Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và các lãnh đạo Hội thăm Ngôi nhà bình yên

Nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà bình yên (NBY) của Hội LHPN Việt Nam chính thức ra đời ngày 08/3/2007, trong bối cảnh tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) và nạn mua bán người ở Việt Nam được nhận thức là nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ; Việt Nam cũng chưa có luật phòng, chống mua bán người (MBN) và phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ); chưa có cơ sở hỗ trợ nạn nhân; xã hội chưa thực sự chấp nhận mô hình nhà tạm lánh. 

Từ nhu cầu thực tế, kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và sự hỗ trợ của quốc tế, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo thành lập mô hình NBY (gồm 02 nhà) hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của BLGĐ, xâm hại tình dục và mua bán trở về. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) được giao quản lý, vận hành và phát triển mô hình. Đến năm, 2018, NBY đã được nhân rộng tại thành phố Cần Thơ.

NBY hoạt động với mục đích hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho nạn nhân, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý, góp phần thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy định của luật pháp trong phòng, chống BLGĐ và mua bán người. Sau 14 năm hoạt động, NBY đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.444 người đến từ 55 tỉnh/thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số.  

Đến với NBY thường là các trường hợp bị bạo lực nặng nề, lâu dài, bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng nên 100% nạn nhân đều được hỗ trợ tham vấn tâm lý xã hội; tiếp đến là dịch vụ hỗ trợ pháp lý nhằm đảm bảo các quyền lợi về nuôi con, phân chia tài sản…; nâng cao quyền năng thông qua việc cung cấp kỹ năng sống và kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. 70% phụ nữ chưa có nghề đã được học nghề và có việc làm phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của bản thân.

Cần nâng cao tuyên truyền để cộng đồng lên tiếng vì an toàn của phụ nữ, trẻ em - Ảnh 1.

NBY hoạt động với mục đích hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho nạn nhân

Để có thể cung cấp dịch vụ toàn diện cho nạn nhân trong bối cảnh nghề công tác xã hội tại Việt Nam chưa phát triển, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân chưa sẵn sàng, cũng như nguồn lực tài chính còn nhiều hạn chế, CWD đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai. Cụ thể:

- Đã phối hợp đa ngành với chính quyền, đoàn thể địa phương và các ban ngành để giải quyết vụ việc gia đình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. 100% các trường hợp tạm lánh tại NBY, Trung tâm đã gửi văn bản và làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, công an, Hội LHPN các cấp, tổ trưởng tổ dân phố… để đảm bảo an toàn của phụ nữ, trẻ em và có các biện pháp xử lý răn đe người gây bạo lực. Việc phối hợp chặt chẽ này cũng giúp phát huy sự phối hợp và tính cam kết của các ban ngành, đoàn thể địa phương trong quá trình giải quyết các vụ việc BLGĐ. Đặc biệt, NBY phối hợp chặt chẽ với công an 113, chính quyền địa phương trong quá trình ứng phó, hỗ trợ nạn nhân trong trường hợp khẩn cấp (nạn nhân bị đe dọa tính mạng, bị giam cầm….). Đây là điểm rất khác biệt của NBY so với các cơ sở hỗ trợ khác nhằm đảm bảo quá trình trở về địa phương của nạn nhân an toàn, bền vững.

- Đã xây dựng mạng lưới với các đơn vị cung cấp dịch vụ như: để tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thân chủ, Trung tâm đã xây dựng mạng lưới với các đơn vị trợ giúp pháp lý có chất lượng, uy tín; phối hợp với các bệnh viện cấp TƯ và chuyên khoa để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em; kết nối với trường học, trung tâm, dạy nghề giới thiệu việc làm nhằm cung cấp dịch vụ học văn hóa, dạy nghề cho nạn nhân, đảm bảo quá trình học tập liên tục, tư vấn học nghề, kết nối hỗ trợ việc làm, đảm bảo quá trình hồi gia bền vững; phối hợp chặt chẽ với Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để chuyển gửi, trị liệu tâm lý, đảm bảo an toàn và tìm nguồn lực hỗ trợ cho trẻ tại địa phương…

- Ban đầu, mô hình gồm 02 hợp phần là NBY và phòng Tham vấn, sử dụng 03 đầu số điện thoại di động để kết nối với thân chủ. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Trung tâm đã mạnh dạn chuyển đổi và đang từng bước vận hành Tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680 (thay thế các số di động) nhằm đảm bảo tại một thời điểm tiếp nhận nhiều cuộc gọi, sẵn sàng hỗ trợ 24/7. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Tổng đài không chỉ tiếp nhận các cuộc gọi về vấn đề bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ mà còn hỗ trợ tư vấn phụ nữ giải tỏa căng thẳng, biết cách phòng chống dịch và hiểu hơn về các chính sách của Chính phủ trong ứng phó với đại dịch.

- Cùng với Tổng đài, Trung tâm còn xây dựng phần mềm quản lý ca nhằm thu thập thông tin, số liệu các trường hợp tiếp cận dịch vụ, từ đó cung cấp số liệu phục vụ công tác đánh giá tình hình và tham mưu chính sách về phụ nữ và trẻ em.    

Cần nâng cao tuyên truyền để cộng đồng lên tiếng vì an toàn của phụ nữ, trẻ em - Ảnh 2.

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới của NBY

Để công tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới nói chung và hoạt động NBY được hiệu quả hơn, Trung tâm xin có một số khuyến nghị sau:

 - Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ nạn nhân đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới và thân thiện; có chính sách hỗ trợ phù hợp với đối tượng nạn nhân đáp ứng yếu tố khẩn cấp và bền vững; bổ sung các quy định cụ thể về công tác bảo đảm an toàn, bảo vệ cho các cá nhân báo tin, ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân hoặc cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân…

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và người dân về thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; để cộng đồng lên tiếng đảm bảo sự an toàn của phụ nữ, trẻ em.

- Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp trong xử lý, ứng phó với các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ ngay tại cộng đồng.

- Quan tâm hỗ trợ nguồn lực để duy trì và mở rộng mô hình NBY tại các khu vực trong cả nước và đặc biệt nâng cấp thành tổng đài Quốc gia hỗ trợ phụ nữ.

Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội LHPN Việt Nam,

 Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Dương Thị Ngọc Linh