Cô quan hệ với một anh Việt kiều hơn 4 năm. Người đó lo cho cô mọi thứ, từ nhà tới cửa hàng, tiền bạc. Mỗi năm, anh ta về nước khoảng 2-3 lần, chung sống với cô như vợ chồng.
Trong thời gian vắng anh ta, một người đàn ông hơn cô chục tuổi đã tỏ tình với cô. Bản thân cô cũng có tình cảm với anh này nên hai người đã hẹn hò. Vì có ý định kết hôn với cô nên anh đã đưa cô về ra mắt gia đình. Cô thấy gia đình anh có vẻ quý mến cô, còn cô cũng có tình cảm với ba má và hai người em của anh. Thế nhưng khi nghĩ tới việc kết hôn với anh thì cô lại thấy rất phân vân, bởi tuy có tinh cảm với anh và cũng muốn lấy anh nhưng cô vẫn e ngại, liệu sau này, khi biết chuyện cô từng qua lại với chàng Việt kiều kia, anh có chấp nhận hay là sẽ làm khổ cô? Mặt khác, chàng Việt kiều đã giúp đỡ cô quá nhiều, từ hai bàn tay trắng mà nay cô có đủ cả, giờ chia tay thì có quá đáng không?
Khi cô nói thật với chàng Việt kiều rằng cô đã bắt đầu có tình cảm với một người đàn ông khác và muốn xây dựng gia đình để ổn định cuộc sống thì anh ta không hề ngăn cản mà chỉ đề nghị cô nên sống với anh ta thêm vài ba năm nữa rồi hãy lấy chồng, để anh ta lo cho cô có cuộc sống đầy đủ hơn… Khi thấy cô chưa có quyết định rõ ràng, chàng Việt kiều lại bảo: “Đợi tới cuối năm nay, anh về nước để gặp nhau lần cuối rồi hãy quyết định”. Hiện cô không biết sẽ phải làm sao?
Nếu cứ kéo dài mối quan hệ “già nhân ngãi, non vợ chồng” thì tuổi xuân của cô sẽ nhanh chóng qua đi mà một mái ấm gia đình chắc chắn là cô sẽ không có. (Ảnh minh họa: shutterstock)
Thanh Tâm rất hiểu tâm trạng cũng như suy nghĩ và băn khoăn của cô gái đó, bởi tuy không có nhiều tình cảm với chàng Việt kiều nhưng sự ràng buộc về vật chất lại quá lớn, trong khi đó với người đàn ông cô định chọn làm chồng thì có tình cảm đấy nhưng dự báo về tương lai chưa hoàn toàn yên tâm. Băn khoăn “đứng giữa hai dòng nước” nhưng cô vẫn phải chọn một dòng chứ không thể để nước trôi, vì thế Thanh Tâm đã phân tích để cô thấy nên lựa chọn theo hướng nào.
Với chàng Việt kiều kia thì cô 26 tuổi còn anh ta đã ngoài 50 tuổi. Sự chênh lệch về tuổi tác là một vấn đề nhưng lớn hơn vẫn là người đó không thể bỏ gia đình để lấy cô. Hơn thế, mỗi năm chỉ có thể về 2-3 lần, ở với cô ít ngày rồi lại đi biền biệt, cô có thể sẽ đầy đủ về mặt vật chất, song những ngày thiếu vắng anh ta, cô sẽ sống ra sao, rồi còn ốm đau, chuyện con cái… Nếu cứ kéo dài mối quan hệ “già nhân ngãi, non vợ chồng” thì tuổi xuân của cô sẽ nhanh chóng qua đi mà một mái ấm gia đình chắc chắn là cô sẽ không có.
Với người đàn ông cô định chọn làm chồng, anh cũng đã ngoài 30 tuổi - cái tuổi đủ chín chắn để biết bỏ qua cái gì, giữ lại cái gì, nhất là khi anh rất yêu cô và cũng hiểu tấm chân tình cô dành cho anh. Cô còn được các thành viên trong gia đình anh quý mến, hiện điều kiện kinh tế của anh và của cô ngang nhau nên cô hoàn toàn có thể tự quyết định cuộc sống của mình mà không phải phụ thuộc vào ai.
Cô có vẻ muốn ngả theo lời khuyên của Thanh Tâm nhưng lại chia sẻ rằng muốn chờ tới cuối năm để gặp lại chàng Việt kiều thêm một lần nữa. Thường khi chia tay, ai cũng muốn gặp để nói lời tạm biệt nhưng trong trường hợp này, Thanh Tâm lo ngại khi chàng Việt kiều “thả” thêm một số quà cáp, tiền bạc hay những lời hứa hẹn “lọt tai”, cô gái sẽ dùng dằng khó dứt. Đó là chưa kể tới trường hợp nếu anh ta không tốt, thiếu đứng đắn, cô sẽ phải đối diện với những thủ đoạn mà anh ta bày ra để “buộc chân” cô. Và trên hết, có vẻ như điều đó không công bằng với người đàn ông cô định chọn làm chồng.
Sau khi nghe Thanh Tâm khuyên nhủ, cô đã đồng ý sẽ tự mình quyết định, chọn lựa mà không cần chờ đợi sự “cho phép” của chàng Việt kiều kia nữa.
Thanh Tâm - Báo Phụ nữ Việt Nam
(1900599933)