Bà Lã Thị Lan - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM  - Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc. Ảnh: Quý Hòa


* Đảm nhiệm nhiều chức vụ, làm cách nào bà vẫn đủ “năng lượng” và cân bằng được thời gian dành cho gia đình và công việc?

- Trong cuộc đời kinh doanh của mỗi người, nhất là phụ nữ, hầu như ai cũng phải trải qua những giai đoạn khó khăn, vất vả, vừa phải chèo chống con thuyền doanh nghiệp (DN), nuôi dạy con cái, vừa phải chăm lo đời sống cho hàng trăm nhân viên, hoàn thành nghĩa vụ của người vợ, người con, chăm sóc gia đình, cha mẹ...

Bản thân tôi đến giai đoạn này mọi khó khăn đã tạm qua vì các con đã trưởng thành, công việc kinh doanh cũng ổn định, việc điều hành Công ty cũng theo quy trình nên không bị sa vào những sự vụ kiểu “con mọn” như trước. Vì vậy, tôi có thời gian để cân bằng sức khỏe, công việc và làm những việc mình thích, nhất là những việc mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng, xã hội.

* Theo nhiều khảo sát thì kết quả hoạt động kinh doanh của các DN do nữ quản lý thường thấp hơn nam giới và tỷ lệ DN do nữ làm chủ có xu hướng giảm dần theo quy mô tăng lên, tức là quy mô càng lớn, tỷ lệ nữ làm chủ càng giảm. Vậy theo bà, điều gì đang cản trở hoạt động kinh doanh của nữ giới?

- Hiện nay, số lượng DN do nữ làm chủ ngày càng nhiều và các DN này cũng đóng góp rất nhiều thành quả hữu ích cho xã hội cũng như giải quyết được công ăn việc làm cho số đông lao động nữ. Nhiều DN còn tạo ra thương hiệu uy tín cho đất nước, tích cực đóng góp cho ngân sách và tạo ra khối tài sản lớn cho xã hội.

Thế nhưng, các nữ doanh nhân thường gặp nhiều rào cản hơn so với nam giới, ví dụ như họ không có nhiều thời gian như nam giới vì còn phải chăm sóc gia đình, nhiều lúc muốn học tập, trau dồi thêm kiến thức cũng không có thời gian. Bên cạnh đó, ở các DN có nhiều lao động nữ, chủ DN còn chịu thiệt thòi vì lúc nào cũng phải “nuôi quân”, dự phòng trường hợp nhân viên thay nhau nghỉ thai sản, rồi mẹ ốm, con đau...

Mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều sự hỗ trợ, quan tâm, động viên các nữ doanh nhân như tổ chức các giải thưởng tôn vinh sự đóng góp của họ, hay như việc cơ cấu cho nữ doanh nhân tham gia nhiều hơn vào các tổ chức, bộ máy quản lý của Nhà nước, điển hình nhất là việc ưu tiên đề cử chị em tham gia Hội đồng Nhân dân. Song, nếu xét về sự hỗ trợ cụ thể thì chưa nhiều.

Ví dụ, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho lao động nữ nhưng chính sách hỗ trợ, bù đắp “thiệt thòi” cho chủ DN là nữ và DN sử dụng nhiều lao động nữ (tạm gọi chung là DN nữ) thì chưa cụ thể.

* Vài kiến nghị cụ thể của bà về chính sách cho DN nữ?

- Nhà nước cần hỗ trợ cho DN nữ các khóa đào tạo để nâng cao kiến thức hội nhập, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn để giảm nhiều chi phí do bị... “thiệt thòi”, đặc biệt là chính sách giảm thuế dựa trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý mà DN dành cho các lao động nữ của họ.

Các nước trên thế giới đều rất quan tâm phát triển các DN do nữ làm chủ bằng việc thi hành các chính sách hỗ trợ cho đối tượng này. Ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phụ nữ miễn phí khi tìm hiểu về các quy trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thiết lập mạng lưới kết nối của riêng mình qua một trang web chung. Hay như Hàn Quốc và Malaysia đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DN nữ tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại...

