Sự kiện lần thứ 74 của LHP Cannes được tổ chức theo cách truyền thống giữa thời điểm Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát. Theo DW, đây được coi là một cuộc khải hoàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ của điện ảnh thế giới sau hơn một năm lao đao.

Tổ chức giữa dịch bệnh


Hồi tháng 6, ban tổ chức LHP Cannes đã công bố quy chuẩn an toàn cho sự kiện. Một trong số đó yêu cầu khách mời tham gia các sự kiện công chiếu và họp báo phải đeo khẩu trang trong các phòng chiếu được hoạt động với 100% công suất.

Khách mời nước ngoài tham gia liên hoan phim đã phải tới Pháp từ 10 ngày trước để tiến hành cách ly trong khi các nhà báo phải chủ động biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh. Những người xếp hàng chờ xem phim phải đứng cách nhau 1 m, người hâm mộ được ngăn cách với nghệ sĩ bằng rào chắn xếp dọc đại lộ Croisette.

                                                                            Hình ảnh tại một khu lấy mẫu xét nghiệm bên cạnh địa điểm tổ chức LHP Cannes. Ảnh: France24.

Theo lời tổng thư ký LHP Cannes Francois Desrousseaux, mục tiêu của ban tổ chức là tìm được sự cân bằng giữa việc đảm bảo an toàn phòng dịch và cung cấp không gian thưởng thức nghệ thuật thoải mái cho khán giả. Ban tổ chức LHP cũng làm việc với chính phủ Pháp để nới lỏng yêu cầu test nhanh Covid-19 mỗi 48 tiếng đối với khách mới tham gia sự kiện, tuy nhiên đề nghị đã không được thông qua.

Chia sẻ với Variety ngày 9/7, ông Desrousseaux cho hay không có ổ dịch Covid-19 được phát hiện trong bốn ngày diễn ra sự kiện. Trung bình, mỗi ngày bộ phận xét nghiệm của LHP phim ghi nhận ba ca dương tính trên tổng số hàng nghìn người tham dự. Ban tổ chức đã chuẩn bị khu vực xét nghiệm nhanh Covid-19 rộng 300 m2 liền kề địa điểm tổ chức liên hoan phim.

Các trường hợp mắc Covid-19 mới đều nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời. Bên cạnh đó, quy định về tần suất xét nghiệm đối với nhân viên của LHP cũng được thay đổi. Họ sẽ được xét nghiệm Covid-19 hai ngày một lần thay vì năm ngày một lần như trước. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với những người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tác phẩm gây tranh cãi


LHP Cannes lần thứ 74 có 24 tác phẩm tham gia tranh giải, 6 tác phẩm công chiếu không tranh giải và hơn 30 phim tham gia trình chiếu. Các tác phẩm và nhà làm phim đều nhận được sự chào đón nhiệt liệt từ hàng ghế khán giả trong sự kiện ra mắt.

Bộ phim Stillwater với Matt Damon trong vai chính đã nhận được tràng vỗ tay kéo dài 5 phút từ khán giả ở cuối sự kiện công chiếu. Sự việc khiến tài tử không cầm được nước mắt.

Trang IndieWire đã chọn ra 12 tác phẩm đáng chú ý được trình chiếu trong LHP Cannes. Danh sách gồm Ahed’s Knee, Annette, Bergman Island, Drive My Car, Memoria, Mothering Sunday, Neptune Frost, Red Rocket, The Souvenir Part II, Titane, Vortex và The Worst Person in the World.

Không thuộc nhóm được đánh giá cao tại Cannes, nhưng bộ phim Benedetta của đạo diễn Paul Verhoevenđã gây chú ý khi trở thành chủ đề tranh cãi giữa giới phê bình điện ảnh. Tác phẩm được công chiếu hôm 9/7, lấy bối cảnh châu Âu cận đại xoay quanh mối tình giữa hai nữ tu.

                                                                              Đạo diễn Paul Verhoeven thường xuyên mang đến Cannes những tác phẩm gây tranh cãi. Ảnh: Pathé.


Trong phim, nữ diễn viên người Bỉ Virginie Efira vào vai chính Benedetta Carlini. Carlini là nữ tu người Pháp sống ở thế kỷ XVII và tin rằng mình bị Chúa Jesus ám. Tiết lộ khiến Carlini bị coi như kẻ điên. Cô đã phải lòng người sơ được giao trách nhiệm chăm sóc mình - một nữ tu trẻ tên Bartolomea (Daphne Patakia).

