Sự lựa chọn khác biệt

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phú Thọ, cũng như nhiều thiếu nữ cùng trang lứa đầu những năm 2000, Thu Huyền cũng từng bị thu hút bởi các sản phẩm dầu gội và sữa tắm có nhiều mùi hương hấp dẫn. Thời điểm đó, đây là những mặt hàng xa xỉ phẩm mà không phải ai cũng có điều kiện dùng, nhưng dù tò mò và yêu thích đến đâu thì cơ địa nhạy cảm đều khiến làn da cô lập tức kích ứng khi tiếp xúc với nó.

Lý do này đã thôi thúc Huyền tìm về các phương pháp chăm sóc da dân gian và gieo mầm cho hành trình phát triển dòng sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên của cô sau này.

“Tôi đã từng theo học ngành hóa dược, nhưng cũng nhanh chóng nhận ra không phù hợp bởi các sản phẩm hóa dược muốn làm ra thì đều cần phải sử dụng hóa chất vô cơ khá nguy hiểm như axit sunfuric hay axit clohidric”, Huyền nói.

Cơ duyên tiếp tục đưa đẩy cô qua một số vị trí công việc khác như nhân viên văn phòng, phụ trách đào tạo trong công ty mỹ phẩm handmade và sau đó làm chủ một nhãn hàng riêng vào năm 2015.

“Hồi đó còn quá trẻ, tôi nghĩ rằng chỉ cần mở một cửa hàng mỹ phẩm handmade đủ để phục vụ một lượng khách hàng nhỏ và có khoản thu nhập hàng tháng là ổn”, Huyền tâm sự. “Nhưng tôi dần nhận ra làm mỹ phẩm không giống như làm bánh. Nếu sản phẩm không được cơ quan quản lý chứng nhận, nó sẽ dễ bị đánh đồng với những sản phẩm kém chất lượng không rõ nguồn gốc và dần mất niềm tin từ khách hàng. Sự liều lĩnh đã thôi thúc tôi quyết định khởi nghiệp lần hai và đến năm 2019 thì Mộc Hương chính thức thành lập”.

leftcenterrightdel
 Cỏ cây hoa lá thiên nhiên mang đến nguồn cảm hứng cho Thu Huyền

Giống như bất kì thương hiệu mới nào, cả Huyền và Mộc Hương đều từng loay hoay với định hướng phát triển. “Không trở thành rác” là điều vị CEO này tâm niệm, nhưng dấu ấn mạnh mẽ của hành trình chỉ thực sự bắt đầu khi cô làm mẹ và dành nhiều quan tâm hơn với các liệu pháp chăm sóc sức khỏe bằng thảo mộc. Huyền khát khao tạo ra một dòng sản phẩm thực sự khác biệt so với những sản phẩm đang được bán trên thị trường và quan trọng nhất, nó bắt buộc phải phù hợp với những người có cơ địa dị ứng hoá chất giống như cô.

“Thị trường có nhiều loại dầu gội và sữa tắm, nhưng về bản chất chúng vẫn na ná giống nhau. Nếu Mộc Hương cũng là một nhãn hàng giống như vậy thì người tiêu dùng chỉ thêm đau đầu để lựa chọn, vị CEO trẻ tuổi cho biết.

Đúng như tên gọi, các sản phẩm từ sữa tắm, dầu gội đầu, tinh dầu và mỹ phẩm dưỡng da của Mộc Hương luôn tập trung vào những gì mộc mạc và đơn giản nhất.

leftcenterrightdel
 Sản phẩm mộc và đơn giản được khách hàng đón nhận 

Huyền chia sẻ, Mộc Hương là một nhãn hàng bản địa nên hầu hết các nguyên liệu đều là những cây cỏ gần gũi, quen thuộc có thể dễ dàng tìm thấy trong bất cứ khu vườn nhà nào. Sản phẩm của Mộc Hương cũng tối ưu những thành phần nguyên liệu tự nhiên, đảm bảo khả năng phân hủy an toàn với môi trường. Cuối cùng, dù có đơn giản và thuần tự nhiên đến đâu thì cô mong muốn người tiêu dùng sẽ trở nên đẹp hơn, khỏe hơn và thư giãn hơn khi sử dụng những sản phẩm của mình.

