Bố mẹ hai bên đều ở quê xa, đôi vợ chồng trẻ lập nghiệp nơi tỉnh lỵ chỉ trông vào đồng lương ba cọc ba đồng với gian nhà cấp bốn người chồng được chia của khu tập thể tỉnh đoàn. Đứa con gái đầu lòng ra đời như thêm gánh nặng cũng như thêm thử thách đối với hai trái tim vàng trong “túp lều tranh”. Nhưng theo chị, đó vẫn là những tháng ngày vô cùng hạnh phúc, khi cả hai cảm nhận được tình yêu sâu sắc mà họ dành cho nhau. Đứa con trai của họ ra đời đúng vào năm đất nước bước sang thời kỳ “mở cửa”. Và khi nó mới tròn 9 tháng thì người chồng được cử sang Liên Xô (cũ) để học trường lý luận chính trị cao cấp. Nhìn cảnh nhà vợ con nheo nhóc, người chồng không đành lòng ra đi. Vì sự nghiệp của anh, vì tương lai lâu dài của cả nhà, đương nhiên là người vợ bằng mọi cách thuyết phục chồng lên đường. Với lại ngày đó, được đi ra nước ngoài học tập còn là cơ hội để cải thiện kinh tế gia đình bằng cách gửi về nước được một chút hàng hóa bán lấy lãi.
Hai năm đầu, tình yêu, hạnh phúc của họ vẫn tròn đầy dù xa xôi cách trở. Nhưng đến năm thứ ba, chị rất ít khi nhận được thư của anh gửi về, điện thoại lại càng hiếm, mà nếu có thì chỉ là vài câu hỏi thăm sức khỏe mẹ con qua loa, chiếu lệ. Linh cảm mách bảo chị có điều gì bất ổn. Rồi tin tức từ những người quen biết anh bên đó về cứ vô tình đến tai chị. Rằng chồng chị đã bị tiếng sét ái tình của một cô nữ sinh trường đại học Tổng hợp Lomonosov đánh gục.
Mặc kệ việc biết anh đã là bố của hai đứa con nhỏ, cô tiểu thư con nhà giầu có bố làm to ấy cứ chủ động tấn công anh và anh đã không chống đỡ nổi. Đương nhiên bạn bè vì thương tình đã che giấu cho anh với lãnh đạo lưu học sinh các cấp. Và họ hy vọng chỉ vài tháng nữa tốt nghiệp khóa học, anh trở về Việt Nam thì mọi chuyện sẽ chấm dứt. Người vợ đón chồng trở về với một trái tim tan nát. Nhiều đêm cả hai đều thao thức không sao ngủ được. Cuối cùng anh đã thú nhận hết với chị.
Chị kể với Thanh Tâm rằng chẳng hiểu sao khi đó chị không hề có cảm xúc ghen tuông, giận dữ, uất hận, mà chỉ thấy rã rời, chán nản, như bị mất phương hướng, như không còn một chút sức lực để sống tiếp. Chị đã nghĩ đến chia tay khi thấy lòng dửng dưng với chồng, không một chút cảm xúc, mặc cho anh cố hết sức để chứng tỏ tình yêu thương với vợ. Nhưng rồi thấy hai đứa trẻ mừng vui, quấn quýt với bố cả ngày, kể cả đứa con trai xa bố từ nhỏ cũng cảm nhận rõ tình máu mủ, lúc nào cũng quẩn quanh bên bố, chị lại không nỡ yêu cầu anh ký vào đơn ly hôn.
Bạn bè biết chuyện của họ, nín thở dõi theo mọi động tĩnh để rồi thở phào nhẹ nhõm khi cho rằng thế là “chiến tranh” không xảy ra. Họ có biết đâu rằng cuộc chiến thầm lặng ấy (chính xác là chỉ ở phía chị) vẫn âm ỉ và để lại di chứng cho đến tận ngày hôm nay. Ngày ấy, vẻ bề ngoài thì vợ chồng họ không có chuyện gì. Công việc của anh thuận lợi, còn chị với bằng cử nhân kinh tế đã xin ra ngoài làm cho công ty kinh doanh thương mại và rất thành đạt. Hai đứa con đều rất ngoan và học giỏi. Chỉ có điều tình cảm vợ chồng đã khổng thể trở lại như xưa.
