Ảnh: Medium
Giờ đây, hãng này đang đặt cược vào chiến dịch 90 ngày nâng cao bảo mật với tham vọng hồi sinh từ thất bại của chính mình.
Khi các doanh nghiệp, trường học và tổ chức bị buộc phải nhanh chóng chuyển hoạt động lên môi trường trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19, họ tìm đến các công cụ để giúp việc chuyển đổi trở nên dễ dàng hơn.
Đó là thời điểm gần như mọi người đều dùng hoặc ít nhất có biết đến Zoom: giáo viên tìm đến Zoom để dạy học trực tuyến, người đi làm dùng Zoom để họp từ xa, và bạn bè hẹn gặp nhau trên Zoom thay cho những buổi la cà hàng quán vì lệnh giãn cách xã hội.
Eric Yuan, CEO của Zoom
Khi thiết kế sản phẩm này, chúng tôi không lường trước được rằng chỉ trong vài tuần, mọi người dân trên thế giới đột nhiên bị buộc phải làm việc, học tập, và duy trì các tương tác xã hội từ nhà của mình. Eric Yuan viết trong bài blog đăng ngày 1-4. |
Từ đỉnh cao
Năm 2011, kỹ sư phần mềm người Mỹ gốc Hoa Eric Yuan mang ý tưởng về một nền tảng họp video thân thiện với điện thoại thông minh trình bày trước ban lãnh đạo Công ty Cisco, nơi ông giữ chức phó chủ tịch phụ trách công nghệ. Khi ý tưởng bị gạt đi, Eric chấp nhận rời công việc với mức lương hàng trăm nghìn USD mỗi năm tại Cisco để thành lập Zoom cùng với một nhóm kỹ sư từ công ty cũ vì ông cảm thấy "không còn hạnh phúc", theo CNBC.
Khi Zoom ra đời tại thành phố San Jose, California (Hoa Kỳ), thị trường sản phẩm cung cấp giải pháp họp hành trực tuyến đã khá đông đúc và được thống trị bởi các ông lớn công nghệ như Cisco, Google và Skype (được Microsoft mua lại với giá 8,5 tỉ USD vào năm 2011).
Hai năm sau khi thành lập, Zoom tung sản phẩm chính thức đầu tiên và trở thành cái tên mới nổi trong giới doanh nghiệp với hơn 3.500 khách hàng doanh nghiệp sử dụng phần mềm của Zoom trong 5 tháng sau khi ra mắt. Năm 2015, con số này đã tăng nhanh lên mức 65.000 doanh nghiệp với hơn 40 triệu lượt người tham gia các cuộc họp trực tuyến trong năm.
Theo Eric, phần lớn sự phát triển của Zoom trong giai đoạn này là tăng trưởng dựa vào truyền miệng là chính. "Chúng tôi thậm chí còn không có đội ngũ marketing cho mãi đến năm 2015" - ông nói với CNBC.
Sau màn IPO thành công vào tháng 4-2019, cái tên Zoom được nhắc đến nhiều hơn trên mặt báo, nhưng sản phẩm vẫn chỉ được sử dụng hạn chế trong một số doanh nghiệp. Đó chưa phải là cái đích mà Eric hướng đến khi dứt áo ra đi khỏi Cisco: anh muốn Zoom phải trở thành cái tên người ta nghĩ đến đầu tiên khi cần họp trực tuyến.
"Có đến 1 tỉ người làm việc tại các công sở trên toàn thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là kết nối tất cả 1 tỉ người này thông qua nền tảng của Zoom. Nhìn vào vị thế của mình hiện tại, tôi nghĩ chúng tôi chỉ vừa mới bắt đầu, theo đúng nghĩa đen" - Eric trả lời phỏng vấn CNBC vào tháng 8-2019.
