Cô vợ ấy là một người phụ nữ chân quê vô cùng chất phác, thật thà. Họ có một đứa con lên 3 tuổi. Chồng cô đi làm ở thành phố, anh thuê nhà trọ ở. Cô sống cùng cha mẹ chồng ở quê, lâu lâu họ mới gặp nhau một lần.
Thời gian đầu họ khá hạnh phúc, mỗi lần chồng về thăm, cô ríu rít vui như Tết. Về sau, cô thấy mặt chồng cứ nặng như chì mỗi khi về chơi. Anh bắt đầu nói ra giọng chê cô quê mùa, ăn ở mất vệ sinh, thậm chí anh còn bóng gió nói đến chuyện cô không biết cách sinh hoạt vợ chồng. Cô sốc, buồn bã, xấu hổ, khóc lóc bù lu bù loa, lên án anh phụ bạc người vợ quê mùa khi đã bén hơi lối sống tỉnh thành. Và, thật bất ngờ, khi tìm hiểu, cô mới biết chồng đã ngoại tình. Cô gái kia là dân phố thị. Trong cơn hốt hoảng, tuyệt vọng, cô gọi điện đến cho Thanh Tâm.
Nghe giọng nói cay độc, chao chát của cô, Thanh Tâm góp ý. Dù chồng có sai lầm, có lỗi với vợ con, nhưng, nếu cứ về đến nhà mà nghe thấy cách nói năng của vợ như thế thì anh không thể không nản lòng. Thanh Tâm bày cho cô sửa từ lời ăn tiếng nói sao cho dễ nghe, đến chuyện ăn mặc sao cho dễ nhìn, từ chuyện vệ sinh thân thể sao cho sạch sẽ, thơm tho, đến cách cư xử sao cho dễ thương, hấp dẫn chồng. Ngay cả với những người thân trong nhà, cô cũng cần ý tứ, tình cảm, kiềm chế những cơn nóng giận của mình để mọi người đều thấy dễ chịu, yêu mến cô thì mới sẵn lòng làm “đồng minh” của cô.
Mấy tháng sau, cô gái gọi điện lại cho Thanh Tâm, cô vui lắm vì nghe lời khuyên của Thanh Tâm, vợ chồng, gia đình cô đã tìm được tiếng nói chung. Bố mẹ chồng thu xếp cho mẹ con cô lên thành phố sống cùng chồng để ngăn ngừa thói trăng hoa của anh.
Nhưng, lần này lại có chuyện khác nảy sinh. Do từ quê lên, chưa quen cuộc sống thành phố nên cô buồn, hay la cà sang mấy nhà hàng xóm chơi. Vậy mà chồng cô cũng không bằng lòng. Anh không muốn cho cô trò chuyện (thậm chí là nói chuyện qua điện thoại) với họ. Thanh Tâm lại thăm dò xem cô hay “buôn” những chuyện gì với mấy bà hàng xóm, vì chồng cô là người có tật giật mình, anh ta sợ mấy bà ngồi “buôn” với nhau là hay nói xấu chồng. Cô vợ thừa nhận ngay: “Đúng là tại em vụng quá chị ạ. Chuyện nhà, chuyện chồng thế nào em đem kể hết cho họ. Rồi họ chê bai chồng em thế nào em cũng về kể hết với anh ấy...”. Đương nhiên, khi nghe được những lời đó, ai mà không khó chịu, bực mình.
Nếu vợ kể những chuyện tốt đẹp thì chắn chắn người chồng sẽ không lo lắng khi vợ “buôn” với hàng xóm nữa. Ảnh minh họa
Thanh Tâm lại phải mách nước cho cô rằng: Không nên vì thế mà cắt đứt quan hệ xóm giềng. Nhưng tuyệt nhiên không được đem chuyện nhà, nhất là những chuyện không bằng lòng về chồng kể “tông tốc” cho họ nghe nữa. Hãy chú ý cách sắp xếp gia đình của họ, hãy học họ nấu những món ăn ngon, cách khâu vá thông thường... Nếu có kể cho chồng nghe thì cũng nên kể những chuyện tốt đẹp, những điều hay ho ở họ. Chắc chắn chồng cô sẽ rất vui và không còn lo lắng mỗi khi thấy vợ mình “buôn” với hàng xóm nữa.
Bẵng đi mấy tháng, cô gái lại gọi cho Thanh Tâm. Lần này thì cô hoàn toàn vui vẻ. Chồng cô chấm dứt hẳn chuyện bồ bịch, anh vui vẻ với vợ con, mãn nguyện với cuộc sống gia đình. Cô đã thay đổi rất nhiều, đã đi học để mở cửa hàng may ở nhà, đã “hiện đại” như những người phụ nữ thành phố. Cô biết nấu ăn ngon, biết dạy con cái ngoan ngoãn, biết chăm con khỏe mạnh. Đặc biệt, cô ăn nói dịu dàng, dễ nghe hẳn lên, không còn thấy giọng điệu cộc cỡn, đanh đá ngày nào. “Hóa ra, ăn, nói cũng phải học, chị nhỉ?”. Cô cười vui. Thanh Tâm cũng rất vui.
Thanh Tâm – Báo Phụ nữ Việt Nam
(1900599933)