Điện thoại đổ chuông vào cuối giờ chiều. Người phụ nữ ấy có lẽ đã trải qua một ngày làm việc vất vả, giọng cô rất nhỏ, rời rạc, mệt mỏi: “Dạo này tính tình em thay đổi. Em hay cáu gắt, khó chịu với người khác. Em không biết mình bị làm sao nữa?”.
Thanh Tâm nhẹ nhàng hỏi: “Cụ thể, em cáu bẳn hay là cãi lộn?”. Cô gái yên lặng một lát rồi trả lời thành thật “Nhẹ thì cáu gắt, nhiều khi là chửi bới. Ví dụ chiều nay em lại cãi nhau tay đôi với người ta…”. Rồi như sợ bị hiểu lầm mình là người phụ nữ chanh chua, cô vội vàng giải thích: “Tính em xưa nay không vậy, cũng tình huống đó, trước đây không sao nhưng giờ em lại thấy điên lên”. Khi Thanh Tâm hỏi về sức khỏe, cô khẳng định mình bình thường, không có bệnh tật gì ảnh hưởng đến tinh thần. Chỉ có điều, cuộc sống của cô gần đây thực sự rất mệt mỏi.
Mới 24 tuổi nhưng cô đã một mình gồng gánh cả cửa hàng, từ tính toán, nhập hàng vào, bán ra đến thu nợ…. Mỗi ngày cô đều thức dậy từ 4-5 giờ sáng để mở hàng, mỗi trưa có khi chỉ kịp ăn qua loa một ổ bánh mì lót dạ, tối lại dọn dẹp đến 11-12 giờ khuya. Cô kể: “Nhiều khi em mệt muốn xỉu đi nhưng còn bố mẹ già, con nhỏ, không có tiền không được. Chồng em đã mất cách đây ít lâu rồi”.
Từ ngày vắng chồng, cô vẫn sống cùng bố mẹ chồng. Ông bà thương cháu, thương con, đối xử với cô rất tử tế. “Mẹ chồng em hiền lành, tốt tính nên mỗi khi cáu gắt với bà xong em lại ân hận. Có lúc em nổi cáu với con…”. Đối với mọi người xung quanh cũng không có ngoại lệ. Dường như càng ngày, tần suất những cơn giận của cô càng dày đặc. Cô cảm thấy mình mất đi khả năng tự chủ, mất kiểm soát trong hành động và lời nói.
Dường như cô tin rằng mình đang mắc bệnh. Có đôi lúc cô cảm thấy bản thân thật xa lạ và đáng sợ. Cô muốn trở lại con người của mình lúc trước đây, khi cô còn hạnh phúc, dịu dàng.
Người vợ ấy muốn hoàn thành trách nhiệm với gia đình, cô chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ, nhưng mặt khác, cô lại khao khát thoát khỏi nỗi đau đớn và sự cô đơn. Ảnh minh họa: shutterstock
Thanh Tâm hỏi liệu cô có một người bạn thân nào để chia sẻ tâm tình? Cô bảo rằng: “Em không có”. Thì ra từ ngày chồng mất, cô luôn phải đảm nhận vai trò làm người mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con, cho cha mẹ chồng. “Mẹ đẻ của em lại tuệch toạc, không biết tâm sự nên em chỉ im lặng khi gặp bà”. Gần đây, có một người thanh niên hay ghé cửa hàng. Không biết từ đâu, cậu ta có số điện thoại của cô rồi bắt đầu nhắn tin, trò truyện. Sự quan tâm của cậu ta đã phá vỡ sự im lặng, chọc thủng bức tường mạnh mẽ mà cô cố sức xây dựng lên. Nó khiến cô cảm thấy tủi thân, cô đơn, sợ hãi… Một mặt, cô muốn hoàn thành trách nhiệm với gia đình, cô chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ, nhưng mặt khác, cô lại khao khát thoát khỏi nỗi đau đớn và sự cô đơn.
Đến đây, dường như Thanh Tâm đã cảm nhận được nguồn cơn của sự tức giận, mất kiểm soát, những bối rối đang diễn ra trong lòng cô. Thanh Tâm nói với cô rằng: “Chị không có viên thuốc nào chữa cho em khỏi bệnh bởi em chỉ đang bị giằng xé giữa nỗi đau - trách nhiệm và khao khát hạnh phúc”. Thứ cô cần lúc này là thời gian, sự chăm lo cho mỗi bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe của bản thân. Khi nỗi đau lắng xuống và cô có thể nghĩ thông thoáng hơn, có lẽ trái tim sẽ cho cô ấy thấy con đường sáng suốt nhất.
Thanh Tâm – Báo Phụ nữ Việt Nam
(1900599933)