Ảnh minh họa

Cô gái đó lấy chồng mới được 3 năm, đã có 1 con gái. Hiện cô đã về ở nhà mình vì không chịu được cảnh khi nổi giận, chồng cô sẵn sàng bạt tai vợ cho bõ cơn tức tối. “Thật ra thì anh ấy đánh con không đau lắm nhưng con không thể chịu đựng được cách cư xử như vậy. Khi yêu thì nói yêu thương hết lòng giờ thì hơi tí lại đánh, đánh.

Lần đầu, sau khi đánh con anh ấy đã xin lỗi, thậm chí còn quỳ xuống xin lỗi nhưng chỉ ít ngày sau là lại đánh. Điệp khúc cứ đánh, rồi lại xin lỗi xảy ra nhiều lần nên con không còn tin gì ở lời hứa của chồng nữa. Vì thế, con đã về nhà mẹ đẻ ở. Tuy nhiên, con chưa dám nói với ai, kể cả với mẹ mà chỉ giải thích là do vợ chồng giận nhau mà bỏ đi ít bữa thôi. Nay mẹ giục con trở về, hơn nữa anh ấy ngày nào cũng đến “làm lành”, xin đón hai mẹ con về nên giờ con không biết phải làm sao nữa? Nếu con về, sợ chồng con vẫn “chứng nào tật ấy”. Mà con không về thì phải nói sao đây với ba mẹ mình, còn cuộc hôn nhân của con và đứa con nữa, con không muốn thấy con mình không có bố”.

Một người phụ khác cũng có người chồng ưa bạo lực nhưng khác là mỗi lần anh này ra tay thì “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” dữ hơn. Do kiếm tiền không giỏi bằng vợ, lại không có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài như vợ nên lúc nào người chồng này cũng nghĩ là vợ mình có nhân tình và anh ta đánh vợ để thỏa cơn ghen. Mặc dù chưa bao giờ và chưa một ai bắt gặp chị có mối quan hệ nào bên ngoài nhưng người chồng vẫn không tin. Đi làm thì thôi, về nhà là tra hỏi gay gắt.

Làm việc ở một công ty liên doanh nên dù không muốn, chị vẫn phải ăn mặc sao cho tươm tất, lịch sự, dễ coi. Thế nhưng, hễ thấy chị mặc một chiếc áo đẹp, mang một đôi giày mới là anh nghĩ ngay đến chuyện chị chuẩn bị cho một cuộc hẹn hò. Nhất là những buổi chị phải đi tiếp khách ngoại quốc cùng giám đốc, dù đã báo trước, còn hẹn cả giờ đi giờ về và thông báo địa điểm nhưng chị vẫn phải chuẩn bị tư tưởng là lúc về đến nhà, sau khi bị lục vấn một hồi, chị sẽ ăn đòn, ít nhất là vài cú đấm vào đầu. Không hiểu sao nơi anh ấy thích đánh nhất lại là vào vùng mặt, vùng đầu của chị. Nhiều bữa, mang vết thương sưng húp, tím thẫm tới công ty, chị chỉ dám nói với đồng nghiệp rằng mình bị ngã.

Qua điện thoại, chị vừa khóc vừa nói: “Em mới bị chồng đánh xong. Anh ấy đấm liên tục vào đầu khiến em lúc này đang rất choáng váng”. Là người có học, rất hiểu biết, nhiều lần chị đã nghĩ tới việc ly hôn, xong một mặt thương con, mặt khác sợ người chồng dọa “Cái gì tôi đã vứt bỏ thì đến chó cũng không thể thương nổi. Vì vậy, cô hãy cẩn thận” nên liền mấy năm nay, chị đành cam chịu cảnh bị hành hạ như vậy mà không biết cuộc sống tiếp tục rồi sẽ ra sao?

Còn người phụ nữ thứ 3 Thanh Tâm muốn kể lại bị hành hạ bằng bạo lực ở một dạng khác hẳn. Người chồng không bao giờ đánh cô, không bao giờ “đụng đến lông chân” của vợ nhưng lời nói thì lại như “dao cứa vào lòng”. “Thà rằng anh ấy cứ đánh, cứ mắng lại còn hơn. Đằng này, hễ cứ có chén rượu vào là anh ấy kể công mình rồi “vạch tội” của em.

Tuy anh ấy có làm tròn nghĩa vụ làm chồng, làm cha nhưng lời ăn tiếng nói thì không ai có thể chịu đựng được. Loại đại từ anh ta ưa dùng nhất với vợ đó là “tao” và “mày”, ngôn từ mà anh ta luôn sử dụng là những tiếng chửi thô tục “đầu đường xó chợ”. Nhiều hôm nghe anh ta nói, em chỉ muốn đất có lỗ nẻ để mình chui xuống. Vừa xấu hổ, vừa tủi nhục. Những lời nói như vậy chứng tỏ anh ấy không hề có chút gì tôn trọng vợ. Người chồng đó mình đâu còn có thể yêu thương được nữa phải không chị?”, cô người phụ nữ ấy đã kết thúc lời kể đầy oán hận của mình như vậy.

Tôi hiểu, không một người vợ nào có thể chịu đựng được sự “tra tấn” bằng những ngôn từ thô tục, huống gì người phụ nữ ấy lại là cô giáo. Cô tâm sự cũng đã rất nhiều lần góp ý với chồng nhưng chẳng nhận được chút chuyển biến gì, thậm chí có lần còn như “dầu đổ vào lửa”, anh ta chửi mắng ầm nhà. Cô thú nhận rằng với chồng, cô chẳng còn chút yêu thương gì nữa nhưng nếu ly hôn thì hai đứa con sẽ ra sao? Liệu mình cô có nuôi nổi cả hai. Còn để con lại với người chồng như thế cô sợ chúng “gần mực” thì hỏng mất!

Còn khá nhiều những người phụ nữ khác cũng bị chồng bạo hành chỉ vì ghen tuông, vì bồ bịch, vì coi thường vợ và vì cả không được thỏa mãn chuyện chăn gối... nhưng hầu hết trong số họ lại đều không muốn, không dám ly hôn; đều không muốn, không dám tố cáo những hành vi trái pháp luật đó.

Ở người vốn chấp nhận phận “tầm gửi” thì sợ không có gì để sống, để nuôi con; người lại sợ sự đổ vỡ sẽ khiến con cái hư hỏng; người thì “thương bố mẹ đã già nay thấy con “tan đàn sẻ nghé” thì đau đớn”, có người lại vì sĩ diện “đã tự chọn thì mình làm mình chịu”...

Sự nhẫn nhục, cam chịu vốn được coi là một đức tính cũng đáng quý của người phụ nữ nhưng trong những trường hợp này thì lại là sự đáng trách. Các chị có bao giờ nghĩ rằng, liệu rồi sự chịu đựng của mình có tạo nên sự thay đổi? Liệu mình sẽ còn chịu đựng được bao lâu? Không thể cứ mãi cam chịu như thế!

Thanh Tâm – Báo Phụ nữ Việt Nam

(1900599933)