Hậu duệ vua Mèo
Những ai từng ghé thăm di tích Nhà Vương (bản Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) thường bắt gặp một phụ nữ nhỏ nhắn, trang phục người H’mông gọn gàng, chiếc mic lúc nào cũng thường trực trên ve áo. Bên hông chị là một chiếc loa nhỏ - thiết bị đặc thù của những hướng dẫn viên du lịch. Giọng chị vẫn có những nét không thể lẫn trong giọng nói người H’mông, vẫn có những tiếng chưa tròn vành rõ chữ… Đó chính là Vương Thị Chờ - hậu duệ của vua Mèo Vương Chí Sình lừng lẫy cao nguyên đá Đồng Văn một thời.
|
Chị Vương Thị Chờ - hậu duệ đời thứ tư của vua Mèo Vương Chí Sình - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Vương Thị Chờ (sinh năm 1983) là cháu nội đời thứ tư của cụ Vương Chí Sình. Hơn cả hậu duệ cùng huyết thống, chị còn là một phần không thể thiếu của di tích Nhà Vương, có cả tuổi thơ sinh ra và lớn lên trong khu dinh thự. Đến bây giờ, chị đã có hàng chục năm gắn bó với khu di tích của ông cha, hằng ngày đưa khách du lịch khám phá khu dinh thự, say mê kể những câu chuyện lịch sử gắn với di tích, những câu chuyện cuộc đời của tổ tiên mình cho du khách, để họ hiểu hơn về đất và người xứ đá.
Chờ là chắt thuộc chi 3 của vợ 3 Vương Chính Đức - con trai cụ Vương Chí Sình. Mẹ Chờ vốn là một cô gái H’mông nhà nghèo ở Đồng Văn được bố chị lấy về làm vợ, sau đó sống trong dinh thự Nhà Vương. Cả 7 anh em Chờ đều sinh ra và lớn lên trong tòa dinh thự. Tuổi thơ của chị gắn với tán rừng sa mộc, thân thuộc với những con đường đá, những hốc ngô, con dốc, mái nhà họ Vương.
Đầu những năm 2000, di tích Nhà Vương bắt đầu đón khách du lịch. Khi đó, gia đình Chờ cùng 5 hộ gia đình khác - cũng là con cháu hậu duệ vua Mèo - vẫn ăn ở, sinh hoạt trong khu dinh thự. Nhưng, việc để con cháu ăn ở tại dinh thự và vẫn tổ chức đón khách du lịch đã phát sinh nhiều bất tiện: có những lúc các gia đình đang ăn cơm thì khách đến; chỗ ăn ở, sinh hoạt lồng ghép với khu di tích… ảnh hưởng tới sự uy nghiêm của di tích. Vì lẽ đó, năm 2004, ngành văn hóa của Hà Giang chủ trương dời các hộ dân ra khỏi khu vực dinh thự để bảo toàn di tích một cách đúng nghĩa. Từ đó tới nay, khu dinh thự hoàn toàn là một khu di tích, không có người ăn ở sinh hoạt bên trong.
Cùng thời điểm Chờ tốt nghiệp cấp III, năm 2007, Hà Giang có chương trình đào tạo hướng dẫn viên tại chỗ cho các khu du lịch trong tỉnh. Chờ tham gia. Khi ấy, chị còn ngại ngần giao tiếp với người lạ. Nhưng, như có một sự thôi thúc, Chờ vượt qua những ngại ngần, say mê tìm hiểu những điều bí ẩn, mới lạ về lịch sử, văn hóa của chính tòa dinh thự cha ông mà cả tuổi thơ chị gắn bó. Chị trở thành hướng dẫn viên du lịch thế hệ đầu tiên của di tích Nhà Vương, một phần của tòa dinh thự dòng họ Vương đất Đồng Văn hơn chục năm qua.
Với tôi, Vương Thị Chờ luôn ẩn chứa những điều bí ẩn. Gương mặt thanh tú, khá góc cạnh, đôi mắt buồn như biết nói ẩn dưới hàng lông mày đen nhánh như pha màu của đá xám cao nguyên, trầm tư nhưng không hẳn u buồn. Tôi đã nhiều lần bắt gặp những khoảng lặng khi vắng khách, chị ưu tư nhìn ra phía 2 đỉnh núi đối diện với cửa chính của Nhà Vương - biểu tượng cho quan Văn - quan Võ, thế đất mà khi cụ nội của chị cắm đất dựng dinh thự ở Sà Phìn đã mượn xem xét rất cẩn trọng, kỹ lưỡng.
|
Chị Vương Thị Chờ (trái) trong vai trò hướng dẫn viên - Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Dinh thự Nhà Vương nằm trọn vẹn trong thung lũng Sà Phìn, lưng tựa núi, mặt nhìn ra một thung lũng khác, 2 bên có núi Văn - núi Võ như 2 người canh gác. Thời chiến tranh biên giới, đạn pháo từ bên kia nã sang bắn phá Đồng Văn, bắn phá Sà Phìn nhưng khu dinh thự vẫn vững như bàn thạch, không một lần trúng tên rơi, đạn lạc bởi nó quá tầm rót của pháo. Tôi cũng rất bất ngờ về điều này” - Chờ nói với tôi khi đã đủ thân tình.
