Ảnh minh họa

Cậu thợ cắt tóc có tay nghề giỏi, tính tình vui vẻ, cởi mở lại rất tử tế nên nhiều năm nay Thanh Tâm vẫn trung thành làm khách hàng của cậu. Cậu có trí nhớ rất tốt, thuộc tên khách hàng, thuộc cả đặc điểm loại tóc và thời gian cần làm tóc của khách nữa. Vừa cắt, tỉa, cậu vừa cười đùa với khách. Cửa hiệu của cậu lúc nào cũng vui. Thật may là sau khi cuốn thuốc xong, Thanh Tâm mới có điện thoại. Thanh Tâm phải mở cửa ra, xách cái ghế nhựa tìm chỗ mát dưới gốc cây ngồi tư vấn.

Khách hàng đầu tiên của ngày chủ nhật hôm ấy là một phụ nữ rất đặc biệt. Chị dường như biết rất rõ về “bệnh trạng” của mình. Chị kể: “Chồng em là người nhân đức, đứng đắn. Mặc dù làm sếp ở nhà máy rất đông nữ nhưng em thề với chị, chồng em không bao giờ trăng hoa. Nhưng do tính chất công việc, chồng em rất hay phải đi tiếp khách và những lúc chồng không có nhà là ruột gan em nóng như lửa đốt. Lúc nào em cũng sợ mất chồng, em gọi điện liên tục hỏi xem chồng em ở đâu, ngồi với ai. Chồng về là mặt em sưng sỉa lên, ghen tuông vô cớ. Những lúc ấy, chồng em rất lo lắng cho em, anh luôn đáp ứng mọi yêu sách của em để em vui lòng. Nhưng, càng ngày cuộc sống của chúng em càng căng thẳng và em nhận ra sự mệt mỏi của anh ấy...”

Nghe tâm sự của chị, thật đáng thương nhưng chữa căn bệnh cũng phải thật khéo léo. Thanh Tâm đùa rằng: Ai có của quí thì cũng lo mất, nhưng giữ của bằng cách lo rào giậu, cửa nẻo chắc chắn để trộm không vào được chứ không phải giữ bằng cách ngày đêm ngồi canh cửa như vậy. Thanh Tâm chỉ ra nguy cơ mà chị đang đẩy gia đình mình thành trung tâm gió bão, không khí gia đình lúc nào cũng u ám, nặng nề. Lẽ ra, chị nên làm ngược lại: Chăm sóc chồng, 2 con chu đáo, nhà cửa luôn gọn gàng, ngăn nắp, bản thân mình luôn có vẻ hấp dẫn từ cách ăn mặc đến cách cư xử... Phải làm sao để chồng chị thấy rằng gia đình thật sự là tổ ấm, là nơi mình có thể chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn, là chốn bình yên sau những giờ mệt mỏi vì công việc, là thánh đường để không bao giờ mình có ý nghĩ phạm tội.

Muốn thế thì chị phải tập. Bài tập đầu tiên là tập nghĩ đến những điều tốt lành, những chuyện tốt lành. Đó là nghĩ rằng chồng mình đang có công chuyện, đang phải giải quyết những việc hệ trọng và anh ấy đang mau chóng làm xong công việc để về với vợ con. Rằng, mình đã làm được gì để bày tỏ tình yêu thương với chồng chưa? Chỉ khi nào ý nghĩ thường trực trong đầu là ý nghĩ tốt lành thì bản thân chị mới có tâm trạng thanh thản và chồng con chị mới được hưởng sự yên bình.

Sau nữa, bất cứ lúc nào cầm điện thoại định gọi cho chồng thì hãy nghĩ: Mình sắp xúc phạm đến chồng đấy, mình sắp làm cho anh ấy rối ruột lên và có khi bực mình mà làm hỏng việc đấy. Nghĩ được như thế là chị sẽ lấy lại được bình tĩnh và cân nhắc điều hơn, lẽ thiệt. Làm được như vậy không dễ dàng nhưng như các cụ dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”, huống hồ để xây dựng cuộc sống hạnh phúc lại càng phải học và hành.

Cậu thợ cắt tóc mấy lần ngoắc tay ra hiệu cho Thanh Tâm đã đến giờ tháo trục. May mà cuộc gọi kết thúc. Mở cửa cho Thanh Tâm vào, cậu mắng yêu: “Bà lão buôn thêm 5 phút nữa, đầu thành mì xào giòn thì đừng trách con!”. Giá cậu ta biết được Thanh Tâm vừa buôn những gì!

                                                                                                                      Thanh Tâm – Báo Phụ nữ Việt Nam(1900599933)