leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ 

Người phụ nữ ấy có 2 người con. Cô con gái lớn chững chạc, trưởng thành bao nhiêu thì cậu con trai nhỏ mải chơi, khó bảo bấy nhiêu. Sau khi con trai tốt nghiệp cấp 3, chị định hướng kiểu gì con cũng không nghe. Cuối cùng, sau khi về hưu, chị đành mở một quán cafe ngay tầng 1 của nhà mình cho con làm cùng. Khi con trai đưa bạn gái về ra mắt, nhìn con bé nhanh nhẹn, xinh xắn, chị mừng lắm. Tuy nó cũng chưa có công việc ổn định nhưng chị nghĩ hai đứa chí thú làm ăn, túc tắc có đồng ra đồng vào, sống cùng bố mẹ cũng không chịu áp lực kinh tế gì lớn. Vì vậy, chị tìm mọi cách thuyết phục chồng đồng ý cho đôi trẻ được đến với nhau.

Con gái lấy chồng, sinh con mà chị chưa từng phải ngày đêm chăm cháu, cũng chưa từng phải dạy chúng nó học hành. Nhưng 2 cháu nội, chị đón tay từ lúc lọt lòng, chăm bẵm từng ly từng tí. Đến lúc các cháu đi học, bà nội không chỉ kèm cặp, dạy dỗ mà còn đóng tiền học cho bọn trẻ luôn. Chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo không qua khỏi. Nỗi buồn đau càng day dứt trước những thay đổi bất ngờ của con dâu. Con bé nằng nặc đòi đóng quán cà phê để mở cửa hàng áo cưới. Chị thuyết phục con đừng xáo trộn cuộc sống nhưng con dâu nói muốn phát huy thế mạnh của mình. Chị đành giúp con vốn mở cửa hàng áo cưới để một lần cho con thoả chí vẫy vùng. 

Nhưng hơn 2 năm rồi, con bé vẫn chưa thu hút được khách hàng. Nó lại xoay ra làm thêm nghề môi giới bất động sản. Con dâu đi tối ngày, cửa hàng áo cưới bỏ lại cho con trai chị lo. Chị không yên tâm lại phải xuống giúp con. Chị nhận ra, con bé muốn thay đổi không phải vì thích mà vì nó nghĩ làm áo cưới nhàn hơn bán cà phê. Chị quyết định tìm khách cho thuê lại cửa hàng vì tiền cho thuê nhà còn cao hơn thu nhập từ cửa hàng áo cưới. Để con không lép vế với vợ, chị cho con tiền thuê nhà. Nhưng con bé vẫn dằn vặt chồng vì lêu lổng, không chịu làm ăn. Thực ra, con trai chị cũng chẳng đủ thời gian đi làm vì vợ vắng nhà liên tục, một tay nó cơm nước, đưa đón 2 con đi học.

Sau một thời gian ra ngoài làm ăn, con dâu về thuyết phục chị bán nhà, mua 1 căn chung cư để cả nhà ở, số tiền dư ra cho nó mượn để đầu tư. Lần này chị không thể đồng ý, thế là con dâu "chiến tranh lạnh", đi không chào, về chẳng hỏi. Con gái chị giận lắm, gọi em dâu ra mắng một trận. Vậy mà con dâu chị dám bảo: "Chị đón mẹ về đi!". Con gái đang thuyết phục chị bán nhà, mua 2 căn chung cư xinh xắn trong khu nhà nó. Một căn chị ở còn một căn cho vợ chồng em trai. Số tiền còn lại chị có thể gửi tiết kiệm dưỡng già. Chị băn khoăn nên nhờ Thanh Tâm tư vấn thêm.

Nghe chị kể, Thanh Tâm thấy, chị luôn ủng hộ con dâu, luôn yêu thương, giúp đỡ con cháu hết lòng. Nhưng có lẽ vì luôn được nhận từ mẹ nên con dâu chị đã coi điều đó là nghiễm nhiên, khi không được đáp ứng thì quay ra phản ứng. Đã đến lúc chị nên điều chỉnh cách bao bọc con trai, cần để cho con sống độc lập, có trách nhiệm với mẹ, với vợ con.

Nếu xét về chất lượng cuộc sống, phương án con gái chị đưa ra khá hoàn hảo. Thứ nhất, chị có cuộc sống riêng, thoải mái. Thứ hai, mấy mẹ con, bà cháu vẫn gần gũi nhau. Thứ ba, chị vẫn có một khoản tiền đều đặn hàng tháng để trang trải cuộc sống. Chị có thể cân nhắc đến việc giúp con trai vốn để khởi nghiệp nếu cháu có một phương án khả thi.

Nếu chị vẫn muốn sống chung với gia đình con trai thì có thể lựa chọn 1 căn nhà rộng hơn, đủ chỗ sinh hoạt cho cả nhà. Còn chị muốn giữ nhà đất vì có giá trị hơn thì phải có giải pháp dứt khoát với con dâu, tránh để cháu tiếp tục có thái độ không tốt, vừa làm tổn thương chị, vừa ảnh hưởng xấu đến các cháu.

 

Thanh Tâm