Thay vì thực phẩm, người dân Australia đang thi nhau vơ vét giấy vệ sinh trong siêu thị. Người dùng mạng xã hội nước này bất ngờ về hình ảnh những kệ hàng giấy vệ sinh trống không và giá giấy vệ sinh nhảy nhót trên chợ mạng.
"Đó là điều mà tôi chưa từng thấy trước đây và trong khi tôi nghĩ mình là một người lý trí thì nó cũng khiến tôi phát hoảng", Patrick Wright, phóng viên của ABC Life bình luận khi chứng kiến cơn sốt.
Một số người kinh doanh trực tuyến đã cố gắng tận dụng thời cơ. Trang News của Australia ghi nhận một số trường hợp rao giấy vệ sinh với giá cao, như 24 đôla Australia cho lốc 24 cuộn giấy 3 lớp. Thậm chí, trên Facebook còn có tin rao bán một tờ giấy vuông với giá 1.000 đôla Australia.
Cô Cheree Lawrence, một blogger sống tại thành phố Brisbane, người điều hành trang Facebook "Oh So Busy Mum", đã chia sẻ một quảng cáo bán giấy vệ sinh với giá 5 đôla Australia một cuộn ở Perth.
"Tôi nghĩ đó là một trò đùa khi các phương tiện truyền thông cho biết các cửa hàng đã bán hết giấy vệ sinh cho đến khi tôi chứng kiến điều đó. Tôi không thể tin tất cả các kệ trống và bán hết các mặt hàng ngày hôm nay", cô Lawrence nói sáng 4/3.
|
Người Australia tranh thủ tích trữ mua giấy vệ sinh.Ảnh: Facebook Sandra Hadley |
Khi cơn sốt diễn ra, nhiều người cũng tự hỏi tại sao phải tích trữ giấy vệ sinh mà không phải là thực phẩm trong mùa Covid-19.
Gary Mortimer, Chuyên gia bán lẻ, Giáo sư tại Đại học Công nghệ Queensland (QUT), nói lý do khiến các siêu thị "cháy hàng" giấy vệ sinh là bởi ít hàng tồn kho.
Các siêu thị không trữ giấy vệ sinh nhiều vì chúng quá nhẹ và cồng kềnh. Điều đó có nghĩa họ chỉ có thể chứa 100-250 gói trên một lối đi. Họ trữ mặt hàng này trong kho cũng ít, để bớt chiếm không gian và thường nhận thêm hàng từ nhà cung cấp mỗi ngày, với số lượng vừa đủ bán đến đợt nhận tiếp theo.
"Nếu chỉ cần vài chục người tăng mua số lượng giấy vệ sinh thì đột nhiên nhu cầu tăng rất nhanh và rất khó để giữ cho kệ hàng vẫn đầy", Tiến sĩ Mortimer nói kết quả là không còn giấy vệ sinh để bán.
Jana Bowden, Phó giáo sư tiếp thị tại Đại học Macquarie nói tâm lý sợ hãi khi nghe các tin tức về khan hiếm giấy vệ sinh ở Singapore, Hong Kong và Nhật Bản trên các phương tiện truyền thông khiến người dân tích cực đi gom hàng.
"Đó là một chủ đề trên các phương tiện truyền thông và người tiêu dùng đang theo dõi những gì đang xảy ra trên khắp thế giới với virus corona", vị chuyên gia nói người dùng bị lây lan tâm lý và khi đi siêu thị, họ lại rơi vào cái gọi là "hành vi bầy đàn".
"Nếu bạn thấy ai mua thứ gì đó, còn bạn thì chưa và nó không có sẵn, bạn có thể cảm thấy hối hận", Tiến sĩ Bowden nói tâm trí khách hàng lúc đó lo sợ nếu không mua ngay sẽ không còn cơ hội nào nữa.
Một số siêu thị đã ra đặt ra giới hạn giấy vệ sinh mỗi người được mua. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết động thái nhằm tránh tích trữ và hoảng loạn chứ thực tế hiện không có vấn đề gì về nguồn cung.
11 trên 14 thương hiệu giấy vệ sinh lớn của Australia là nội địa. Các thương hiệu như Quilton, Kleenex và Sorbent được sản xuất tại các nhà máy trên khắp đất nước. Nguyên liệu sản xuất đến từ địa phương hoặc nhà cung cấp ở nước ngoài như Brazil hoặc các nước Scandinavi.
"Giấy vệ sinh Kleenex cho Australia và New Zealand được sản xuất tại nhà máy của chúng tôi ở phía Nam. Vì vậy, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, chúng tôi có đủ nguồn cung. Chúng tôi đang làm việc với khách hàng của mình để bổ sung hàng cho siêu thị nhanh hơn", Kimberley-Clark, Đại diện Kleenex nói.
Solaris Paper, công ty sản xuất các nhãn hiệu giấy vệ sinh như Sorbent, cũng cho biết sẽ không thể thiếu giấy vệ sinh. "Hầu hết giấy vệ sinh của Australia được sản xuất tại Nam Australia và nếu không phải là để tích trữ, chúng ta sẽ không gặp vấn đề gì". Đó là thông điệp từ Tiến sĩ Bowden.
Theo vnexpress