Việt Nam nhập khẩu rác từ Nhật nhiều nhất
Cập nhật lúc 18:04, Thứ ba, 23/04/2019 (GMT+7)
Nhật Bản đứng đầu bảng các nước xuất khẩu rác sang Việt Nam trong năm 2018, xếp trên Mỹ và Hàn Quốc. Việc Trung Quốc nói không với rác nhập khẩu đã khiến rác các nước giàu tràn xuống Đông Nam Á.
Rác nhựa nhập khẩu đủ loại tại một điểm tập kết ở Malaysia - Ảnh: GAIA
Thái Lan cũng xuất rác sang Việt Nam
Báo cáo được công bố ngày 23-4 của Liên minh toàn cầu cho các phương án thay thế đốt rác (GAIA) và tổ chức Greenpeace Đông Á cho thấy bức tranh toàn cảnh thị trường xuất nhập khẩu rác châu Á sau động thái của Trung Quốc.
Nhập khẩu rác thải nhựa của Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đã tăng trong giai đoạn từ giữa 2017 đến đầu 2018, thời điểm lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc sắp sửa có hiệu lực.
Dữ liệu của Greenpeace cho thấy đỉnh điểm nhập khẩu rác của Việt Nam rơi vào tháng 11-2017 Việt Nam, với hơn 100.000 tấn rác mỗi tháng nhưng đã giảm xuống khoảng 16.000 tấn/tháng cuối năm ngoái.
Tính đến tháng 12-2018, rác nhập vào Việt Nam vẫn đến từ Nhật Bản, kế đến là Mỹ, Đức, Anh, Hàn Quốc. Thái Lan thậm chí cũng góp mặt trong danh sách các nước xuất rác sang Việt Nam.
Greenpeace ghi nhận các biện pháp cấm nhập khẩu rác tạm thời của Việt Nam đã góp phần vào việc giảm số lượng.
Bắc Kinh 'đóng cửa' với rác
Theo hãng thông tấn AFP, với phần lớn dân số có thể nói tiếng Hoa, Malaysia trở thành địa điểm thay thế cho Trung Quốc đại lục khi Bắc Kinh đóng cửa trước dòng rác chảy từ các nước giàu.
Số lượng rác nhập vào Malaysia đã tăng gấp 3 lần từ từ năm 2016, lên mức 860.000 tấn vào năm ngoái, cá biệt có tháng lên tới 110.000 tấn.
Việc rác ào ạt chảy vào các nước Đông Nam Á trong lúc cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp dẫn tới hệ lụy là các nhà máy xử lý rác thải không đủ chuẩn, thậm chí hoạt động trái phép mọc lên như nấm ở Malaysia.
Tại Jenjarom, một khu vực gần thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, phóng viên AFP mô tả cảnh các nhà máy như những con quái vật ngày đêm nhả khói ra môi trường.
"Với các nước giàu, họ nghĩ vậy là tốt vì đống rác của họ được xử lý. Thực tế, đống rác đó được tống sang những nước không thể xử lý được chúng", Beau Baconguis - một nhà vận động hạn chế rác thải nhựa của GAIA, nói với hãng tin Reuters.
"Quốc gia này cấm thì rác nhựa lại chạy sang nước chưa cấm. Nước đó cấm thì rác lại chạy sang nước khác nữa. Cứ như thế thì chẳng hiệu quả gì hết", Kate Lin, một nhà hoạt động môi trường khác thuộc Greenpeace lập luận.
Theo Tuổi Trẻ