Có lẽ chính Eric cũng không ngờ số phận của Zoom lại thay đổi chóng mặt vì sự xuất hiện của virus corona chủng mới. Cuối năm 2019, Zoom có 10 triệu lượt người tham gia các phiên họp trực tuyến mỗi ngày. Chỉ 3 tháng sau, khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, con số này đã tăng gấp 20 lần, lên mức 200 triệu, theo tạp chí TIME.
Giữa lúc hơn 1/3 dân số thế giới chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội trong đại dịch, Zoom hào phóng tuyên bố bỏ giới hạn 40 phút mỗi cuộc gọi đối với người dùng miễn phí tại Trung Quốc đại lục từ tháng 2, sau đó lần lượt mở rộng chính sách này cho các trường học bị đóng cửa vì COVID-19 ở nhiều nơi như Mỹ, Anh, Đức, Canada, Úc... từ tháng 3.
Zoom trở thành phần mềm được ưa chuộng hàng đầu cho các kế hoạch giảng dạy trực tuyến thay thế tại nhiều trường học trên thế giới, đến nỗi nhiều sinh viên đùa rằng họ sẽ trở thành thế hệ đầu tiên tốt nghiệp từ "Đại học Zoom".
Zoom trở thành một động từ thay thế cho "họp trực tuyến", cũng giống như google từ lâu đã là một động từ mang nghĩa "tìm kiếm một thông tin trên Internet".
Đến vấp ngã
Sự phát triển thần tốc của Zoom là niềm mơ ước của nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ. Nhưng thành công chẳng mấy khi đến quá dễ dàng. Đi kèm sự nổi tiếng sau một đêm là cái nhìn dò xét của các chuyên gia bảo mật và sự dòm ngó của những người muốn lợi dụng Zoom cho mục đích xấu.
Đầu tháng 4, một báo cáo của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho thấy có nhiều vụ tin tặc tấn công được phát hiện trên nền tảng của Zoom. Trong một trường hợp cụ thể, các tin tặc đã xâm nhập vào được một lớp học trực tuyến đang diễn ra, truyền bá các thông điệp thù hận và công bố địa chỉ nhà riêng của giáo viên đứng lớp cho các học viên. Những vụ việc tương tự được đặt tên là zoom-bombing, ám chỉ các trường hợp người tham dự "không mời mà đến". Một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng hơn cho phép các tin tặc chiếm quyền sử dụng webcam và micro của nạn nhân để trình chiếu các nội dung phản cảm, theo TIME.
Chính sách lỏng lẻo về quyền riêng tư cũng là một trong những điểm khiến Zoom hứng chịu nhiều chỉ trích. Nhiều điều khoản trong chính sách về quyền riêng tư của Zoom dường như cho phép nền tảng này chia sẻ dữ liệu người dùng cho bên thứ 3.
Một bài phân tích của Motherboard ngày 26-3 cho thấy ứng dụng Zoom gửi thông tin bao gồm thời gian người dùng mở app, múi giờ, thành phố, và thông tin thiết bị về cho Facebook, ngay cả khi người dùng Zoom đó không hề có tài khoản trên mạng xã hội này. Đoạn mã lệnh thực thi tác vụ này được Zoom gỡ bỏ khỏi ứng dụng trong bản cập nhật chỉ ít ngày sau đó. Một tính năng tự động khai thác dữ liệu của Zoom còn cho phép người dùng truy cập đến trang cá nhân trên mạng xã hội LinkedIn của một thành viên khác trong cuộc họp mà chủ tài khoản không hề hay biết.
Zoom còn bị cáo buộc quảng cáo sai sự thật về tính năng mã hóa đầu - cuối các phiên họp trong các tài liệu chính thức. "Mã hóa đầu - cuối" (end-to-end encryption) là kỹ thuật mã hóa có độ bảo mật cao cho phép thông tin được mã hóa trong suốt quá trình truyền tin, và chỉ được giải mã bởi người nhận mà không có bên thứ 3 nào, kể cả Zoom, có thể can thiệp để "đọc lén" nội dung.
