leftcenterrightdel
 Chị Chu Thị Hạnh giới thiệu sản phẩm thạch đen của mình

Lập nghiệp từ món ăn chơi

Cô giáo Chu Thị Hạnh (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) dáng người nhỏ nhắn, nhưng có một giọng nói rất ấm áp, tạo cảm giác thân thiện ngay lần đầu gặp gỡ. 

Chu Thị Hạnh kể: "Em quê ở xã Bắc Hùng cách thị trấn Na Sầm 17 km, quê em nghèo và lạc hậu, điều kiện sống rất khó khăn. Em được bố mẹ gửi ra nhà cô ruột để tiện đi học, từ khi mới 4 tuổi. Lúc học xong cấp 3, em thích theo ngành nông nghiệp lắm, nhưng nhà nghèo nên đã chọn ngành sư phạm để học, vì không phải đóng học phí. Ngay từ lúc còn nhỏ, gia đình đã làm thạch để ăn. Người làng thấy món thạch nhà em ngon hơn những gia đình khác, nên đã nhờ làm. Em cũng thừa hưởng những công thức của gia đình, nên đã biết làm món thạch từ rất sớm".

Năm 2009, Hạnh bắt đầu làm thạch để mang đi các làng trong xã mình dạy học để bán. "Em vừa là cô giáo, lại đi bán thạch rong, lúc đầu cũng ngại lắm. Nhưng em vẫn nghĩ mình làm sản phẩm tốt ngay trên quê hương mình, kiếm tiền một cách chính đáng, được nhiều em nhỏ yêu thích món ăn này, nên em lại cố gắng", Hạnh chia sẻ.

Cứ thế, hình ảnh cô giáo Hạnh gắn với món thạch thơm ngon, mát ruột đã thân thuộc với bà con ở huyện Văn Lãng biên giới này từ đó.

Để làm được những mẻ thạch ưng ý, được khách hàng phản hồi tốt, Chu Thị Hạnh cho biết: Đầu tiên, phải biết chọn mua được những cây thạch nguyên liệu, được bà con trồng ở trên nương. Sau khi bà con thu hoạch, phơi khô mình mua về rồi bắt đầu chế biến.

Người làm phải loại bỏ dễ, nhặt sạch lá cây (vì trồng ở trên nương thường có lá cây rụng vào), sau đó mang rửa sạch, đưa vào nồi nấu khoảng 8 tiếng đồng hồ. Tới khi cây thạch nhừ, tạo ra dịch thạch thì mình bỏ ra lọc kỹ. Khâu cuối cùng là đưa bột năng, đường vào nấu để tạo ra món thạch.

Sau khoảng 4 tiếng đồng hồ đun tiếp thì mới đạt thành phẩm, lúc đó mang thạch ra đóng hộp để đi bán. Đặc biệt, sản phẩm phải sạch, thơm đặc trưng của vị thạch, khi ăn cảm nhận được độ giòn, mặc dù thạch thì rất mềm.

leftcenterrightdel
Chu Thị Hạnh mong đầu ra của nông sản địa phương sẽ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước ngoài 

"Trước kia chưa có các máy móc hỗ trợ, để làm được một mẻ thạch thì em phải mất 2 ngày. Nhưng hiện nay, em đã đầu tư máy rửa, máy băm, hệ thống nồi hơi để đưa vào sản xuất. Vì vậy để làm ra một mẻ thạch chỉ còn khoảng 8h đồng hồ. Khi nào em nấu thạch, là ai cũng biết, vì mùi thơm bay khắp xóm quanh nhà", Chu Thị Hạnh cười tươi bật mí.

Do được khách hàng gần xa tin tưởng, sản phẩm thạch đen với bí quyết rất riêng của cô giáo Hạnh đã tiêu thụ ngày càng nhiều. Đến năm 2019, Hạnh đã chính thức đăng ký kinh doanh, lấy thương hiệu là "Thạch Chu Hạnh". Chu Thị Hạnh chia sẻ: "Sản phẩm của mình ra đời sau, thì phải xác định sản phẩm của mình phải có hướng đi riêng. Không chỉ ăn ngon miệng, mà phải có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Đặc biệt là sản phẩm của em cam kết không sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào. Chính vì vậy, năm 2021 em đã đạt sản phẩm thạch đen Chu Hạnh đạt OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn. Hiện tại em vẫn không ngừng đổi mới, cải tiến trong khâu chế biến, để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình hơn nữa".

Ước mơ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm

Chu Thị Hạnh cho biết: Sau nhiều năm tìm hiểu, Hạnh biết các sản phẩm chế biến từ cây thạch đen có rất nhiều tác dụng. Đây là một cây dược liệu có vị ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể và được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như: Giảm cholesterol trong máu, chống lão hóa da… Nhưng đầu ra thì hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Có những năm mất mùa, giá thạch khô lên tới 70 nghìn đồng/kg. Nhưng khi bà con được mùa, lại bị ép giá xuống còn rất thấp. Ví như năm 2021, giá 1kg thạch đen khô có khi xuống tới 17 nghìn, khiến bà con rất lo lắng và không yên tâm vào canh tác. Nếu chúng ta tìm được đầu ra cho cây thạch đen tốt bằng những sản phẩm chế biến chuyên sâu, thì em tin rằng cây thạch đen sẽ là cây làm giàu cho miền núi Lạng Sơn này.

Không phải vô cớ mà sản phẩm thạch đen của Lạng Sơn được người dân ở thị trường Nhật Bản, Trung Quốc săn đón như hiện nay. Chu Thị Hạnh bộc bạch thêm: "Em nghĩ làm ra sản phẩm thạch đen tốt, không chỉ cho bản thân mình, mà cho cả cộng đồng nữa. Tránh cho những người nông dân ở làng xóm em đầu tư bao công sức cho nông sản, nhưng lại thấp thỏm khi vẫn phụ thuộc vào những thương lái nước ngoài".

Hiện nay sản phẩm Thạch Chu Hạnh đã có mặt ở thị trường Sài Gòn, Bình Định, Quảng Trị, Hà Nội; được huyện Văn Lãng chọn làm một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện, hỗ trợ mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP ngay tại thị trấn Nam Sầm.

Hải Linh - Ảnh: NVCC