Nhiều lúc chị cũng lo lắng nếu mình cứ tạo khoảng cách, thờ ơ, nhạt nhẽo với chồng thế này, rất có thể anh lại mắc sai lầm. Nhưng chị nói không sao cố được, không sao có được cảm xúc nồng nàn, thăng hoa khi vợ chồng gần gũi như ngày xưa. Chồng chị chắc cũng cảm nhận rõ điều đó ở vợ, nhưng vẫn nghĩ lỗi là do mình gây ra nên cũng nhẫn nhịn chịu đựng. Khi ấy chị đã thầm oán trách anh, rằng giá mà anh chối quách đi là anh chưa bao giờ phản bội chị, rằng đó chỉ là dư luận đơm đặt, thì tim chị đã không bị tổn thương đến thế này.
Khi nghe được những lời thành thật từ chồng chị bị tổn thương nơi con tim, khó bỏ qua.
Ảnh minh họa.
Chị cười buồn nói với Thanh Tâm, con người ta thật vô lý: Dù rất muốn vợ hay chồng mình thú nhận hết với mình để chứng tỏ rằng họ đã thành thật. Nhưng khi nghe được những lời thành thật rồi thì lại bị tổn thương nơi con tim, khó bỏ qua. Rồi những năm tháng khó khăn ấy cũng qua đi. Giờ thì họ đã có đứa cháu ngoại đầu tiên. Chị nói phải gọi điện đến cho Thanh Tâm là bởi giờ đây vợ chồng chị đều đã nghỉ hưu, tiền bạc thì dư dả nhưng về tinh thần, tình cảm vẫn không thể gắn kết hơn được. Chị nói thật xấu hổ nhưng cũng phải thú nhận chị đã khước từ sự gần gũi của chồng cả 5 năm nay rồi, mặc dù giờ ở tuổi 60 nhưng trông anh vẫn rất tráng kiện. Chị nói mặc kệ, anh muốn đi “giải quyết” ở đâu thì đi, chị cũng không quan tâm. Nhưng dường như chồng chị đã không làm thế.
Từ ngày có cháu ngoại, lấy cớ phải đi chăm cháu giúp con gái ở thành phố nên cả năm may ra chị chỉ ở nhà được 2 tháng. Chị nói rất sợ những ngày ở nhà đó vì vợ chồng họ không biết nói chuyện gì với nhau. Giờ đứa cháu ngoại đã gần 3 tuổi, đã cần đưa đi học mẫu giáo rồi nhưng chị cứ thuyết phục con gái con rể để cháu ở nhà cho chị chăm sóc. Con gái chị nhận biết được “vấn đề” của bố mẹ từ lâu. Có lúc cháu đã khóc nói rằng nó thương cả bố lẫn mẹ và mong bố mẹ cố gắng gắn kết với nhau, kẻo đến khi đứa em trai (cũng đang làm việc ở Hà Nội) sẽ lập gia đình, chỉ còn lại hai bố mẹ sống với nhau thì sẽ ra sao đây?
Người vợ hỏi Thanh Tâm chính câu hỏi mà con gái chị đã đặt ra cho chị. Vợ chồng chị sẽ sống nốt quãng đời còn lại ra sao khi con tim chị trở nên nguội lạnh từ rất lâu rồi? Một câu hỏi thật khó trả lời. Chính xác ra là người trong cuộc chắc sẽ khó mà làm được. Bếp lửa đã tàn làm sao nhen nhóm lại được đây?
Thanh Tâm – Báo Phụ nữ Việt Nam
(1900599933)