|
|
TS. Đào Thị Châu Hà. (Ảnh: NVCC) |
Trò chuyện với TG&VN, chị Hà chia sẻ nhiều tâm huyết đối với công việc ý nghĩa mà chị ví như “cây đời mỗi ngày càng xanh mát, sum suê”...
Được vinh danh là Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023, chị có những cảm xúc đặc biệt gì?
Tôi thực sự rất vui khi nhận được danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài, bởi lẽ đây là một vinh dự, đánh giá có phần ưu ái của đất nước với những gì cá nhân tôi và các bạn đồng nghiệp ở nhiều quốc gia đã và đang làm.
Mấy năm qua âm thầm cố gắng, tôi không nghĩ là mình làm việc để được đánh giá như vậy đâu. Tôi làm trước hết vì con tôi, vì các em nhỏ Việt Nam xa xứ ở quanh tôi và cả những em nhỏ có một phần dòng máu Việt. Tôi mong chúng gắn bó hơn với quê hương Việt Nam và có phẩm chất của một “cá thể song ngữ” thông minh hơn, tiếp cận các vấn đề nhanh nhạy và sáng tạo hơn.
Tôi muốn con tôi và các cháu không bỏ lỡ cơ hội vô cùng quý báu mà bao nhiêu tiền cũng không thể mua được. Để các cháu trở thành “cá thể song ngữ” không bao giờ là quá muộn, nhưng tốt nhất là trở thành cá thể song ngữ khi tuổi đời còn nhỏ. Bởi lúc nhỏ các cháu học ngôn ngữ sẽ nhanh và thật tự nhiên.
Có được tiếng Việt - ngôn ngữ cội nguồn, các cháu còn có khả năng học tốt ngôn ngữ nơi chính các cháu đang sinh sống và các ngôn ngữ khác.
Tôi rất vui vì Tổ quốc không quên những người đang hằng ngày, hằng giờ lao động mưu sinh và vẫn cố gắng làm một công việc có ý nghĩa hướng về đất nước.
Trong niềm vui và tự hào đó lại pha trộn một phần lo lắng. Một cô giáo dạy tiếng khoác trên mình danh hiệu Sứ giả tiếng Việt chắc chắn trách nhiệm phải lớn hơn. Tôi phải làm gì để bài giảng của tôi ngày một hay hơn và sức lan toả của những việc đã làm ngày một xa hơn. Đấy là điều mà tôi vẫn luôn trăn trở.
|
|
Chị Hà dẫn chương trình Tết Trung thu 2023 tại Đức. (Ảnh: NVCC) |
Từng là cán bộ nghiên cứu của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cơ duyên nào đưa chị đến công việc gìn giữ tiếng Việt và truyền bá văn hoá ở nước Đức?
Tôi nghĩ cơ duyên là duyên định sẵn của mỗi người về một cái gì đó, dường như ai cũng có nhưng rất khác nhau, có người thấy ngay, có người phải lâu lâu mới thấy.
Tôi sinh ra trong một gia đình mà cả cha và mẹ đều là nhà giáo chuyên nghiên cứu về phương pháp dạy tiếng.
Cha tôi, trong đời công tác, với nhiều chuyến điền dã vùng sâu, vùng xa, đã để tâm sưu tầm khảo cứu văn hoá các dân tộc và thu được một số thành công nhất định. Mẹ tôi là Tiến sĩ chuyên ngành về phương pháp dạy tiếng.
Khi còn ở cùng bố mẹ, hằng ngày, tôi được chứng kiến sự cần mẫn của họ và tôi cũng phần nào cảm nhận được tấm lòng và tình yêu của cha mẹ trong công việc..
Sau khi thi vào đại học, qua đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ, tôi lại chọn một chuyên ngành khác, tưởng như đã bỏ lỡ cái nghề truyền thống dạy học, dạy tiếng của gia đình.
Sang Đức làm nghiên cứu sinh, lấy chồng người Đức, rồi sinh con. Hoàn cảnh cuộc sống đưa đẩy tôi gắn bó với một vùng đất mới. Được sự động viên của chồng cùng với bản năng và trách nhiệm của người mẹ, tôi quyết tâm truyền lại cho con mình tiếng nói của quê hương.
