảm đối với thế hệ trẻ. Bằng cách đó, họ có thể nhận được sự ủng hộ từ giới trẻ lẫn sự gắn bó dài hạn với thương hiệu.

Đầu năm nay, một hãng mỹ phẩm đánh trúng vào tâm lý của thế hệ thanh, thiếu niên khi ra mắt quảng cáo có nội dung chàng trai đang rất nổi tiếng vẫn chọn bỏ sự nghiệp làm thần tượng âm nhạc, sau khi nhận thấy mình không hạnh phúc với nó. Thông điệp là chính mình và tận hưởng sự tự do được truyền tải.

Tuy nhiên, các tên tuổi hàng hiệu kinh doanh ở Trung Quốc cần tránh đề cập trực tiếp phong trào “nằm im”, đặc biệt là khi các phương tiện truyền thông nhà nước coi đó là “điều đáng xấu hổ”.

Không chỉ từ khóa "nằm im" bị xóa khỏi mạng xã hội, mà quần áo có in từ ngữ liên quan cũng bị xóa khỏi nền tảng thương mại điện tử Taobao do chính quyền lo ngại nó triệt tiêu động lực tự thân của giới trẻ.

Theo ZING