Con dâu chưa khi nào cãi hỗn với ông bà, cô vẫn mềm mỏng nhẹ nhàng, vẫn quan tâm chu đáo, cả với chồng nữa. Nhưng dường như những gì cô muốn làm thì không có thay đổi, dù người “cao nhất” trong nhà là bà có can thiệp vào.

Sau ngày cưới vợ về được 2 tuần, thấy con trai mang quần áo của cả nhà đi giặt, bà không tin nổi vào mắt mình. Biết đây đích thị là chủ ý của con dâu, bà giận lắm. Bà giành chậu quần áo từ tay con trai mang đi giặt như cách cảnh cáo con dâu từ sau đừng có mà sai chồng làm những việc như thế. Ai dè tối hôm sau, con trai bà lại lụi cụi ngồi giặt quần áo cho cả nhà. Thấy mẹ, anh cười thật tươi: “Mẹ yên tâm, cả ngày con làm việc trên máy tính, giờ dành ít thời gian làm việc chân tay cho thư giãn, đầu óc đỡ căng thẳng. Với lại việc nhà mà chỉ dồn cho một người làm thì quá vất vả”. Bà gắt gỏng với con trai như cố ý cho con dâu ở trong phòng nghe thấy: “Bao lâu nay toàn tôi làm việc nhà, sao không thấy anh thương mẹ vất vả?”.

Những gì con dâu muốn làm thì không thay đổi dù bà có can thiệp vào, điều đó khiến bà thường bứt dứt, khó chịu.
Ảnh minh họa: shutterstock

Vụ giận con dâu “sai” chồng giặt quần áo chưa nguôi thì vài hôm sau, buổi sáng đi tập thể dục với mấy bà bạn về bà lại thấy con trai đang hí húi trong bếp, bảo là sẽ nấu bữa sáng cho cả nhà vì con dâu đêm hôm qua phải thức đến 2 giờ sáng làm cho xong báo cáo… Rồi việc con trai bà thường xuyên vào bếp phụ giúp vợ làm cơm chiều, phải xoay trần ra lau chùi, dọn dẹp nhà cửa vào ngày nghỉ.

Bà kể như tố khổ với Thanh Tâm rằng con dâu đã hành hạ con trai bà. Bà nói bà đã vất vả vì chồng vì con mấy chục năm trời, giờ có con dâu bà nghĩ đã đến lúc trao lại việc tề gia nội trợ để được nghỉ ngơi, tại sao con dâu lại như thế? Tại sao các cô gái thời nay lại như thế? Không có được cái đức hy sinh vì chồng vì con như các mẹ ngày xưa?...

Câu chuyện của người mẹ ấy khiến Thanh Tâm nhớ lại rất nhiều tâm sự của các cô dâu trẻ than thở về những áp lực tâm lý mà họ gặp phải khi về nhà chồng. Có cô gái khóc kể với Thanh Tâm, mẹ chồng cô đã đùng đùng nổi giận đổ đi cả nồi canh hến nấu chua, không cho cả nhà ăn khi biết cô mua hến luộc sẵn từ siêu thị về chứ không tự làm. Cô nói công việc của cô có khi 6 giờ chiều vẫn chưa được về. Khi ấy mới lại ra chợ mua hến sống về làm theo yêu cầu của mẹ chồng thì làm sao nổi? Cô hỏi Thanh Tâm phải làm sao để những người như mẹ chồng cô hiểu được nỗi khổ vì áp lực công việc của con cái mà thông cảm cho đây?

Thanh Tâm kể lại chuyện này cho người mẹ đó nghe và cũng nói thêm, rồi thì nhất định con dâu bà cũng sẽ sử dụng mọi dịch vụ xã hội để tiết kiệm thời gian cho việc nội trợ giống như những phụ nữ hiện đại khác.

Bà im lặng một lúc như ngẫm nghĩ rồi kể, sau vài vụ việc xẩy ra trong nhà, thấy thái độ giận dỗi, căng thẳng của bà, vào một ngày nghỉ, con dâu đã chủ động mời bà đi gội đầu, đi massage mặt rồi đi uống cà phê. Ngồi trong quán, nghe những bài hát của Trịnh Công Sơn trữ tình và sâu lắng, lòng bà như dịu lại để nhớ về một thời thiếu nữ xa xăm. Khi ấy con dâu bà mới chủ động xin lỗi vì đã làm bà phải phiền lòng, lẽ ra mọi việc cô nên bàn với bà trước khi hành động. Cô nói rằng cô rất muốn làm một người con, một người vợ và một người mẹ tốt, nhưng cô vẫn phải là một người cán bộ tốt, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở cơ quan. Bởi đây mới là điều kiện quan trọng nhất để cô hoàn thành 3 vai trò kia trong gia đình. Nếu cô không có công việc tốt với thu nhập tốt thì cô cũng không giúp được nhiều cho bố mẹ, chồng con, cũng chẳng giúp gì được cho mình.

Cô cũng muốn có thời gian hưởng thụ về tinh thần cho riêng mình như những giây phút này chẳng hạn. Bởi thế ngoài việc phải sắp xếp thời gian cho thật khoa học, hiệu quả của bản thân, cô nhất định phải có được sự chia sẻ gánh nặng việc nhà của những người thân. Giờ bố mẹ đã già, cần được nghỉ ngơi. Vậy người chia sẻ việc nhà với cô phải là người chồng nên xin mẹ đừng nghĩ là cô hành chồng… Người mẹ nói khi ấy bà cũng thấy có lý nên ậm ừ cho qua, nhưng sao để chấp nhận thực tế bà thấy chướng tai gai mắt, bứt dứt, khó chịu đến thế?

Khi Thanh Tâm hỏi người mẹ, cả đời chị một mình gánh vác việc nhà như vậy không có sự chia sẻ của chồng con thì có quá vất vả không? Người mẹ khi ấy mới trần tình, rằng nhiều khi tủi thân đến phát khóc bởi lúc mình lăn ra ốm thì cả nhà lóng ngóng chẳng biết phải làm gì. Song khi khỏi rồi lại lăn ra như bống, nào có nghĩ gì đến bản thân mình! Thanh Tâm nói vậy thì tại sao lại không muốn cho thế hệ con cháu mình có sự thay đổi? Để từ nay người phụ nữ có được chất lượng cuộc sống hoàn toàn khác với bà mình, mẹ mình ngày xưa.

Thanh Tâm – Báo Phụ nữ Việt Nam

(1900599933)