Trong phần trả lời trang The Intercept cuối tháng 3-2020, đại diện của Zoom thừa nhận việc sử dụng thuật ngữ này là gây nhầm lẫn và các phiên họp trên Zoom chỉ được bảo vệ bằng chuẩn mã hóa AES kém bảo mật hơn.
Giữa thông tin liên tục về lệnh cấm dùng Zoom tại các cơ quan công vụ ở Mỹ và một số nước châu Âu, CEO Eric Yuan thừa nhận những thiếu sót của công ty trong việc đáp ứng nhu cầu của số lượng người dùng quá lớn trong thời gian ngắn. Trong bài phỏng vấn với TIME đầu tháng 4-2020, vị CEO 50 tuổi giải thích Zoom được thiết kế ban đầu hướng đến khách hàng doanh nghiệp chứ không phải người dùng cá nhân, và vì vậy sự riêng tư không phải là mối quan tâm hàng đầu của đội ngũ phát triển.
Ảnh: Forbes
Tham vọng hồi sinh
Theo nhiều chuyên gia, Zoom đang có những động thái rất tích cực để khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Bước đi đầu tiên là tuyên bố kế hoạch 90 ngày tạm dừng ra mắt các tính năng mới để tập trung khắc phục các vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư, kể từ ngày 1-4-2020. Một phần quan trọng của chiến dịch là việc Zoom thuê Alex Stamos, cựu giám đốc an ninh của Facebook và là một chuyên gia về quyền riêng tư có tiếng trong giới, về làm cố vấn.
Cuối tháng 4, Zoom công bố "cột mốc quan trọng" trong kế hoạch 90 ngày với sự ra mắt của phiên bản Zoom 5.0 cùng các cải tiến mạnh mẽ về bảo mật, trong đó nâng cấp chuẩn mã hóa từ AES 128-bit lên AES 256-bit GCM với khả năng bảo mật và chống phá hoại tốt hơn. Mọi tính năng bảo mật của Zoom giờ đây có thể dễ dàng được tìm thấy tại biểu tượng Security trên thanh menu của cuộc họp, tạo sự tiện dụng cho người quản lý phiên họp.
Ngày 7-5, Zoom thông báo họ đã hoàn tất việc mua lại dịch vụ nhắn tin và chia sẻ tập tin bảo mật Keybase, thương vụ được dự báo sẽ giúp Zoom tăng tốc kế hoạch tích hợp mã hóa đầu - cuối vào các phiên họp trong thời gian sớm.
"Chúng tôi tin rằng công nghệ này sẽ cung cấp khả năng bảo mật tốt hơn so với các nền tảng nhắn tin hiện có, nhưng với chất lượng hình ảnh và quy mô đã khiến Zoom trở thành sự lựa chọn của hơn 300 triệu lượt người tham gia họp trực tuyến toàn cầu mỗi ngày" - Eric nhận xét.
Tính đến thời điểm này (giữa tháng 5), Zoom đã đi được 1/2 kế hoạch "phục hồi danh tiếng", song mọi thứ xem ra vẫn đầy khó khăn.
Thượng tuần tháng 5, ngành giáo dục thành phố New York (Mỹ) gỡ bỏ lệnh cấm các trường dùng Zoom để dạy trực tuyến sau khi hãng loan báo các biện pháp tăng cường bảo mật, theo báo Washington Post. Zoom hồ hởi trước tin vui từ New York, xem đó là sự ghi nhận quý giá cho khối lượng công việc đáng kể mà họ đã thực hiện trong kế hoạch 90 ngày tăng cường bảo mật và quyền riêng tư.