* DN cơ khí, sản xuất xe máy, quạt điện, đồ điện gia dụng... đang khó khăn do thị trường bị thu hẹp từ 50 - 70%, nguyên nhân lớn nhất là do không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc có chất lượng thấp hơn và giá rẻ hơn. Vậy bà đã có kiến nghị gì cụ thể để hỗ trợ cho các DN trong lĩnh vực này?

- Hiện, giá thành sản xuất các mặt hàng này tại Việt Nam vẫn cao do công nghệ sản xuất cũ, không có đất mở nhà xưởng. Nhiều DN muốn cải tiến công nghệ, mở rộng nhà xưởng nhưng không đủ vốn, vay ngân hàng thì lãi suất cao.

Để tháo gỡ, tôi đã kiến nghị chính quyền thành phố lập cụm Công nghiệp Cơ khí - Điện với quỹ đất sạch, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, điện, nước để cho DN thuê với giá thấp. Bên cạnh đó cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành tăng cường kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước, tạo cơ chế cho các DN nhỏ vay vốn đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị mới được thế chấp bằng tài sản hình thành trong quá trình đầu tư.

Với các DN nhỏ và vừa trong ngành Cơ khí - Điện TP.HCM, chúng tôi cũng đã tham mưu cho chính quyền tập trung hỗ trợ chuyển đổi công nghệ cũ sang ngành nghề có hàm lượng giá trị gia tăng cao và đã có khoảng 30% DN chuyển đổi thành công.

* Một cái khó cho hàng Việt phải kể đến là do tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng...

- Đúng, đành rằng vào sân chơi quốc tế thì DN phải theo quy luật thị trường và người tiêu dùng có quyền chọn lựa sản phẩm tốt. Song, ở góc độ là công dân Việt Nam thì mỗi người dân phải có trách nhiệm với hàng Việt, đó cũng là cách hỗ trợ DN trong nước và nâng cao lòng tự tôn dân tộc.

Tinh thần của người dân Hàn Quốc, Nhật Bản là một ví dụ nên giờ này DN của họ mới lớn mạnh và có nhiều sản phẩm tốt mang lại uy tín cho đất nước. Điều đáng buồn là hiện nay, thu nhập của người dân Việt Nam chưa cao nhưng rất nhiều người thích dùng hàng ngoại và hàng cao cấp, xa xỉ.

* Đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, trong số đó, bà trăn trở nhất lĩnh vực nào?

- Mỗi lĩnh vực đều có những thuận lợi và bất cập riêng. Song, tôi trăn trở nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ, đây được xem là ngành liên quan tới nhiều lĩnh vực nhưng các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ trong nước còn yếu và đang phải đối diện với nhiều thách thức. Thực tế, cũng có nhiều DN nước ngoài đặt vấn đề để DN Việt Nam cung cấp các sản phẩm phụ trợ, nhưng họ luôn yêu cầu phải có hệ thống này, hệ thống khác cùng rất nhiều tiêu chuẩn, điều kiện mà mình chưa thể đáp ứng.

Muốn đáp ứng thì phải đầu tư, mà đầu tư lại không hiểu chiến lược của đối tác như thế nào, nếu đầu ra không có hoặc không được đối tác chọn thì coi như... lỗ. Vì vậy, nhiều năm nay, các DN không tự tin đầu tư và cái vòng luẩn quẩn chưa giải quyết được. Bản thân tôi cũng nhiều lúc trăn trở, nếu mình không tự tin đầu tư, vẫn sản xuất theo công nghệ cũ thì mất khả năng cạnh tranh, còn nếu đầu tư thì không biết đầu tư ra sao...

* Kinh doanh đa ngành đang là xu hướng chung của DN, nhưng nhiều DN chọn đa ngành theo ngành dọc vì cho rằng ít rủi ro, trong khi Tiến Lộc lại đầu tư vào rất nhiều ngành, quan điểm của bà về hướng đi này?

- Khi đất nước mở cửa hội nhập, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư thì mình phải biết chuyển hướng mở rộng cơ hội đầu tư để đáp ứng thị trường.