Và cứ thế, để đạt được kết quả, tự nhiên tôi lội ngược dòng đến với truyền thống, đến với kho sách quý của gia đình. Tôi nhận được sự khích lệ, giúp đỡ của cha mẹ cùng bao người thân yêu.
Đầu tiên, tôi dạy con tôi, sau đó dạy cho con các bạn tôi. Đến lúc này, chính con tôi lại là trợ thủ đắc lực cho mẹ trong việc dạy tiếng Việt. Dần dần, học trò đến với tôi như một nhà giáo dạy tiếng thực thụ. Số học sinh của tôi tăng dần, hình thức học tập mở rộng.
Nhiệm vụ và mục tiêu dạy tiếng Việt và truyền bá văn hoá Việt của tôi lớn dần lên, cố gắng của tôi cũng lớn lên theo mà chính tôi không ngờ được. Cơ duyên của tôi như một sự sắp đặt sẵn, tự nhiên đến rồi ở lại.
|
|
Những cuốn sách được chị Hà lựa chọn đọc cho các em nhỏ. |
Chị có nhiều sáng tạo trong việc sử dụng YouTube và podcast truyền cảm hứng cho người học và người xem, phải không?
Chương trình và tài liệu dạy tiếng mà tôi biên soạn cho mình, ban đầu chỉ là những giáo án với những kế hoạch giảng dạy ngắn hạn, sau trở thành kế hoạch trung hạn.
Về phương pháp dạy, ban đầu tôi đi từ phương pháp tự phát sau dần trở nên có ý thức hơn trong việc bổ sung, điều chỉnh, cập nhật với phương pháp dạy tiếng hiện đại trong nước và thế giới.
Tôi đã tham gia khoá đào tạo về tiếng và phương pháp dạy tiếng của các chuyên gia thuộc Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Qua thực tiễn giảng dạy, tôi nhận ra ý nghĩa sâu xa của những nội dung văn hóa chứa trong tiếng nói. Dạy tiếng Việt cho trẻ sống ở nước ngoài thì yếu tố văn hóa vô cùng quan trọng.
Tôi cần giúp các cháu hiểu hơn về văn hóa, nguồn cội của mình. Khi có sự can thiệp của văn hoá thì những bài dạy có sự hấp dẫn, mới mẻ. Thế là tôi đặt thành nhiệm vụ truyền bá văn hoá qua việc dạy tiếng.
Văn hoá không phải là cái gì quá xa lạ, có khi chỉ là một bài đồng dao xúc xắc xúc xẻ, một câu chuyện cổ tích loài vật, một nét ứng xử trong gia đình, một món ăn, điệu hát quê nhà, trò chơi có lời…
Tôi thấm thía rất sâu sắc chức năng của ngôn ngữ là giao tiếp, thông tin và thẩm mỹ. Dạy tiếng cho các cháu là dạy lời hay, ý đẹp và cao hơn hết là dạy tình yêu Tổ quốc, điều này biểu hiện rất rõ với người Việt xa xứ.
Chị hẳn đã có thêm nhiều ý tưởng trong thời gian tới?
Tôi muốn hoàn chỉnh thêm những ý tưởng của mình theo mấy hướng: mở rộng và củng cố các hình thức dạy học, dạy qua kể chuyện, dạy trực tiếp, dạy trực tuyến, dạy theo tranh, dạy theo bài hát cũng như kết hợp với các trò chơi dân gian; khai thác tốt các nội dung văn hoá đưa vào bài dạy theo yêu cầu nhẹ nhàng, phong phú và hấp dẫn; xây dựng ngân hàng dữ liệu câu hỏi trắc nghiệm để giúp mình làm tốt hơn nhiệm vụ dạy học trước mắt và lâu dài; tiếp tục hoạt động trò chuyện và đọc sách tiếng Việt trực tuyến hằng tuần với trẻ em ở nhiều nước để kết nối và giúp trẻ hiểu thêm về văn hóa Việt
Tôi mong nhận được sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để có một tủ sách tiếng Việt cho cộng đồng. Điều này thực sự quan trọng, do môi trường giao tiếp tiếng Việt và tiếp xúc về văn hóa của trẻ bị hạn chế.
