Trong một góc của căn phòng rộng chừng 10m2 trên phố Lò Đúc (Hà Nội), tiếng đục đẽo, gõ bũa đều tay một người người phụ nữ vang lên từng hồi. Ban đầu cô phác nét, sau lại đục, uốn chỉnh, rồi ghép da, may vá để tạo ra một chiếc túi da chạm khắc tinh xảo.

Cô là Nguyễn Ngọc Diệu Linh, 32 tuổi, hiện là chủ một thương hiệu đồ da thủ công mở bán hơn 6 năm nay. Toàn bộ sản phẩm của xưởng đều dựa trên kỹ thuật chạm khắc thúc khối nổi, nhuộm màu công phu trên bề mặt da thuộc từ thảo mộc. Mỗi sản phẩm được làm trong suốt 6 năm qua đều là độc nhất, gửi gắm một câu chuyện nghề rồi gom góp để làm nên một hành trình đầy bản lĩnh và truyền cảm hứng.

Nguyễn Ngọc Diệu Linh cùng sản phẩm điêu khắc trên da thuộc.

 

Yêu thích hội họa từ nhỏ nhưng đến năm 16 tuổi Diệu Linh bắt đầu vẽ tranh một cách nghiêm túc. Lên đại học, cô chọn theo học thiết kế đồ họa - nơi được tiếp cận sâu hơn về mỹ thuật, hình khối và màu sắc.

Ra trường, 8x xin việc tại một công ty thiết kế, chuyên làm banner cho các thương hiệu, mức thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng. Theo lời Linh, người làm thiết kế thường tỉ mỉ, cẩn thận nhưng cô lại là người làm việc theo cảm tính, sống tự do và không muốn bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì.

Năm 2015, sau khoảng thời gian sáng tạo từ miếng da vụn và công cụ chạm khác được cho, cô bắt đầu lên mạng tìm hiểu các kiến thức mới, học cách chạm khắc trên da và ghép nối các miếng da để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Tìm hiểu sâu, Linh bắt đầu biết đến kỹ thuật khắc hình khối nổi trên da, đồng thời học thêm các bài giảng của chuyên gia nước ngoài trên Internet, tham gia một số hội nhóm trên Facebook cả trong nước lẫn quốc tế

"Mình thuộc thế hệ đầu những người trẻ ở Việt Nam tìm hiểu và chế tác các sản phẩm chạm khắc trên da. Ngày đó đều tự học chứ không có ai hướng dẫn hay mở lớp", Linh nói.

Sau hơn 1 năm mày mò, Linh bắt đầu có những khách hàng đầu tiên.

Dòng da được chế tác có tên Veg-tan (Vegetable tanned leather) hay còn gọi là da mộc - tên gọi xuất phát từ phương thức chế tác của loại da này. Da được thuộc bằng tanin - một loại chất được chiết xuất từ thực vật, thân thiện với môi trường. Người ta dùng những chiết xuất từ cây cỏ hoa lá để phủ lên da, sau đó xử lý đánh bóng làm mềm.

Để làm một sản phẩm túi da điêu khắc, đầu tiên người thợ cần chọn một miếng da thuộc từ thảo mộc, độ dày khoảng 2-3mm (muốn mỏng sẽ chọn loại từ 1.4 - 1.6 mm) sau đó sẽ phác họa hình ảnh lên miếng da; thấm nước nhẹ cho mềm bề mặt da rồi dùng dao con đi tách nét với nền để thành hình họa tiết muốn chạm khắc và đi đường viền xung quanh để hình có độ nổi.

Muốn tạo hình chuẩn, Linh dùng các dụng cụ vuốt nét để vuốt khối, chuốt hình sao cho mềm mại hơn là hoàn thiện hình 2D. Nhưng nếu muốn nổi hình 3D buộc cần thêm một số kỹ thuật khác như thúc, vuốt và đẩy khối. Hình điêu khắc hoàn thành sẽ tiếp tục được chuốt lại, phủ màu và đánh bóng nhằm tăng độ bền đẹp.

"Với các sản phẩm thông thường, phần chạm khắc mất một ngày làm việc (khoảng 8 tiếng). Nhuộm màu với hình đơn giản mất 2-3 tiếng, nhưng nếu hình phức tạp có thể lên đến 2 ngày. Thời gian hoàn thiện một sản phẩm từ 3 - 5 ngày với mẫu thường và mất đến 14 ngày với các mẫu phức tạp", Linh cho hay.

 

Xưởng của Linh rất đa dạng về các mẫu điêu khắc từ dây đeo thẻ, túi xách, balo, ốp điện thoại, bật lửa... độc bản được chạm khắc đa phần về cỏ cây hoa lá. Mức giá dao động từ vài trăm ngàn đồng với bao da, 2 - 3 triệu đồng với túi xách, nhưng có những sản phẩm lên đến 15 triệu đồng.

Theo Diệu Linh, một sản phẩm được đánh giá đẹp phải đảm bảo độ sắc nét, chạm khắc đúng hình ảnh từ 90 - 95% khách yêu cầu, màu sắc tươi sáng, tổng thể hài hòa. Trong 6 năm theo nghề, cô đã nhận được 400 - 500 đơn hàng, có nhiều khách đặt liền 2 - 3 sản phẩm trong cùng một đơn.

Mỗi tháng bà chủ xưởng da làm tối đa từ 10 đến 15 sản phẩm, trung bình thu về 30-50 triệu đồng/tháng, chưa trừ vốn.

"Với mức giá bán bạc triệu không ít người nghĩ thợ thủ công hẳn phải rất giàu, nhưng mình xin khẳng định, làm nghề này rất khó giàu bởi thời gian và công sức bạn bỏ ra còn khổng lồ hơn giá bán", Linh bộc bạch.

 

 

8x thừa nhận bản thân khó dứt khỏi công việc, mỗi ngày cô có thể ngồi liên tục từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm nhưng vẫn cố gắng sắp xếp thời gian vừa tiếp khách, vừa tư vấn, vừa chạm khắc nhưng không quên quan tâm tới gia đình và chính sở thích cá nhân như tập thể dục, làm đẹp...

Theo Diệu Linh người làm nghề chạm khắc trên da chủ yếu là nam giới do có sức bền tốt hơn. "Khi chế tác người thợ buộc phải sử dụng búa có trọng lượng lên đến nửa cân để tạo khối, phần vai, cổ phải cúi trong thời gian dài khiến cơ thể mỏi vô cùng. Đặc biệt nếu bị bệnh về cổ, vai, gáy hay gai đốt sống còn đau đớn hơn, một số người buộc phải bò nghề vì không thể ngồi lâu. Nhưng với mình thì chưa", Linh cười.

Trong quá trình làm, mỗi lần mệt mỏi, chán nản 8x tự cho phép bản thân nghỉ ngơi từ 1 -2 ngày, làm điều mình thích, đi chơi giải khuây rồi đốc thúc bản thân nhanh chóng trở lại với công việc. Trong thời gian tới, Diệu Linh dự định sẽ tìm hiểu sâu hơn nữa về chạm khắc trên da, cố gắng làm ra những sản phẩm đẹp, chất lượng để càng nhiều người biết đến công việc này.

Theo Ione