Thông cáo vui mừng còn chưa kịp ráo mực thì Zoom lại nhận tin xấu từ bên ngoài New York. Ngày 9-5, lễ tốt nghiệp trực tuyến tổ chức qua Zoom của Đại học Oklahoma đã bị zoom-bombing, với những kẻ phá hoại gửi các thông điệp phân biệt chủng tộc và bài Do Thái cho toàn bộ người đang "dự lễ". Trước đó, một buổi họp của Trường Brecksville-Broadview Heights School District ở bang Ohio cũng bị phá hoại khi nội dung khiêu dâm trẻ em được chiếu lên màn hình trong vài giây.
Trong thông cáo ngày 10-5, Zoom gọi vụ việc ở Oklahoma và Ohio là "thực sự tàn khốc và kinh khủng", cho biết đang xem xét các sự cố này để có hành động thích hợp. Nền tảng này cũng tuyên bố đã cập nhật một số tính năng để bảo vệ người dùng. Một nửa chặng đường thực hiện kế hoạch "tăng cường bảo mật" đã qua mà lời cam kết nghe sao thật quen.
Ngày 23-3, giá cổ phiếu của Zoom đạt đỉnh ở mức gần 160 USD/cổ phần, tăng hơn 132% tính từ đầu năm giữa lúc thị trường chứng khoán lao đao. Theo Công ty nghiên cứu thị trường SensorTower, số lượng người dùng cài đặt lần đầu ứng dụng di động của Zoom đã tăng vọt 728% chỉ trong tháng 3-2020. Ứng dụng đạt 3,2 triệu lượt tải về vào tuần cuối tháng 3, theo Priori Data, vượt mặt hàng loạt ứng dụng đình đám khác như TikTok, Facebook, Hangouts Meet và Microsoft Teams để đứng đầu về số lượt tải về trên cả 2 kho ứng dụng Google Play và App Store tại Mỹ. |
Zoom không phải là một nền tảng miễn phí mà có bán các gói thuê bao khác nhau, tùy đối tượng sử dụng là Pro (đội nhóm nhỏ), Business (doanh nghiệp nhỏ và vừa), và Enterprise (tập đoàn lớn). Với gói miễn phí, người dùng có thể tổ chức họp với 100 người tham gia nhưng thời lượng bị giới hạn trong 40 phút. Gói Pro có giá 14,99 USD/tháng/tài khoản host, còn Business và Enterprise cùng có giá 19,99 USD/tháng. Zoom cũng có gói dành riêng cho cơ sở giáo dục với phí thường niên là 1.800 USD/20 tài khoản host, cũng như gói dành cho cơ sở chăm sóc y tế 200 USD/tháng/tài khoản, với mỗi tài khoản có 10 host. |
Tại Việt Nam, Zoom từng đứng đầu danh sách ứng dụng được tải về trên cả hệ điều hành Android và iOS vào giữa tháng 3. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng nhanh chóng chuyển sang họp trực tuyến bằng Zoom và một số trường hợp dùng ứng dụng này để dạy trực tuyến, tuy sau đó phải dừng vì Zoom dính bê bối bảo mật thông tin. Anh Nguyễn - làm việc tại một công ty truyền thông ở TP.HCM - chia sẻ trải nghiệm với Zoom: "Công ty tôi chuyển sang họp bằng Zoom ngay ngày đầu tiên tất cả phải làm việc từ nhà. Vì không thuộc đối tượng được Zoom miễn phí nên công ty phải mua gói tính phí để đảm bảo hiệu quả công việc vốn phải họp nhiều cuộc trong ngày và nhiều người tham dự. Tôi cảm thấy tất cả mọi người đều không ai bỡ ngỡ gì vì ứng dụng rất dễ sử dụng và tiện lợi. Chuyện bảo mật tôi cũng có nghe, nhưng trong suốt 3 tuần công ty dùng Zoom không xảy ra sự cố gì. Hiện tại mọi người đã đi làm lại nhưng thi thoảng vẫn dùng Zoom vì các đối tác ở nước ngoài có người vẫn còn giãn cách xã hội". |
Theo congnghe.tuoitre