Đây cũng là 4 giá trị về truyền thống, giá trị xanh, giá trị cảm xúc và giá trị sức khỏe mà Mộc Hương đang theo đuổi.

leftcenterrightdel
 Thu Huyền kiên định với những sản phẩm xanh

Vòng tròn của hạnh phúc

Từ sự định vị rõ ràng, Huyền bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu riêng cho Mộc Hương. Mảnh vườn rộng hơn 1000 m2 của bố mẹ cô ở quê đã trở thành vùng nguyên liệu đầu tiên để rồi sau đó, những vùng nguyên liệu trồng cam, trồng tía tô, trồng mùi già… của Mộc Hương trên khắp cả nước cũng lần lượt hình thành.

“Khó khăn lớn nhất khi chọn phát triển theo hướng bản địa chính là tìm đầu ra của sản phẩm. Trong mọi tình huống, Mộc Hương cam kết thu mua và luôn cố gắng bao tiêu toàn bộ đầu ra cho nông dân vùng trồng để có thể kiểm soát nguồn nguyên liệu một cách tốt nhất”, Huyền chia sẻ.

Khi mới thành lập, 300 sản phẩm đầu tiên của Mộc Hương đã bán hết sạch chỉ trong một tuần dù không hề được quảng cáo. Năm thứ 2, quy mô sản xuất đã tăng gấp 3 và tới năm nay, Mộc Hương tự tin có thể vững vàng hơn trên con đường đã chọn với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các đơn hàng lớn.

Tuy nhiên, CEO Mộc Hương cho biết cô không bất chấp tất cả để theo đuổi bài toán lợi nhuận, bởi con đường của mỹ phẩm tự nhiên là một con đường bền vững và lâu dài.

“Nhiều khách sạn, homestay từng liên hệ đặt hàng số lượng lớn, tôi không nhận lời vì chi phí họ đưa ra còn kém xa so với nguồn vốn sản xuất. Mộc Hương không thể giảm bớt chất lượng để đáp ứng những đơn hàng này”, cô khẳng định.

Điểm hay của Mộc Hương là nhãn hàng sẵn sàng nói “Không” với những yêu cầu liên quan tới chất lượng, nhưng lại rất hào hứng với những hoạt động liên quan tới môi trường, tới cộng đồng. Suốt nhiều năm qua, Mộc Hương luôn thu mua chai, lọ sản phẩm đã sử dụng để tái chế. Thương hiệu này cũng xây dựng một quỹ thiện nguyện riêng trích từ doanh thu bán sản phẩm nước tắm mùi già, một trong những dòng sản phẩm nổi tiếng nhất của Mộc Hương rất được ưa chuộng vào dịp gần Tết nguyên đán.

leftcenterrightdel
Thu Huyền hào hứng với những hoạt động liên quan tới môi trường, tới cộng đồng 

Có thể thấy, vòng tuần hoàn khép kín là hình thái mô phỏng chính xác nhất hành trình của Mộc Hương. Nó không chỉ là vòng đời trọn vẹn của một sản phẩm từ khâu sản xuất tới phân phối, không chỉ là chu kì của những sản phẩm mỹ phẩm thuần tự nhiên tới lúc tự tiêu hủy trong môi trường mà còn là sự tròn đầy của hạnh phục khi được cho đi và nhận lại.

“Sau này tôi mới biết có một khái niệm gọi là kinh tế tuần hoàn”, CEO Công ty TNHH Mộc Hương thừa nhận. “Khi chạm đến kinh tế tuần hoàn, chúng tôi nhận thấy có chung nhiều giá trị và thực tế trong suốt nhiều năm qua, Mộc Hương đã luôn áp dụng những triết lý đó vào hoạt động của mình”.

Hoàng Oanh