Địa chỉ du lịch đầy tự hào của vùng cực Bắc
Ở Lũng Phìn hiện có 22 hộ gia đình là hậu duệ của vua Mèo Vương Chí Sình đang sinh sống. Đây là nhánh lớn nhất vẫn bám trụ ở vùng cao nguyên đá, nơi vua Mèo Vương Chí Sình đã bỏ tâm huyết để xây dựng khu dinh thự trong thời kỳ hoàng kim của ông. Giờ đây, nó là tài sản vô giá mang lại việc làm, nguồn thu nhập cho con cháu ông, đồng thời cũng là địa chỉ du lịch đầy tự hào của vùng cực Bắc.
Theo Vương Thị Chờ, ngoài những hậu duệ ở lại Hà Giang, một nhánh nhỏ đang định cư ở nước ngoài, một số ở TPHCM và Hà Nội. Từ năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã bàn giao sổ đỏ tòa dinh thự vua Mèo cho con cháu dòng họ Vương - những người thừa kế hợp pháp, đồng sở hữu công trình. Từ 6 hộ gia đình (vào năm 2004), đến thời điểm hiện tại, hậu duệ Vương Chí Sình đã phát triển lên thành 22 hộ ở Lũng Phìn.
Năm 2021, các con cháu vua Mèo đã thành lập Hợp tác xã (HTX) du lịch khu di tích Nhà Vương gồm 22 xã viên đại diện cho 22 gia đình hậu duệ. Mỗi người một công việc, nhiệm vụ. Chờ là hướng dẫn viên chính, chủ lực của di tích Nhà Vương. Chị say mê, tự hào giới thiệu cùng du khách những câu chuyện, những lát cắt lịch sử của cố nội Vương Chí Sình, những câu chuyện gắn với di tích dinh thự, từ cấu tạo, kiến trúc, cách chế tác… theo ý tưởng của người chủ công trình gắn với những nét văn hóa đặc sắc của người H’mông trên cao nguyên đá.
Nguồn thu của HTX từ tiền bán vé cho khách tham quan. Mỗi tháng, HTX trích một phần để trả lương cho nhân viên, đóng góp các nghĩa vụ đối với nhà nước; phần còn lại để trùng tu, giữ gìn, bảo tồn khu di tích. Mấy năm gần đây, để đào tạo thế hệ kế tiếp, Chờ lui về hậu trường, phụ trách quầy bán vé tham quan, để việc hướng dẫn cho các bạn trẻ khác đảm nhiệm.
|
Khu di tích Nhà Vương ở Hà Giang - Nguồn ảnh: Internet |
“Những gì tôi biết, tôi đã truyền lại cho các em, các cháu. Các cháu giờ trưởng thành rồi, phải biết được lịch sử ông cha. Đó không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm, cách thức giữ gìn truyền thống của dòng họ và thật ý nghĩa khi con cháu của dòng họ giới thiệu về tổ tiên, dòng tộc mình” - Chờ chia sẻ.
Chị nói tiếp: “Làm hướng dẫn, một ngày giới thiệu cho bao nhiêu đoàn khách, có thời điểm tôi bị mất tiếng. Lúc ấy, tôi mới giật mình nhận ra, phải có người hỗ trợ, cùng hướng dẫn với mình, phòng khi tôi bị ốm không đi hướng dẫn được”.
Giờ thì Chờ không còn lo lắng nữa. Công trình do cụ tổ của chị xây dựng đã được gần 120 năm những vẫn giữ được cơ bản những kiến trúc đẹp đẽ, tinh tế. Đây là công trình quy mô lớn nhất thời điểm đó và cũng là lớn nhất cho đến bây giờ của người H’mông ở Đồng Văn. Cụ Vương Chí Sình đã bỏ một số tiền rất lớn để mời những người thợ Vân Nam, Trung Quốc sang xây dựng cùng với những người thợ H’mông.
“Dinh thự nằm trọn vẹn trong thung lũng Sà Phìn, tựa lưng vào dãy núi cao, hướng nhìn ra thung lũng rộng phía trước. Từ trên cao nhìn xuống, quần thể dinh thự như nằm trên một chiếc mai rùa khổng lồ. Kiến trúc của dinh thự là sự kết hợp 3 nền văn hóa Trung, Pháp và H’mông nhưng văn hóa H’mông vẫn là chủ đạo” - Chờ giới thiệu về khu di tích, ánh mắt lấp lánh niềm tự hào.
Theo phụ nữ TPHCM