Ấn tượng về hiệu ứng của lễ hội hoa anh đào hằng năm tại thủ đô Washington D.C của Mỹ với hàng ngàn cây anh đào do Nhật Bản trao tặng từ năm 1912, nữ doanh nhân gốc Việt Erin Phương Steinhauer quyết định phải làm gì đó để bắc cầu văn hóa giữa Việt Nam và quê hương thứ 2 của mình.
"Hoa anh đào, thiền, phim hoạt hình tràn ngập những khu vực Đồi Capitol vào mỗi dịp xuân về và các lễ hội luôn đông nghẹt. Khi nhìn thấy châu Á ở đất nước này, chúng ta thường thấy Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Đó là những nền văn hóa lớn, nhưng nền văn hóa của Việt Nam cũng lớn như thế", bà chia sẻ về nguồn cảm hứng khiến bà cùng chồng là ông Peter Steinhauer thành lập Tổ chức Vietnam Society.
|
|
Bà Phương trước sự kiện Tuần Việt Nam lần 2 |
Thay đổi góc nhìn
Tại Washington D.C, Vietnam Society năm 2023 tổ chức thành công sự kiện Vietnam Week (Tuần Việt Nam) lần thứ 2, sau khi sự kiện năm 2022 gây tiếng vang lớn trong cộng đồng người Việt cũng như các cộng đồng khác tại Mỹ.
Sự kiện lần 2, diễn ra vào cuối tháng 9, cũng nhằm tôn vinh văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam với các hoạt động chiếu phim, thảo luận về sách, giới thiệu ẩm thực Việt và các hoạt động khác. Phân nửa chợ Đông tại Đồi Capitol được dùng làm nơi giới thiệu về ẩm thực Việt. Vietnam Week lần 2 diễn ra vào mùa thu và Vietnam Society còn mang đến không khí tết Trung thu Việt Nam với nhiều hoạt động như rước đèn ông sao, đèn cá chép và thưởng thức bánh trung thu.
|
|
Cà phê Việt Nam được chuẩn bị cho sự kiện Tuần Việt Nam tại Mỹ |
Theo đầu bếp Kevin Tien tại nhà hàng Việt Moon Rabbit ở Washington D.C, nhiều người Mỹ khi nói về Việt Nam thì một trong những điều đầu tiên họ nghĩ đến là chiến tranh. Chính vì thế, những sự kiện trên là cơ hội để thay đổi góc nhìn của người Mỹ về Việt Nam.
Giới thiệu văn hóa
Trên tinh thần đó, đầu bếp Tien và bà Phương nằm trong số nhiều người gốc Việt muốn mọi người có cái nhìn thêm về Việt Nam, thông qua văn hóa. Tại nhà hàng Moon Rabbit, anh Tien giới thiệu các món cơm lá dứa, cà phê Việt, cách mà bà của mình làm món cá kho tộ. Đó là những gì anh muốn gửi gắm, để những người ở Mỹ hiểu hơn về quê hương anh. Tương tự, bà Phương cũng muốn người Mỹ hiểu nhiều hơn về nền văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam, chứ không đơn thuần là những ấn tượng về chiếc nón lá, ruộng đồng và hậu quả chiến tranh.
Bà Phương là hậu duệ của danh nhân Phạm Phú Thứ, vị quan triều Nguyễn có nhiều đóng góp trong quá trình khai hoang và đặc biệt là bang giao với phương Tây vào thế kỷ 19. Bà cho biết kim chỉ nam của Vietnam Society, thành lập hồi đầu năm 2021, là tăng cường hiểu biết văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ.
"Chúng tôi tin tưởng rằng nỗ lực này sẽ nâng cao hơn nữa hiểu biết về Việt Nam của những người Mỹ, thay đổi tư duy Việt Nam chỉ nhắc tới cuộc chiến tranh, sang Việt Nam như một đất nước có bề dày 4.000 năm lịch sử. Những điều chúng tôi làm cũng sẽ giúp hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống trên đất nước Mỹ có cơ hội kết nối và gắn bó với di sản và cội nguồn văn hóa của mình", theo các nhà sáng lập tổ chức.
Cụ thể, Vietnam Society tập trung quảng bá về những truyền thống đã được hình thành từ nhiều thế kỷ của Việt Nam cũng như giới thiệu hình ảnh của một Việt Nam tươi mới và đầy màu sắc, tập trung vào các lĩnh vực nghệ thuật, phim ảnh, văn học và ẩm thực. "Chúng tôi kết nối các cộng đồng thông qua việc tụ hội những người chia sẻ sự trân trọng đối với Việt Nam để cùng thưởng lãm những truyền thống lâu đời và phương hướng nghệ thuật đương đại của đất nước. Chúng tôi cũng kết nối các cộng đồng đam mê nghệ thuật với nhau và với các khán giả quốc tế", theo Vietnam Society.
Theo Thanh niên