Ví dụ, trước đây, khi đầu tư vào sản xuất phụ tùng, linh kiện xe gắn máy, sản xuất cơ khí, cơ điện, nhựa và các sản phẩm phụ trợ..., mục đích của Tiến Lộc chỉ để phục vụ cho dây chuyền sản xuất, lắp ráp xe máy của Công ty, nhưng hiện nay do nguồn cầu lớn nên các sản phẩm này đã được mở rộng và cung ứng cho nhiều lĩnh vực và DN sản xuất khác, đồng thời Tiến Lộc tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư vào nhiều lĩnh vực như bất động sản, tài chính, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và cuối năm nay chúng tôi sẽ ra mắt trung tâm đào tạo kỹ năng cho DN và cuối năm 2019 sẽ khánh thành trường quốc tế...

Theo tôi, trong chiến lược của mỗi DN, bao giờ cũng có hai mảng: kinh doanh và đầu tư. Trong đó, kinh doanh là lợi nhuận trước mắt, còn đầu tư là lâu dài. Vì vậy, kinh doanh đa ngành không rủi ro mà rủi ro là do không hiểu rõ lĩnh vực đầu tư cũng như chưa tính toán phù hợp để có hướng đi đúng. Hơn nữa, nếu đầu tư vào lĩnh vực mình tâm huyết, có mục đích thì sẽ có thêm động lực để theo đuổi và vượt qua mọi trở ngại, thách thức.


* Nói vậy, động lực đầu tư vào giáo dục của bà là gì?

- Cả cuộc đời kinh doanh, tôi đã làm hết sức mình để đưa DN đạt đến đích ổn định và khi đã phát triển thì phải để lại cho đời cái gì, đây mới là đoạn kết của DN và tôi chọn giáo dục.

Một mặt, giáo dục là lĩnh vực tôi đã ấp ủ từ lâu và muốn xây dựng một trường quốc tế đạt chất lượng đào tạo và quy mô, làm sao đào tạo được một thế hệ học sinh là những công dân toàn cầu, có nhận thức, trình độ, sống có trách nhiệm với bản thân và tự tin, độc lập trong cuộc sống. Đây là lĩnh vực mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội.

Mặt khác, con trai tôi cũng đã có bằng thạc sĩ và đang học tiếp tiến sĩ về giáo dục nên tôi muốn định hướng sự nghiệp cho con. Mỗi người đều có một mục đích theo đuổi và khi đã chọn đầu tư vào giáo dục thì đừng đặt lợi nhuận lên hàng đầu mới mong đi được đến đích và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc mở trung tâm đào tạo kỹ năng mềm cho doanh nhân cũng xuất phát từ thực tế cần và thiếu của DN Việt Nam, trong đó có cả bản thân tôi. Các kỹ năng mềm rất cần để trang bị cho doanh nhân hội nhập và mỗi thời kỳ đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau. Vì vậy, chương trình đào tạo sẽ theo giáo trình của nước ngoài nhưng cập nhật điều kiện mới và phù hợp với văn hóa Việt Nam.

* Tham gia công tác xã hội nhiều năm và đóng góp rất nhiều cho Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng nhưng bà vẫn nói: “Chưa làm hết trách nhiệm”, động lực nào khiến bà tích cực với công tác xã hội đến vậy?

- Người làm công tác xã hội thì không có động lực nào ngoài tâm sáng và trái tim nóng, biết nghĩ đến người khác, chia sẻ nhiều hơn. Hiện nay, 50% thời gian của tôi dành cho công tác xã hội. Ngay cả lúc kinh tế khó khăn, DN gặp nhiều trở ngại phải giải quyết nhưng tôi vẫn dành thời gian và đóng góp cho cộng đồng.

Đối tượng tôi đặc biệt quan tâm là các phụ nữ làm kinh tế, các em gái trẻ khởi nghiệp, học sinh học giỏi bị gián đoạn việc học..., bởi phụ nữ Việt Nam vẫn còn vất vả và bị đối xử không công bằng, nhất là phụ nữ nông thôn.

Càng tham gia công tác từ thiện, xã hội, càng đi sâu vào cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, tôi càng thấy còn nhiều việc phải làm, phải giúp và dù những chuyến đi vất vả, tay vác thùng mì, quần xắn móng lợn, lội sình, đội mưa nhưng lại là niềm vui và hạnh phúc, lâu lâu không đi lại nhớ, thậm chí có lúc chợt nghĩ: Trời sinh mình ra để làm việc này.

Theo Doanh nhân Sài Gòn