Mối tình vụng trộm giữa hai người phụ nữ được tái hiện bằng chuỗi hình ảnh ngập tràn nhục dục và gây sốc liên quan đến các biểu tượng tôn giáo. Trang Variety mô tả bộ phim là sự kết hợp giữa nét xuân tình của Blue is the Warmest Colour và sự bạo lực của The Passion of the Christ (2004).

Các cây bút phê bình điện ảnh chia thành hai phe yêu ghét rõ rệt khi nói về tác phẩm. Phe ủng hộ ca ngợi phim là sự kết tinh toàn bộ quan điểm của đạo diễn về sự khêu gợi, tính duy lý, đạo đức và đức tin. Nói cách khác, Benedetta là một tác phẩm phản ánh rõ nét cái tôi của Verhoeven, nối tiếp chùm phim lấy đề tài phụ nữ gây tranh cãi từ vị đạo diễn như Elle hay Showgirl.

                                                                                    Nữ diễn viên Renate Reinsve trong buổi giới thiệu The Worst Person In The World tại Cannes.


Phe phản đối cho rằng nội dung phim còn nhiều điểm chưa thỏa đáng và cái kết thiếu thuyết phục. Trong bài bình luận trên Variety, cây bút Peter Debruge viết: "Có một số cảnh cho thấy ý đồ của Verhoeven khi làm bộ phim. Nó tiết lộ Benedetta không phải tác phẩm điện ảnh tạo ra sự đột phá mà chỉ là một sản phẩm tồi khác lấy đề tài các nữ tu".

Những vấn đề trầm kha


Thảm đỏ LHP Cannes từ lâu đã là một chốn vàng thau lẫn lộn. Xuất hiện tại đây không chỉ là các tài tử, minh tinh hay nhà làm phim có nhiều cống hiến mà còn là các gương mặt vô danh dùng tiền và chiêu trò phản cảm để thu hút sự chú ý. Thảm họa trang phục theo đó cũng trở thành "đặc sản" của thảm đỏ Cannes.

Tại LHP Cannes năm nay, thảm họa trang phục đầu tiên là một phụ nữ không rõ danh tính xuất hiện trên thảm đỏ ngày 6/7. Ống kính phóng viên ghi lại hình ảnh người này mặc crop-top không nội y, cố tình tạo dáng phản cảm, để lộ toàn bộ vòng một trước ống kính.

                                                                                              Các bộ trang phục cồng kềnh của Elena Lenina. Ảnh: Free Press.


Nữ diễn viên người Nga Elena Lenina đã trở thành trung tâm của thảm đỏ hôm 9/7 với mái tóc vuốt dựng đứng cao gần 1 m cùng bộ trang phục màu ánh đồng với điểm nhấn là đuôi váy kết thành chùm xích khổng lồ.

Cồng kềnh, lấp lánh đã trở thành “thương hiệu” của Lenina tại Cannes 2021 khi nữ doanh nhân kiêm gương mặt truyền hình Nga cũng xuất hiện trên thảm đỏ hai ngày trước với kiểu tóc chải cao với tạo hình rắm rối kết hợp phần váy đính sequin cồng kềnh.

Ngoài Lenina, nhiều sao nữ khác cũng cố tình mắc lỗi trang phục nhằm thu hút sự chú ý theo cách phản cảm. Diễn viên Blanca Blanco xuất hiện trên thảm đỏ với khuôn mặt mệt mỏi, bóng dầu. Cô mặc bộ trang phục đính lông vũ màu xanh ngọc kết hợp cùng giày cao gót màu đỏ không ăn nhập.

Ngoài câu chuyện váy áo phản cảm của các khách mời, LHP Cannes 2021 còn mất điểm vì để tiếp diễn câu chuyện khách mời bị trộm mất các món đồ giá trị. Ngày 11/7, Variety đưa tin nữ diễn viên kiêm người mẫu Anh Jodie Turner-Smith đã bị kẻ trộm đột nhập vào phòng khách sạn và lấy đi nhiều món trang sức giá trị có tổng giá trị lên tới hàng nghìn USD.

Trộm cắp đã trở thành vấn nạn của LHP Cannes khi Naomi Campbell từng bị mất 20 bộ đồ dự định sử dụng trong sự kiện hồi 2005. Năm 2013, kẻ gian cũng ăn cắp đồng hồ và nhiều đồ trang sức với tổng trị giá lên đến hơn 3,6 triệu USD của khách mời.

Theo Zing