leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Người phụ nữ ấy gọi cho Thanh Tâm vào một buổi tối muộn. Chị goá chồng đã 4 năm. Hai con trai chị đều đã trưởng thành. Con trai lớn lấy vợ và có 1 cô con gái. Con trai thứ hai đã tốt nghiệp đại học, làm việc cho một công ty nước ngoài, thu nhập ổn định. Vậy mà trong lòng con lại có những băn khoăn chuyện anh được mẹ chăm lo quá nhiều. Chị bảo, đây chỉ là những chuyện chị tự lắp ghép, suy diễn chứ chưa bao giờ con thứ nói thẳng với mẹ. Nhưng chị cảm thấy buồn. Chị chỉ mong hai con mình luôn yêu thương, giúp đỡ nhau, không tính toán, so đo.

Hồi con trai lớn đi du học theo diện vừa học vừa làm, cũng có mấy lần trượt môn, chị phải gửi thêm tiền sang cho con nộp để học lại, thi lại. Sau này, con trai thứ học hệ chất lượng cao, học phí cũng không rẻ nhưng con đều qua môn nên lúc nào cũng nói "mình không phá tiền của mẹ như ai đó". Khi cháu tốt nghiệp ra trường, chuẩn bị hồ sơ để xin việc, cháu bảo: "Cứ như anh lại sướng, học xong đã có mẹ "xây" sẵn cho công ty để đi làm, lương cao luôn". Thực tế, con trai lớn đi học về cũng có việc làm ở một công ty nước ngoài nhưng vì muốn con cùng mẹ điều hành công ty nên chị đã thuyết phục con trở về. Chị cũng không vì là con của mình mà sắp xếp công việc quản lý ngay từ đầu mà con phải làm qua các vị trí, lương khởi điểm cũng rất thấp.

Sau khi chồng mất, chị cố gắng thực hiện tâm nguyện của anh là xây nhà ở một vị trí thuận tiện kinh doanh buôn bán để cho thuê, 3 mẹ con có thêm thu nhập. Giờ chị đã thực hiện được tâm nguyện của anh với căn nhà 6 tầng ở trung tâm thị trấn, thiết kế hiện đại, lại giữ được căn nhà cũ cho thuê lâu dài. Chị cho con dâu kinh doanh ở tầng 1 để tiện trông cháu. Trong một lần đưa mẹ đi giải quyết công chuyện, chạy qua nhà cũ, con trai thứ nửa đùa nửa thật bảo: "Sau này, hai đứa con phải tung đồng xu để xem đứa nào về ở nhà cũ mẹ nhỉ!".

Chị luôn ý thức công bằng trong chăm sóc 2 con trai nhưng thực tế không thể lúc nào cũng giống nhau chằn chặn được. Giờ mẹ còn sống, điều kiện gia đình cũng có của ăn của để mà trong ý nghĩ của con trai thứ cứ so sánh như thế này, không biết sau này mọi chuyện sẽ ra sao. Chị mong Thanh Tâm sẽ cùng chị tìm cách giải quyết sớm vấn đề này.

Thanh Tâm xin chia sẻ với những nỗ lực của chị sau khi chồng mất. Chị đã làm tròn cả vai của chồng để vun đắp gia đình, chăm lo cho tương lai của các con. Nghe tâm sự của chị mới thấy làm cha mẹ thật khó và có quá nhiều điều phải cân nhắc, tính toán, ngay cả những yêu thương, chăm sóc con cái. Thanh Tâm mong chị luôn nhớ, chị cũng như các bậc cha mẹ khác, lúc nào cũng muốn dành trọn vẹn yêu thương cho các con, trong ý nghĩ cũng không bao giờ muốn thiên vị con này rồi làm tổn thương đến con kia. Nhưng mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh sẽ có tác động, ảnh hưởng đến điều kiện, khả năng yêu thương, chăm sóc con của người mẹ. Và mỗi người con lại đón nhận sự yêu thương, chăm sóc ấy một cách khác nhau với kết quả khác nhau, tuỳ theo tính cách, khả năng của mỗi người con. Khi các con thấm nhuần điều này, tự khắc không còn so đo với nhau.

Chị từng phải cân nhắc trong việc định hướng học tập, nghề nghiệp cho con nhưng giờ các con đã trưởng thành, hãy kéo con cùng tham gia vào mọi việc gia đình cũng như nhắc nhở các con giúp đỡ, tương trợ nhau trong lúc khó khăn. Như thế sẽ không còn chỗ cho ý nghĩ so sánh của con hình thành. Và chị hãy đón nhận quãng thời gian nhàn nhã của cuộc đời mình. Yêu thương, chăm lo cho con không bao giờ là đủ nhưng đã đến lúc chị dành yêu thương, chăm lo cho mình một cách đầy đủ và thường xuyên rồi. Điều đó cũng dạy các con biết quan tâm, chăm sóc mẹ, biết quý sức khoẻ, niềm vui của mẹ, từ đó không làm điều gì khiến mẹ phải buồn, phải lo nghĩ.

Thanh Tâm