Tôi cứ nghĩ, bố cũng như chúng tôi, sẽ đau lòng, nhớ nhung mẹ lắm. Nhưng chẳng hiểu thế nào, mẹ tôi mới mất vài tháng, bố đã rục rịch đòi lấy vợ hai. Nhìn bố diện quần tây, áo sơ mi, lại còn đóng thùng rất oách. Mái tóc muối tiêu vuốt keo bóng mượt, mùi nước hoa thoang thoảng thơm tho. Thêm cả sự quan tâm với phụ nữ mà trước đây đối với mẹ chưa bao giờ có được. Tôi bỗng thấy bực, cảm thấy như bố đang phản bội lại mẹ mình. Từ đó, tôi bất mãn rồi ngày càng ít về thăm hay gọi điện hỏi han bố.
Một hôm, bố gọi cả ba đứa, kêu chúng tôi về họp gia đình. Tôi giật nảy khi bố tuyên bố lấy cô Hoàng. Cô Hoàng chẳng phải ai xa lạ, cũng sống ngay trong tổ dân phố. Tôi còn nhớ trước đây gia đình cô ấy rất khá. Nhưng sau chồng cô ốm yếu, không đi làm. Mẹ con cô Hoàng hơi lười, lại quen thói ăn hoang cho nên hoàn cảnh cũng từ từ đi xuống. Mấy năm sau, chồng cô Hoàng mất, khó khăn càng nhiều hơn. Nghe đâu mấy mẹ con phải cắt đất quanh nhà bán.
Nghĩ đến đó, tôi lại nhớ mẹ suốt một đời tảo tần, chắt chiu vì chồng con, không dám ăn ngon, mặc đẹp. Lại nhớ ra, ngày mẹ còn sống, mấy bận tôi gặp cô Hoàng đến nhà chơi. Khi thì hỏi vay tiền, khi nhờ mẹ giúp đỡ. Mẹ cũng chưa bao giờ từ chối cô ấy, luôn tận tâm, xem cô như bạn bè. Vậy mà giờ mẹ tôi vừa nằm xuống, cô ta đã định chen chân, thay vị trí của bà.
Tôi quay sang nhìn hai đứa em, nét mặt bọn chúng cũng không vui vẻ gì. Gần như ngay lập tức, tôi quyết định “kiên quyết phản đối mối quan hệ này!”. Tôi bắt đầu nói ra những lời nặng nề, vừa chỉ trích, vừa vạch trần đối tượng kết hôn của bố. Rằng cô Hoàng chẳng phải người tử tế. Ngoài thích trưng diện, ăn ngon mặc đẹp thì chẳng được nết gì.
Hiển nhiên là bố tôi giật mình, ông đập bàn tức đến run rẩy. Nhưng đã nói đến mức ấy thì tôi cũng không tính nhượng bộ. Tôi thực sự giận bố, trách ông bội bạc. Tôi cố tình nói: “Bố già rồi, sắp 70. Nếu cố lấy vợ về, thì liệu bố sống với người ta được bao lâu nữa? Trên đời này không có ai giống mẹ. Bố lấy người khác sau này xảy ra tranh chấp lục đục chỉ làm mất mặt bọn con”.
Những lời lẽ cay nghiệt của tôi làm cho bố ngây người. Tôi cứ tưởng rằng với tính nóng nảy ông sẽ cho tôi một cái tát. Nhưng bố chỉ ngồi yên lặng, nét mặt khắc khổ, những nếp nhăn trĩu xuống nặng nề. Thật lâu sau bố mới xua tay, bảo chúng tôi: “Về đi. Bố không lấy vợ nữa!”.
Cuối cùng, tất cả cũng yên bình trở lại. Quả thật, bố tôi không bao giờ còn nhắc tới chuyện lập gia đình. Nhưng rồi chúng tôi cũng rất nhanh phát hiện, bố xuống sắc dần. Từ một người đàn ông phong độ, bố trở nên hom hem. Những bộ quần áo trên người ông không còn phẳng phiu như trước mà nhăn nhúm, cáu bẩn. Mặc dù cuối tuần nào chúng tôi cũng trở về giặt giũ, dọn dẹp nhưng vẫn không ổn. Bố tôi có dấu hiệu không làm chủ được sinh hoạt của mình.
Bác sỹ nói bố mắc chứng Alzeimer. Chúng tôi vội vã đón bố về nhà chăm sóc. Nhưng mặc kệ, bệnh tình của bố ngày càng nặng. Bố bắt đầu quên các cháu, các con và quên mất chính mình. Có hôm, đang ngủ trưa, ông bật dậy gọi “Cháu ơi, mở tủ lấy giúp bộ quần áo đẹp, ông đi hỏi vợ.” Con gái tôi cười trêu: “Ông ơi, ông lấy vợ làm gì?”; “Lấy vợ để nấu cơm, nói chuyện như là bà cháu ấy”.
Rồi như sực nhớ ra điều gì, ông lại cuống cuồng “Chết, 12 giờ muộn rồi. Bố phải về thôi kẻo mẹ mày ở nhà nấu cơm xong lại đợi”. Nói rồi ông lập cập đi ra cửa, dép không kịp xỏ, gậy cũng không kịp cầm.
Có lần chúng tôi quên khóa cổng ngoài, bố tự mở cửa đi mất làm cả nhà hoảng hốt. Lúc chúng tôi tìm thấy bố, ông đang loạng quạng giữa ngã ba đường đầy xe cộ. Nhìn thấy tôi, ánh mắt đục ngàu của ông cụ sáng lên. Ông níu chặt tay tôi, mừng rỡ nài nỉ: “Chị ơi, chị làm phúc, dắt tôi về với. Tôi quên mất đường về nhà rồi. Vợ tôi là bà...”.
Điều kỳ lạ là dù bố không nhớ được chúng tôi, cũng không nhớ được mình là ai nhưng lại vẫn nhớ rõ ràng từng kỷ niệm về mẹ. Trong trí tưởng tượng của bố, dường như mẹ tôi vẫn còn sống vậy, đang ngồi bên mâm cơm nóng hổi đợi ông về.
Bỗng tôi nhận ra việc mình trách cứ bố lúc trước thật buồn cười và ấu trĩ. Thực ra bố chưa bao giờ phản bội mẹ, chỉ là nhớ vợ theo một cách khác.