Tôi còn một ý tưởng nữa là xuất bản một cuốn thơ “Tiếng Việt vui” bao gồm cả những bài trước đây và mới viết của tôi, xem như một công trình nho nhỏ làm quà cho các cháu yêu tiếng Việt.
“Chất thơ” có thể chưa cao nhưng giá trị về tiếng chắc là sẽ tốt. Trong đó, có những bài xác định rõ nhiệm vụ dạy các cặp tính từ trái nghĩa, dạy động từ, dạy danh từ chỉ người thân trong gia đình, giới thiệu món ăn, giới thiệu một vài hoạt động gần gũi…
Các nhà thơ chuyên nghiệp có thể viết thơ hay hơn người biên soạn tài liệu dạy học, nhưng khi không được đặt hàng, không “sinh nghề tử nghiệp” với từng bài dạy tiếng Việt thì họ dễ bỏ qua, không làm. Làm sao để mỗi bài viết ra đạt cả yêu cầu về tứ thơ và yêu cầu dạy tiếng là nhiệm vụ rất khó khăn. Đôi khi, phải đặt yêu cầu dạy tiếng, yêu cầu phù hợp với đối tượng lên trước. Đôi lúc bài có thể chưa thơ lắm, nhưng tiếng Việt phải giàu như cái kho được sắp xếp lớp lang dễ thấy, dễ tìm và dễ làm theo.
Chị nghĩ việc ra đời Ngày tôn vinh tiếng Việt có nghĩa thế nào đối với cộng đồng kiều bào?
Ngày tôn vinh Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt xa xứ là một sáng kiến hay, cũng là một đòi hỏi cấp thiết.
Tiếng Việt của người Việt Nam ở nước ngoài xứng đáng nhận được tôn vinh, quan tâm như thế. Bởi tiếng Việt chính là sợi chỉ đỏ nối liền người xa xứ với gia đình và quê hương.
Hơn nữa, trong tâm khảm của mỗi người, tiếng Việt có ý nghĩa thiêng liêng rất khó xác định bằng lời. Quan trọng hơn là để góp phần giữ cho ánh sáng của tiếng Việt ngày càng cháy sáng hơn trong tâm hồn và tình cảm người Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Nên có ngày này để mỗi người con xa xứ đừng quên tiếng mẹ đẻ, để ôn lại, để đắp dày thêm truyền thống tốt đẹp.
Theo chị, cần có những giải pháp gì để phong trào gìn giũ tiếng Việt được lan toả và hiệu quả hơn nữa?
Về giải pháp, tôi cho rằng, chúng ta nên có tổng kết ban đầu về những gì đã làm được, rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức và nhiều công tác khác; đồng thời có những kế hoạch ngắn và trung hạn cho từng hoạt động như đào tạo-bồi dưỡng giáo viên, tuyên truyền và vận động, hỗ trợ người dạy và người học, kêu gọi tài trợ từ những quốc gia và những nhà hảo tâm…
Đặc biệt, các hoạt động tôn vinh các Sứ giả tiếng Việt như đã làm trong năm 2023 nên tiếp tục phát huy bởi sức lan toả và động viên mạnh mẽ đến người Việt Nam trong và ngoài nước!
TS. Đào Thị Châu Hà xây dựng kênh Youtube Ms Chery Bear để chia sẻ các video và audio về văn hóa Việt và các bài học tiếng Việt, lập ra Câu lạc bộ trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài, tổ chức các lớp học tiếng Việt trực tuyến cho con em người Việt Nam ở xa Tổ quốc; tham gia Dự án Vườn đọc sách (Lesegarten) của HORAMI - Nhà xuất bản sách song ngữ Đức-Việt tại Đức với vai trò người đọc sách và dẫn chương trình podcast.
Thêm nữa, chị còn đọc sách và trò chuyện hằng tuần với các bé trong Câu lạc bộ trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài qua Zoom, đọc sách cho các bé sống ở Việt Nam qua hoạt động của Câu lạc bộ đọc sách Những vì sao, sáng tác các bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của tiếng Việt cũng như các bài thơ ngắn, dễ học giúp các bé vui học tiếng Việt và xây dựng bộ học liệu tiếng Việt với hệ thống câu hỏi trắc nghiệm về tiếng Việt trên giao diện Quizizz.
|
Theo baoquocte