leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Cô ấy 24 tuổi, làm trưởng nhóm ở một công ty truyền thông, phụ trách 12 nhân sự, chuyên thực hiện các kế hoạch truyền thông sản phẩm mới cho các nhãn hàng. Dù làm việc offline hay online thì cả nhóm vẫn luôn phối hợp ăn ý, 13 người luôn thống nhất, bọc lót cho nhau trong mọi công việc một cách trơn tru. Vậy mà ở nhà, cô gái độc lập, cá tính, năng động ấy lại mắc kẹt với một bà mẹ áp đặt.

Cô cho biết, công ty ở xa nhà nên việc di chuyển, dù là không trong giờ cao điểm vẫn rất mệt mỏi và tốn thời gian. Không hiểu do tay lái yếu thế nào mà cô hay bị ngã khi tự lái xe máy nên cô chuyển sang di chuyển bằng xe công nghệ. Để tranh thủ thời gian làm việc, cô thường phải dùng taxi nên tốn khoản tiền khá lớn. Vậy mà khi cô xin phép bố mẹ thuê nhà gần công ty thì mẹ cô nhất định không đồng ý. Lập luận của mẹ cũng không thuyết phục, rằng anh cô đã định cư ở nước ngoài, giờ ở nhà còn có 3 người thì phải sống chung với nhau. Cô không thể nào thay đổi được quyết định của mẹ nên mỗi tuần cô đều phải ngủ lại công ty 2-3 tối.

Ở cơ quan, mẹ cô là chánh văn phòng, phải lo hậu cần đủ mọi lĩnh vực. Nhưng ở nhà, làm gì cũng liên quan đến cô, từ đặt pizza đổi bữa đến tìm địa điểm du lịch của cả nhà. Có lần, cô đang đi chơi với bạn ở Lào Cai mà mẹ gọi điện thoại bảo đặt xe công nghệ cho mẹ. Cô cứ giới thiệu bạn trai với mẹ thì thế nào cũng hỏng. Thứ nhất là mẹ hay mời về nhà chơi, ăn cơm, mật độ dày hơn cả khả năng hai đứa sắp xếp hẹn hò với nhau. Còn các bình luận của mẹ về người ấy thì bắn vào mọi lĩnh vực, từ ngoại hình đến tính cách, khả năng phát triển tương lai, khiến cô luôn có cái nhìn dè chừng và quan sát theo hướng kiểm chứng những điều mẹ nói, khiến cảm xúc yêu thương bình thường cũng chạy mất.

Việc cô tiếp tục lựa chọn học tiếp như thế nào, mẹ cũng muốn phong toả mọi tính toán của cô. Cô nghĩ làm truyền thông rất cần kiến thức luật để thuận tiện trong việc thực hiện hợp đồng, xử lý khủng hoảng. Nhưng vừa biết ý định đó của cô, mẹ đã tìm đủ mọi lập luận để bắt cô chuyển hướng sang học những kỹ năng nghề trước…

Câu chuyện của cô dường như là một hành trình dài con gái thực hiện những điều mẹ nghĩ. Thanh Tâm hiểu rằng, cô gái thông minh ấy thừa khả năng biết mình cần làm gì. Nhưng có lẽ, cô đã không vượt qua được việc cần phải độc lập.

Ở nhiều gia đình, cha mẹ tập buông tay con dần nhưng ở nhà cô, chắc mọi việc ngược lại, cô cần tập buông tay mẹ dần dần. Việc kết nối mẹ và con gái là cần thiết nhưng cô hãy chuyển thành sự kết nối hưởng thụ. Ví dụ, đặt lịch gội đầu, massage để hai mẹ con cùng đi. Hay thỉnh thoảng cuối tuần rủ mẹ đi ngồi uống café, thưởng thức một món đồ uống mới… Mọi việc liên quan đến công việc, học hành, cô có thể chọn chia sẻ với mẹ khi đã triển khai thực hiện dự định của mình. Nếu cần mức độ thuyết phục hơn thì cô có thể đẩy hết về phía công ty, như công ty cử đi học, công ty yêu cầu cần thêm bằng về lĩnh vực này… Kể cả việc thuê nhà ở riêng, cô cũng có thể chủ động thực hiện, tăng dần các buổi ngủ lại cơ quan cho mẹ thấy, việc vắng mặt ở nhà của cô là điều bình thường. 

Thanh Tâm thấy cô cần có một chỗ ở ổn định, an toàn và tiện nghi hơn là vạ vật tại văn phòng. Thanh Tâm tin, người mẹ may mắn ấy sẽ dần chấp nhận con gái mình đã lớn và dần rời xa cuộc sống của mình.

Thanh Tâm