Chị cần vượt qua nỗi ám ảnh của chính mình để nhìn nhận chuyện tình yêu của con một cách khách quan. Ảnh minh họa: shutterstock

“Khi tôi yêu và lấy Sơn, gia đình tôi hoàn toàn không đồng ý, tìm mọi cách ngăn cản. Lúc đó, tôi mới đang học đại học năm thứ 2. Bố tôi nổi trận lôi đình, cắt hết “viện trợ”.

Lý do gia đình tôi không chấp nhận Sơn là chúng tôi quá chênh lệch nhau về trình độ học vấn. Sơn chỉ học hết cấp II rồi đi làm trong khi tôi đang học đại học. Gia đình hết sức khuyên tôi, nếu tôi lấy Sơn sẽ phải ân hận vì khi chung sống, sự chênh lệch về trình độ sẽ làm cho chúng tôi bất hạnh. Nhưng tôi tin tình yêu không phân biệt tuổi tác, sang hèn, địa vị, trình độ...

Đối với tôi, Sơn là người tuyệt vời, cần cù, chịu khó và rất mực yêu chiều, bảo vệ người yêu. Tôi quyết tâm giữ tình yêu của mình. Bị cắt viện trợ thì tự đi làm thêm lấy tiền ăn học, chuyển đến sống chung với Sơn, thậm chí, chúng tôi đã bàn nhau “ăn cơm trước kẻng” đặt bố mẹ tôi vào “sự đã rồi”. Tôi và Sơn làm lễ cưới trong sự ơ hờ, miễn cưỡng của người thân…

Sự nông nổi, mơ mộng và cả thói ích kỷ đã khiến tôi phải trả giá đắt. Ngay sau khi cưới, Sơn và gia đình chồng không cho tôi học tiếp, bắt tôi phải ở nhà sinh đẻ, chăm con. Khi con ra đời, giữa bộn bề cơm gạo áo tiền, khoảng cách giữa tôi và chồng cũng ngày càng xa bởi không tìm được tiếng nói chung. Hơn thế, tôi luôn cảm thấy ức chế, ngán ngẩm vì tầm nhìn quá ngắn của chồng.

Chúng tôi cãi nhau liên miên. Sơn cho rằng tôi cậy thế học cao hơn coi thường chồng. Càng mặc cảm, anh càng gia trưởng, càng muốn chứng tỏ quyền uy đối với tôi. Anh luôn bắt tôi tuân thủ, làm mọi việc theo ý mình, không cho tôi góp ý, bàn bạc một điều gì. Thậm chí, khi say rượu, anh ta còn thẳng tay bạo hành mẹ con tôi, coi mẹ con tôi như “tội nợ” mà ông trời bắt anh phải gánh chịu. Tôi ân hận, tự trách mình đã quá vội vàng. Dù thế, tôi cũng không dám thay đổi số phận, cam chịu bởi mặc cảm thất bại, nỗi ám ảnh gia đình tôi sẽ nghĩ gì, mọi người sẽ tha hồ trách móc tôi ra sao. Tôi đã lặng lẽ sống, lặng lẽ chấp nhận…

Bây giờ, con gái tôi cũng đang lặp lại con đường dại dột đó. Cháu vốn rất ngoan hiền, chỉ biết có học và đã hoàn thành ước mơ đại học mà ngày trước tôi dang dở. Chưa kịp vui mừng thì cháu dẫn bạn trai về giới thiệu. Tôi hoàn toàn bất ngờ và thất vọng bởi bạn trai của cháu chỉ học hết phổ thông, đang làm công nhân cho một công ty tư nhân. Từ ngày quen biết, yêu nhau cho đến lúc dẫn bạn trai về nhà, con bé chưa bao giờ nói với tôi là đã có người yêu. Quá lo sợ con lại rơi vào cảnh “đũa lệch” như mình, tôi ra sức khuyên nhủ, phản đối nhưng cháu vẫn bỏ ngoài tai mọi chuyện, như con thiêu thân lao vào lửa.

Tôi cay đắng nhận ra rằng, có lẽ ông trời đang quả báo tôi, đang bắt tôi phải chịu nỗi đau đúng như ngày xưa tôi từng gây ra cho bố mẹ mình. Nhưng tôi không cam lòng, không thể để con mình dại dột khi còn quá trẻ, non nớt. Chị ơi, chị giúp tôi, tôi phải làm gì đây để con gái hiểu ra mọi điều và biết lựa chọn đúng đắn cho tương lai?”.

Nghe người mẹ đó “cầu cứu”, Thanh Tâm đã tìm mọi cách để chị bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo hơn. Chị từng qua thời trẻ háo thắng, quá biết càng ngăn cản con thì con càng khó nhận ra phải - quấy. Chị chưa bao giờ gặp người yêu của con, chưa bao giờ tiếp xúc, tìm hiểu để biết được người yêu của con như thế nào. Tất cả những gì chị biết là cậu ấy giống chồng chị ở chỗ không học đại học và làm công nhân.

Chị cần vượt qua nỗi ám ảnh của chính mình để nhìn nhận mọi việc khách quan, có thời gian, cơ hội tiếp xúc với bạn trai của con để tìm hiểu kỹ hơn về cậu ấy và gia đình. Thay vì cấm đoán, chị nên cho phép con mời bạn trai về nhà, cùng với gia đình chị có những khoảng thời gian bên nhau. Khi đó, cả chị và con gái sẽ có nhiều cơ hội để tìm hiểu xem cậu ấy có thực sự đáng tin tưởng, có xứng đáng với con gái chị và để chị yên tâm có một chàng rể tốt?

Thanh Tâm – Báo Phụ nữ Việt Nam

(1900599933)