|
|
Nữ giám đốc 9x Vũ Thị Quyên |
Vũ Thị Quyên (sinh năm 1990, Hà Đông, Hà Nội) mang trong mình căn bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh. Không thể đứng và đi lại như người bình thường nên cuộc sống của Quyên từ nhỏ đã gắn liền với chiếc xe lăn.
Từ nhỏ Vũ Thị Quyên đã ý thức được những khác biệt của bản thân so với bạn bè cùng trang lứa. Để tránh những ánh mắt soi mói của mọi người, Quyên tìm niềm vui ở sách vở và tự nhủ bản thân phải học thật giỏi, chỉ có học mới cải thiện được cuộc sống. 12 năm liền Quyên đều đạt được thành tích cao trong học tập. Thời điểm tốt nghiệp THPT, đã có trường gửi giấy về nhà, thế nhưng biến cố gia đình ập đến, cộng thêm khó khăn di chuyển nên Quyên đành bỏ lỡ giấc mơ theo đuổi Đại học của mình.
Dù vậy, cô gái 9X chưa bao giờ ngừng cố gắng, Quyên cũng tìm cho mình những công việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Giống như nhiều người khuyết tật khác, Vũ Thị Quyên không dễ dàng tìm được cho mình một công việc phù hợp. "Tại thời điểm ấy, mình cảm thấy rất mông lung, vô định, không biết tương lai mình sẽ như thế nào, đi về đâu, mình sẽ làm được gì? Rất nhiều lúc, mình tự ngẫm nghĩ, dằn vặt bản thân, rằng không lẽ mình sẽ tiếp tục trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội hay sao?".
|
|
Nữ giám đốc 9X Vũ Thị Quyên chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trong Trạm yêu thương phát sóng vào 10h thứ Bảy 22/10/2022 trên kênh VTV1. |
Khơi dậy tiềm năng của người khuyết tật
Quyên tự tin chia sẻ: "Mỗi giải thưởng, mỗi học bổng là những cột mốc đáng nhớ của mình. Học bổng dành cho nữ lãnh đạo tại Australia vào năm 2016 là bước ngoặt lớn nhất giúp mình có ngày hôm nay. Vì mình chỉ học xong lớp 12, từ bỏ ước mơ Đại học nên khi được đứng trên một giảng đường quốc tế, mình hết sức tự hào. Và khi đó mình nhận ra, người khuyết tật cũng có thế mạnh riêng, có thể làm được lãnh đạo và tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác".
Dường như trải qua nhiều biến cố, Vũ Thị Quyên càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết: "Giữa lúc bế tắc, chán nản, mình đã được giới thiệu học tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Ở đây, mình được đào tạo về công nghệ thông tin cơ bản, sau đó chuyển sang học bán vé máy bay. Những đồng lương đầu tiên của mình đến bây giờ mình vẫn nhớ rất rõ, đó là khoảng 500 nghìn đồng. Ngày nhận những đồng lương đầu tiên, mình cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc. Dù là ít ỏi nhưng nó truyền cho mình niềm tin vào bản thân, có những đánh giá và nhìn nhận khác về thế mạnh cũng như năng lực của người khuyết tật".
Trở về sau khoá học đào tạo cho nữ lãnh đạo tại Australia, năm 2018, Quyên cùng những người bạn có chung ý tưởng, thành lập công ty thiết kế đồ họa We-Edit Việt Nam. Vũ Thị Quyên tự hào bật mí về ý nghĩa sâu xa mà chính cô gửi gắm trong tên công ty của mình. "Đối với những người khuyết tật hoặc nhóm học vấn thấp (tức là tốt nghiệp lớp 12 hoặc dưới 12 trở xuống), họ rất khó kiếm được công việc tốt. Nếu như đi làm, công việc mà họ nhận được thường chỉ là những công việc lao động chân tay hoặc công nhân trong các dây chuyền nhà máy. Tuy nhiên, công việc này lại không phù hợp với những người khuyết tật.
Do đó, mình và hai anh chị cộng sự đã quyết định thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp đồ họa mảng bất động sản chuyên nghiệp cho các khách hàng quốc tế. Mặc dù công ty làm việc với khách hàng nước ngoài nhưng tất cả hệ thống đều là trực tuyến. Do đó, các bạn chỉ cần ngồi một chỗ và không cần phải di chuyển quá nhiều trong quá trình làm việc. Với điều kiện như vậy thì công việc này hoàn toàn phù hợp với các bạn khuyết tật vận động, khuyết tật câm điếc mà vẫn đảm bảo được thu nhập ổn định".
|
|
Vũ Thị Quyên tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật, yêu thế |
Hiện tại, công ty thiết kế đồ họa của Quyên đang là nơi làm việc của gần 100 người với 30% nhân viên là người khuyết tật. Để tìm được công việc phù hợp với năng lực của những người yếu thế, Quyên chẻ nhỏ quy trình công việc để chia sẻ với từng cá nhân.
Không chỉ chiến thắng bản thân, Quyên còn chứng minh cho mọi người thấy "người khuyết tật hoàn toàn có thể làm lãnh đạo, hoàn toàn có thể làm việc như những người bình thường, thậm chí giúp đỡ người khuyết tật khác hay cả người bình thường trong cuộc sống".
"Cho dù bạn là ai, bạn sinh ra cách vạch đích bao xa thì điều quan trọng nhất là bạn có tư duy "suy nghĩ ra khỏi chiếc hộp" để tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình và cho những người xung quanh bạn" - đó là phương châm mà Vũ Thị Quyên luôn ấp ủ trong hành trình vươn lên của chính mình.
Mai Lê