Cô gái người Giáy mạnh dạn vay ngân hàng mở homestay
Cập nhật lúc 11:18, Thứ hai, 21/02/2022 (GMT+7)
Là một phụ nữ dân tộc Giáy, sống ở vùng cao, Lương Thị Chanh cũng như nhiều chị em khác ở bản Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) không có tiếng nói trong gia đình. Dù thuyết phục gia đình chồng từ năm 2011 để sửa sang nhà cửa, mở dịch vụ homestay nhưng cô vẫn không thành công. Đến năm 2014, nhờ người chị cùng thuyết phục, gia đình mới đồng ý.
Chị Lương Thị Chanh
Bắt tay vào sửa nhà thật gian nan. Lương Thị Chanh nhớ lại giai đoạn đó, trong tay chỉ có 40 triệu đồng trong khi chi phí sửa nhà lên đến 350 triệu đồng. Cô đã thuyết phục bố chồng cho mượn sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng và mượn thêm của người thân, họ hàng. Homestay đi vào hoạt động ngày 20/10/2014.
"Chị gái tôi tên là Hoa, tôi tên là Chanh nên chúng tôi đặt tên homestay là Hoa Chanh. Hoa Chanh Homestay Sapa tuy không gần trung tâm thị trấn nhưng nó mang lại sự gần gũi với thiên nhiên, bản sắc miền núi Tây Bắc. Hai chị em cùng nhau làm được 6 tháng thì thuê thêm cơ sở để mở rộng và chị tôi tách hẳn để Chanh tự làm và tự quản lý", Chanh chia sẻ.
Chỉ với trình độ văn hóa lớp 5, tiếng phổ thông không sõi, không biết tiếng Anh nhưng với sự tận tâm của mình, chỉ sau 2 năm, Chanh đã trả được hết nợ. Cô cũng dành thời gian đi Hà Nội, vào phố cổ, đến từng văn phòng du lịch để giới thiệu sản phẩm dịch vụ của mình. Từ đó, cô tìm được nhiều đối tác hơn, đồng thời cũng học hỏi thêm được cách chăm sóc khách hàng. Từ năm 2017 đến năm 2019, Lương Thị Chanh mở rộng homestay, tiếp tục vay tiền làm thêm một số bungalow và một nhà sàn 5 gian, ký hợp đồng với đối tác có đoàn từ 100 đến 150 khách một đêm. Dù phải trả lãi 4 triệu đồng/tháng nhưng cô luôn lạc quan vì nghĩ có thể sớm thu hồi vốn.
Đại dịch Covid-19 ập đến là một biến cố không ngờ. Đã có thời gian dài Hoa Chanh Homestay buộc phải tạm dừng đóng cửa để phòng dịch. Không có khách du lịch, Chanh phải cho bên thủy lợi thuê homestay làm văn phòng. Hai năm vừa qua thực sự rất khó khăn đối với Lương Thị Chanh nhưng cô không từ bỏ. Khi dịch vụ homestay dừng hoạt động, cô đã chuyển sang làm một số đặc sản của dân tộc Giáy và đi bán tại các hội chợ, trên mạng xã hội, nhờ đó cũng đủ chi phí trang trải cho gia đình.
Cũng trong thời gian này, Lương Thị Chanh đã thành lập được một đội văn nghệ tên là "Đội Văn nghệ Phụ nữ Khởi nghiệp" nhằm tạo ra những dịch vụ văn hóa đặc sắc hơn, giúp phụ nữ vùng cao có thêm thu nhập ổn định. Luôn trong tâm thế sẵn sàng để đón khách du lịch quay trở lại, giờ đây, khi du lịch dần mở cửa, bà chủ homestay Lương Thị Chanh lại tiếp tục bắt tay vào công việc với tất cả niềm say mê và sự nỗ lực của mình để homestay Hoa Chanh luôn mang lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.