Tham gia đoàn đi thực địa có khoảng 50 đại biểu, gồm đại diện các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, các tổ chức Liên hợp quốc và Phái đoàn Liên minh châu Âu, Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, đại diện một số cơ quan, bộ, ngành và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tại Thanh Hóa.
Các đại biểu đã tham quan di tích lịch sử đền Bà Triệu - nơi tưởng nhớ vị nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, thăm hai mô hình phát triển kinh tế xanh do phụ nữ làm chủ tại huyện Hoằng Hóa và làm việc với chính quyền địa phương tại Thanh Hóa. Chuyến thực địa đã giúp các đại biểu cảm nhận được bề dày lịch sử của mảnh đất Thanh Hoá cũng như phong trào phụ nữ cơ sở hướng tới một nền kinh tế xanh, sạch, bền vững.
Chuyến đi cũng là cơ hội để Hội LHPN Việt Nam thảo luận về phương hướng và cơ chế hợp tác với các đối tác quốc tế trong các lĩnh vực như hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội các văn bản luật pháp, chính sách liên quan tới phụ nữ và bình đẳng giới, thúc đẩy phụ nữ tham chính…
Tại chuyến thực địa, các đối tác quốc tế cũng bày tỏ mong muốn được đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ.
Sự hợp tác, đồng hành của các đối tác quốc tế thời gian tới có ý nghĩa quan trọng giúp Hội thực hiện các ưu tiên của nhiệm kỳ 2022-2027 nhằm "phấn đấu đến năm 2035, khẳng định vị thế là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế", qua đó đóng góp tích cực thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững của đất nước.
H.Y