leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương tặng quà Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Vuyiswa Gladys Tulelo 

Chiều 30/8, Hội LHPN Việt Nam và Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm "Phụ nữ Việt Nam và Nam Phi trong lãnh đạo và hội nhập quốc tế". Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nam Phi (22/12/1993 - 22/12/2023), đồng thời tăng cường sự hiểu biết, hợp tác giữa phụ nữ và nhân dân hai nước Việt Nam - Nam Phi, góp phần thực hiện Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030 của Hội LHPN Việt Nam.

Đồng chủ trì tọa đàm có Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương và Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Vuyiswa Gladys Tulelo, cùng hơn 50 đại diện lãnh đạo hai đơn vị tham dự trực tuyến và trực tiếp.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương và Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Vuyiswa Gladys Tulelo đồng chủ trì tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định: "Việt Nam và Nam Phi có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Tuy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng hai nước có sự đồng cảm, ủng hộ lẫn nhau từ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, quyền tự quyết cũng như trong sự nghiệp phát triển đất nước ngày nay".

Tại toạ đàm, các đại biểu cũng nhấn mạnh phụ nữ hai nước đều có vai trò to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay. 

Bà Vuyiswa Gladys Tulelo, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam, đánh giá phong trào phụ nữ ở Việt Nam và những chiến thắng trong lịch sử có sự tham gia của phụ nữ đã mang lại nhiều điểm tích cực, trong đó hướng đến việc tuyên truyền cho thế hệ phụ nữ trẻ hiểu được những khó khăn, đấu tranh vì bình đẳng cho phụ nữ nhằm tiếp nối những cố gắng, nỗ lực vươn lên của thế hệ đi trước để mang lại lợi ích thiết thực hơn nữa cho phụ nữ.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự tọa đàm

Với chủ đề "Phụ nữ Việt Nam và Nam Phi trong lãnh đạo và hội nhập quốc tế", tọa đàm tập trung thảo luận về 2 nội dung: phụ nữ trong lãnh đạo và phụ nữ trong hội nhập quốc tế, đồng thời, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phụ nữ hai nước Việt Nam - Nam Phi trong các lĩnh vực này.

Tại buổi toạ đàm, các diễn giả của hai nước đã đưa ra các số liệu khá ấn tượng như: tính đến tháng 7/2022, Nam Phi xếp thứ 10 trên thế giới về tỷ lệ nữ trong Nghị viện (46,5% ở Hạ viện và 37% ở Thượng viện), trong nội các có tới 12 nữ bộ trưởng, chiếm 46% (thống kê của Liên minh Nghị viện quốc tế IPU). Về phía Việt Nam, Quốc hội khoá XV là lần thứ 2 trong lịch sử Quốc hội có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm trên 30% và cao gần gấp rưỡi tỷ lệ chung của khu vực châu Á (hiện đang là 21,2%).

Qua buổi toạ đàm này, Hội LHPN Việt Nam cũng mong muốn thông qua phụ nữ Nam Phi để tăng cường giao lưu với phụ nữ các nước châu Phi; đồng thời Hội cũng sẵn sàng kết nối phụ nữ Nam Phi với phụ nữ các nước ASEAN.

leftcenterrightdel
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm “Phụ nữ Việt Nam và Nam Phi trong lãnh đạo và hội nhập quốc tế” 

Phụ nữ Nam Phi và phụ nữ Việt Nam đang tham gia tích cực trong tiến trình hội nhập quốc tế của quốc gia và có nhiều đóng góp quan trọng. Tuy nhiên, trước những định kiến giới đã tồn tại từ lâu, cộng với những thiên chức đặc thù vốn dành cho phụ nữ nên việc nữ giới tham gia lãnh đạo và hội nhập cũng gặp không ít khó khăn, thách thức; có thể bị tác động tiêu cực nhiều hơn nam giới.

Từ những thực tế đó, tại tọa đàm, các diễn giả của hai nước đã chia sẻ, đưa ra nhiều ý kiến trao đổi để có thêm thông tin và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo và hội nhập quốc tế. Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng thảo luận về các chính sách quy định phụ nữ trong lãnh đạo; biện pháp then chốt thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị; đào tạo nâng cao năng lực cho phụ nữ và khả năng tăng cường kết nối, hợp tác giữa phụ nữ hai nước trong thời gian tới, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam - Nam Phi.

leftcenterrightdel
Tọa đàm “Phụ nữ Việt Nam và Nam Phi trong lãnh đạo và hội nhập quốc tế” 

Thu Hà (thực hiện)