Nguyễn Thanh Ngọc Thảo, sáng lập thương hiệu Made by Zy

 

Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường Đại học Sài Gòn, Nguyễn Thanh Ngọc Thảo chia sẻ, cô luôn dành tình yêu vô bờ bến cho các hoạt động góp phần làm cho môi trường sống xanh, sạch, bền vững hơn. Đó cũng là động lực để Ngọc Thảo mở một shop nho nhỏ của riêng mình, với tên gọi Made by Zy.

Thành lập vào năm 2015, mặt hàng kinh doanh đầu tiên của shop là bán phụ kiện nhưng cô chủ nhỏ Ngọc Thảo vẫn ấp ủ mong muốn làm những sản phẩm tái chế nho nhỏ, xinh xinh. Ngọc Thảo chia sẻ: Ý tưởng làm cột tóc và ly vải được hình thành từ việc một lần Thảo xuống nhà dì chơi và thấy có rất nhiều tấm vải vụn. Những miếng cải này không còn thể tạo ra những bộ đồ đẹp nên Thảo đã xin dì mang về để khi rảnh vào ngày cuối tuần nghỉ để thử tận dụng, may món đồ gì đó.

Nguyễn Thanh Ngọc Thảo, “Hô biến” vải vụn thành cột tóc và ly vải handmade độc đáo

 

Thật bất ngờ, khi nhìn thấy những tấm vải tưởng như bỏ đi ấy, có thể làm được một chiếc cột tóc xinh xinh hay một chiếc túi đựng ly vải không đụng hàng với bất kỳ ai khác. Từ đó, Ngọc Thảo dành trọn niềm đam mê và thời gian rảnh rỗi của mình để làm những món đồ tái chế từ vải vụn.

Điều khác biệt tạo nên sản phẩm của Made by Zy là sự đa dạng về màu sắc, hoa văn, họa tiết… Ngọc Thảo giải thích lý do: Sản phẩm được làm từ vải tải chế, mà số lượng của những tấm vải này không nghiều, nên mỗi đợt chỉ làm được một hoặc vài mẫu, hết đợt vải này sẽ không có nữa. Vì vậy, với những người thích dùng sản phẩm độc lạ, không đụng hàng thì đây là lựa chọn phù hợp, bởi mỗi bạn có thể sở hữu sản phẩm của riêng mình. Bên cạnh đó, chất liệu vải cũng có nhiều loại để lựa chọn như: phi bóng, voan, ren…

Những chiếc cột tóc nhỏ xinh làm từ vải tái chế

 

Mỗi khi nhìn những chiếc cột tóc vải của mình được biến hoá thành những mẫu tóc đẹp xinh trên từng khách hàng, có thể cảm nhận được niềm vui đang lan tỏa khắp mọi nơi. Không chỉ vì mình làm ra được những món đồ ý nghĩa, mà còn đang góp phần nhỏ bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng những chiếc dây chun buộc tóc chị em bỏ đi hàng ngày. Niềm hạnh phúc của Ngọc Thảo chỉ giản dị vậy thôi. Nhưng để đưa một sản phẩm tái chế ra thị trường, được đón nhận, thật không dễ dàng gì.

Nỗ lực tìm đường cho sản phẩm tái chế

Với Nguyễn Thanh Ngọc Thảo, khó khăn nhất khi bắt tay vào làm đó chính là đầu ra cho các sản phẩm tái chế. Muốn lan tỏa thông điệp sống xanh đến với cộng đồng, thì sản phẩm làm ra phải được nhiều người biết đến. Nhưng mang cột tóc, túi đựng ly may bằng vải tái chế đi nhiều nơi, giới thiệu nhiều chỗ, Ngọc Thảo chỉ nhận được cái lắc đầu, câu trả lời là không hoặc không phù hợp với nơi họ kinh doanh. Thêm một trở ngại của hầu hết các sản phẩm tái chế, handmade thường gặp phải là có giá thành cao hơn các sản phẩm gia công nên việc tìm kiếm đầu ra rất khó khăn.

Thất bại, nản. Ngọc Thảo đã tính đến chuyện sẽ quay về với cuộc sống sáng soạn giáo án chiều đi dạy học. Nhưng tình cờ, cô được mời tham gia một phiên chợ Sống xanh. "1 ngọn lửa thắp lên 1 tia hy vọng có thể phát triển dòng sản phẩm tái chế này, mình tham gia và không ngờ mọi người lại đón nhận rất nhiệt tình. Tiếp theo đó là một số lời mời em cộng tác giới thiệu sản phẩm của đối tác. Mong ước phát triển sản phẩm của mình lại cháy bỏng hơn lúc nào hết"- Ngọc Thảo nhớ lại.

Dù đã tìm được đầu ra, nhưng trên chặng đường đưa sản phẩm tái chế từ vải vụn đến với khách hàng, luôn có những cản trở trong giai đoạn thực hiện. Đó là nguồn vải không ổn định. Đó là không tìm được người cộng sự, người đồng hành với mình. Nhưng từng ngày Nguyễn Thanh Ngọc Thảo vẫn tỉ mẩn sáng tạo cùng vải tái chế. Cô mong ước không dừng lại ở cột tóc và túi ly vải mà còn có thể phát triển nhiều mặt hàng độc lạ, bắt mắt hơn, mong ước sản phẩm có mặt tại nhiều điểm bán hơn nữa để các bạn nữ dễ dàng mua và lựa chọn, để Made by Zy là trao đi những sản phẩm thân thiện và bình yên như góp một chút xanh hơn cho cuộc đời.

Nguyễn Thanh Ngọc Thảo, sáng lập thương hiệu Made by Zy (https://www.facebook.com/madebyZy )

Bí quyết của Ngọc Thảo:

- Mang niềm vui đến cho khách hàng từ những điều đơn giản nhất

- "Do what they think you can do"

- Nỗ lực và cố gắng hết mình trong công việc và cuộc sống.

Trần Lê