Dù đã kết hôn từ năm 2010, Yvonne Neo, một phụ nữ nội trợ 38 tuổi, cùng chồng là giáo viên lịch sử Mohamed Shahrom Mohamed Taha (42 tuổi) vẫn khó tránh khỏi ánh mắt kỳ thị của người đi đường.
Một lần, 2 người đàn ông Trung Quốc đi cùng thang máy với cặp vợ chồng đã quay sang hỏi Yvonne rằng chẳng lẽ nam giới gốc Hoa không “đủ tốt” với cô hay sao.
Phát thanh viên Divian Nair, con lai mang hai dòng máu Ấn Độ - Trung Quốc, tại đám cưới của anh với vợ là người gốc Hoa. Ảnh: Divian Nair.
Nhớ lại thuở hai người còn hẹn hò, trong lúc đang dạo bước với chồng trên đường Orchard (Singapore), Yvonne bất ngờ gặp một phụ nữ lạ mặt trừng mắt nhìn cô.
“Thế là một người đàn ông Malaysia nữa bị cướp đi”, người đó lẩm bẩm.
Mặc dù hôn nhân đa sắc tộc ngày càng trở nên phổ biến ở Singapore, các cặp vợ chồng này vẫn thường phải nhận những bình luận thiếu tế nhị hoặc xúc phạm chủng tộc của mình trong cuộc sống hàng ngày, theo The Sunday Times.
Vấn đề nhức nhối
Phân biệt chủng tộc là một vấn đề nhức nhối trong xã hội Singapore. Đầu tháng 6, Tan Boon Lee (60 tuổi), giảng viên cao cấp của ĐH Bách khoa Ngee Ann, bị cảnh sát điều tra do có những lời lẽ xúc phạm đối với một cặp khác sắc tộc.
Nạn nhân là Dave Parkash (26 tuổi), nam thanh niên mang nửa dòng máu Ấn Độ, nửa Philippines và Jacqueline Ho (27 tuổi), cô gái Singapore gốc Hoa mang nửa dòng máu Thái Lan.
Ông Lee (trái) có lời lẽ xúc phạm đối với Dave dù không quen biết. Ảnh: Dave Parkash.
Cụ thể, ông Tan gọi Dave là “kẻ săn gái Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh rằng phụ nữ gốc Hoa không nên qua lại với đàn ông Ấn Độ, “chỉ nên hẹn hò với những người thuộc chủng tộc của mình”.
Khi được hỏi sẽ làm gì nếu ở trong vị trí của cặp Dave - Jacqueline, Lee-Verghese (34 tuổi) cùng chồng là chuyên gia phân tích ngân hàng người Ấn Độ Leon Lee-Verghese (43 tuổi) cho biết họ cũng sẽ giữ bình tĩnh và không phản ứng quá khích.
Bản thân hai vợ chồng cũng chẳng lạ gì với những vụ việc như trên hoặc cái nhìn không mấy thiện cảm từ người qua đường trong cuộc sống hàng ngày.
Năm 2019, khi đang dùng bữa tại nhà hàng, một người phụ nữ lạ mặt đã đưa ra nhiều bình luận khiếm nhã bằng tiếng Quan Thoại về ông Leon, khiến cặp vợ chồng không khỏi bực mình và tổn thương.
“Hôm ấy, chồng tôi không muốn làm ầm lên. Nhưng thực sự chẳng công bằng chút nào khi chúng tôi luôn phải là người nín nhịn, tha thứ cho họ, đặc biệt đối với những người gièm pha chúng tôi”, cô nói với The Sunday Times.
Cô dâu Pathma xuất thân từ gia đình Ấn Độ và chú rể Jun là người Singapore gốc Trung Quốc. Ảnh: Pathma Gurusamy.
Mở lòng xóa bỏ định kiến
Các cặp vợ chồng đa chủng tộc cho biết những nhận thức tiêu cực của mọi người thường xuất phát từ quan niệm sai lầm, cũng như định kiến về chủng tộc.
Tanya (28 tuổi) quen chồng mình do làm chung công ty. Anh hơn cô 13 tuổi, là người Armenia và làm trong lĩnh vực viễn thông. Họ kết hôn năm 2019.
Ngày còn hẹn hò, một phụ nữ lớn tuổi ở trung tâm bán hàng rong từng “khuyên” Tanya rằng cô không nên qua lại với bạn trai người da trắng vì họ là những kẻ ăn chơi và thường lừa dối phụ nữ.
Bà cũng thắc mắc tại sao một cô gái gốc Hoa như Tanya lại không kiếm một tấm chồng người Trung Quốc.
Ngay cả gia đình Tanya cũng có vướng bận trong lòng khi cô lấy chồng người ngoại quốc. Do đó, sau khi kết hôn, vợ chồng Tanya đưa bố mẹ sang Armenia vừa để du lịch, vừa giúp họ hiểu biết hơn về văn hóa nước này.
Chồng của Tanya, một người nói được một chút tiếng Quan thoại và là fan cuồng nhiệt của các bộ phim truyền hình Trung Quốc, rất cởi mở về văn hóa và phong tục tập quán ở quê hương anh. Điều đó giúp bố mẹ Tanya hiểu rõ hơn về con rể mình, gạt bớt nỗi lo trong lòng.
Cặp vợ chồng Ahmad và Ho nỗ lực để con gái tiếp xúc đầy đủ cả hai nền văn hóa Malaysia - Trung Quốc. Ảnh: The Love Co Studio.
Theo nhà xã hội học Paulin Straughan từ Đại học Quản lý Singapore, không ít người phản đối hôn nhân đa chủng tộc vì có quan điểm rằng nó sẽ “làm loãng” bản chất của một con người.
Tuy nhiên, giữ khăng khăng quan điểm đó ở đảo quốc sư tử là không hợp lý. Vốn dĩ, Singapore là một xã hội nhập cư, nơi đan xen các nền văn hóa với nhau trong bối cảnh hàng ngày.
Ngoài ra, các gia đình đa chủng tộc nên cảm thấy thoải mái hơn khi trở thành mô hình tiên phong cho sự hòa nhập. Suy cho cùng, con cái, cháu chắt của họ sẽ được lợi nhiều hơn là mất khi lớn lên trong các hộ gia đình đa dạng văn hóa, nhà xã hội học nói thêm.
Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng đa chủng tộc cho biết họ đang nỗ lực để đảm bảo rằng con cái của họ có thể hiểu, nắm bắt mọi khía cạnh danh tính của chúng.
Chẳng hạn, đối với giám đốc kiểm toán công nghệ thông tin cấp cao người Malaysia Nur Ashikin Ahmad (32 tuổi) và vợ là công chức gốc Hoa Fok Yan Ho (32 tuổi), họ luôn chủ động sắp xếp để con gái 3 tuổi Aisha dành đủ thời gian 2 bên nội ngoại.
“Có thể tới một thời điểm nào đó, Aisha sẽ tự hỏi liệu mình là người Malaysia hay Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng rằng lúc ấy, điều đó cũng không thực sự quan trọng tới con bé”, Ho nói với The Sunday Times.
Theo Zing